Xác minh các văn bản gửi ông Phùng Đình Thực
Chiều 9/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đồng phạm.
Tại tòa, ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh văn phòng PVN giai đoạn 2010 – 2013 đã có mặt để làm rõ những văn bản thể hiện hợp đồng EPC số 33 xây dựng dự án Thái Bình 2 có được gửi tới bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN. Hiện tại, ông Kỳ đang giữ chức Chủ tịch HĐTV Tổng Cty CP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) – chủ đầu tư ban đầu của Thái Bình 2.
Trước đó, ông Phùng Đình Thực khẳng định ông đã không nhận được các văn bản gửi cho mình về sai phạm trong hợp đồng EPC số 33 dù những văn bản này gửi cho ông. Các luật sư, kiểm sát viên đã đề nghị tòa mời ông Hồ Công Kỳ tới làm rõ.
Ông Kỳ cho biết đã phân công ông Khương Văn Đạt – Phó chánh văn phòng PVN phụ trách việc gửi các công văn theo quy chế của tập đoàn. Vì vậy, ông Đạt được gọi lên bục khai báo và cho biết các văn bản bị cáo Thực dẫn chứng chưa nhận được thực tế đã chuyển đến ai cần thời gian xác minh trên hệ thống. Chủ tọa đồng ý việc này.
Tiếp đến, bị cáo Phùng Đình Thực tiếp tục kêu oan đồng thời mong tòa xem xét mình có nhiều công trình nghiên cứu khoa học làm lợi cho Nhà nước, được Giải thưởng Hồ Chí Minh…
Ông Khương Văn Đạt - Phó Chánh văn phòng PVN.
“Vướng lao lý mới biết bản chất con người”
Tương tự, bị cáo Đinh La Thăng cũng khai không nhận được các văn bản cấp dưới gửi lên báo về sai phạm của hợp đồng EPC số 33; không có việc ông Vũ Huy Quang – TGĐ PVPower báo cáo EPC số 33 không đầy đủ pháp lý…
Tòa đặt câu hỏi liệu giữa bị cáo và ông Quang có mâu thuẫn? Ông Thăng bác bỏ, nói: “Bị cáo trong công việc rất quyết liệt nhưng ngoài giờ lại thân tình với anh em”. Tuy vậy, nguyên Chủ tịch PVN cho rằng: “Đứng trước vành lao lý mới thấy bản chất con người. Các ấy ấy quyết ngày tháng, ký hợp đồng nhưng giờ đổ lỗi cho cấp trên”.
Trước câu hỏi của kiểm sát viên về việc có kêu oan hay không, bị cáo Thăng nói không kêu oan nhưng khẳng định mình không phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như án sơ thẩm tuyên.
“Tôi nhận trách nhiệm người đứng đầu, tôi đã thiếu kiểm tra, đôn đốc giám sát… Tôi phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” – lời bị cáo Thăng.
Ông Thăng cũng đề nghị xem xét lại trách nhiệm dân sự khi tòa sơ thẩm buộc ông bồi thường 30 tỷ đồng. Bị cáo cho biết mình chỉ có một căn chung cư, dù bán đi cũng không thể bồi thường một phần trong số 30 tỷ.
Ngoài ra, ông Thăng mong cấp phúc thẩm cho tính lại thiệt hại trong vụ án (119 tỷ đồng). Theo án sơ thẩm, các bị cáo đã cho Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ứng hơn 1.300 tỷ đồng để xây dựng Thái Bình 2.
Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch PVC và cấp dưới sử dụng sai mục đích phần lớn số tiền này. Giám định vụ án khẳng định, các bị cáo phải chịu trách nhiệm về lãi suất ngân hàng trên số tiền sử dụng sai mục đích.
Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, tiền ứng cho PVC nằm trong tài khoản thanh toán nên không thể áp dụng lãi suất tiền gửi tính thiệt hại. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước không được phép gửi tiền vào tài khoản tiền gửi.
Giám định viên Bộ Tài chính bác bỏ lời khai trên của bị cáo Thăng. Theo vị này, pháp luật không cấm doanh nghiệp Nhà nước gửi tiền vào tài khoản tiền gửi và thực tế, PVN và các cá nhân tại đây đã chiếm hưởng lãi suất tiền gửi trong vụ án OceanBank.
Ngoài ra, hợp đồng xây dựng Thái Bình 2 chưa có hiệu lực, dự án chưa được triển khai nên không thể chuyển tiền vào tài khoản thanh toán. Giám định viên tài chính cũng cho biết, họ đã tính thiệt hại trong vụ án sao cho có lợi cho các bị cáo.
Tuy không kháng cáo, bị án Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN không đồng tình với cách tính thiệt hại của giám định tài chính. Theo ông Sơn, việc tính lãi suất như vậy là lấy giả định, có thể xảy ra trong tương lai làm thiệt hại cho vụ án. “Thiệt hại phải là hữu hình, có thật” – ông Sơn nói.