Hôm nay (9/12), bước sang ngày làm việc thứ 2 của phiên tòa sơ thẩm TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Alibaba. Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu tiến hành xét hỏi các bị cáo.
Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba) phủ nhận toàn bộ cáo buộc của Viện Kiểm sát. Bị cáo này cho rằng cáo trạng truy tố có 8 điểm không đúng, gây oan sai cho bản thân.
Bị cáo Nguyễn Văn Luyện nói: "Bị cáo không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng sự thật. Trang 79 của cáo trạng mà Viện Kiểm sát công bố tại tòa nói bị cáo dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản là không đúng, bởi những hợp đồng mua bán là công khai, xuất bản nhiều cẩm nang đào tạo cho nhân viên và khách hàng trong việc mua bán bất động sản..."
Theo lời của bị cáo Luyện, hàng ngày, Công ty Alibaba mở bán công khai, giải đáp thắc mắc, có xe đưa đón khách hàng đi xem đất đai. Việc thu mua lại là đúng quy định, không trái pháp luật, cáo buộc bị cáo này lừa đảo là mâu thuẫn với điều 174 Bộ luật hình sự.
Về nguồn vốn, bị cáo Luyện cho biết đã được tích luỹ nhiều năm chứ không phải như cáo trạng là dùng một ít tiền cá nhân sau đó là tiền lừa đảo để hoạt động. Số tiền tích luỹ là của bản thân bị cáo, từ đầu năm 2017 chuyển từ chuyên viên môi giới sang đầu tư, lập dự án,... Số tiền có được là do bán 2 lô đất, nhờ bố mẹ bị cáo cầm cố nhà đi vay vốn ngân hàng, nhờ người thân đi vay, vay bạn bè đi mua đất...
Bị cáo Luyện nói rằng, căn cứ vào Luật đất đai, người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng nên bị cáo này mua lại đất để làm dự án. Trước khi mua, bị cáo sẽ tìm hiểu đất có quy hoạch là đất ở hay không rồi mua và hợp nhất thành dự án, sau đó hiến đất làm đường rồi phân lô.
Đối với đất nông nghiệp quy hoạch thành đất ở thì bị cáo Luyện lập dự án, thu gom đất. Bị cáo này đại diện đại diện cho bên mua. Đối với đất trồng lúa, các hộ nông dân là người đại diện bên bán.
Về 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, bị cáo Luyện khai mong muốn các đồng nghiệp trở thành chủ doanh nghiệp nhưng do hạn chế về năng lực, vốn... nên chưa phát triển, bắt buộc bị cáo phải điều hành. Những người đứng đầu 22 công ty thì không được hưởng lợi mà được lương tại Công ty Alibaba.
Về nguồn vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp, bị cáo Luyện khai là tiền của cá nhân. Các công ty con phải nộp tiền. Các công ty con thành lập ra để lập dự án, còn hoạt động như thế nào thì phải thông qua Công ty Alibaba. Định hướng của công ty sẽ bao quát các hoạt động, từ môi giới, chủ đầu tư, xây dựng hạ tầng dự án, truyền thông, vận tải, thời trang…
"Khi thực hiện dự án thì không cam kết thời gian ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cho khách hàng. Hợp đồng quyền chọn (căn cứ theo hợp đồng chuyển nhượng) có thể thu mua lại hoạch đầu tư lâu dài...", bị cáo Luyện khai nhận.
"Ông trùm" của Công ty Alibaba khai nhận, 22 công ty trực thuộc định hướng trở thành công ty độc lập nhưng chưa hoạt động nên mọi chi phí phải thông qua Công ty Alibaba. Công ty Alibaba không trốn thuế.
Theo bị cáo Luyện, việc tăng vốn điều lệ của Công ty Alibaba từ 1 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng là để thực hiện dự án tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi nhưng sau đó chính quyền không cấp đất nên bị cáo có ý định thay đổi vốn điều lệ. Sau đó, được tư vấn góp vốn bằng bất động sản, bị cáo đã không thay đổi vốn điều lệ của công ty.
Tại phiên tòa này, hai bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị cáo khác bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện) bị xét xử về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Cty Alibaba) bị xét xử về tội “Rửa tiền”.
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt 2.300 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng có đơn tố cáo bị chiếm đoạt 2.100 tỷ đồng.