Ở nơi học sinh lớp 5 tập... đánh vần

TP - Thầy giáo Lý Thanh Liên tâm sự: Từ hơn chục năm nay, bản Lũng Cà đã có giáo viên về dạy chữ cho con em đồng bào Mông. Nhưng một thời gian sau, cái chữ cứ theo thầy giáo xuống núi, không chịu ở lại với đồng bào.

Thầy Liên mới được điều động  lên Lũng Cà (thuộc huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) từ năm học trước. Các cô giáo khác cũng thế, đều mới về và không biết tiếng địa phương.

Đã vậy, con em của bản đến lớp lại chưa thạo tiếng phổ thông. Khó khăn nhất là cô trò lớp 1, hằng ngày cùng nhau đánh vật với bảng chữ cái.

Ông Ma Khánh Bằng – Trưởng bản – bức xúc: Ở bản, bà con chỉ mong thầy, cô giáo dạy cho con em đọc được chữ. Có cháu học hết lớp 5, bảo đọc hộ cái thư, xấu hổ vì không ghép được vần. Mới đây, ông Lý Văn Phình có đề nghị, xin cho con trai là cháu Lý Văn Mái, “tốt nghiệp” lớp 5 trường bản được học lại lớp 1 cho chắc ăn.

Thầy cô giáo ngược dốc mang gạo lên dạy chữ cho con em đồng bào, cả bản nhà nào cũng mừng. Lớp học dựng vội bằng cây que, mái lợp lá cây rừng, các cháu nhỏ ở lớp về tới nhà khoe với bố mẹ được biết chữ o, chữ a. Vui lắm.

Vinh dự của Trưởng bản là được giáo viên về ở luôn tại nhà, hết gạo thì ăn chung cùng gia đình… Để tiện lợi, cả bản hô nhau vào rừng ngả cây, trai tráng cởi mình trần hò thúc chặt gỗ làm đà xẻ ván. Lại cùng nhau khênh về dựng lớp học, làm thêm phòng ở cho giáo viên. Cả bản náo nức cùng góp công sức lo cho cái chữ của các cháu.

Khi ấy, Nhà nước hỗ trợ thêm cho bản tấm lợp, chính quyền xã giúp thêm đinh sắt. Vậy là 3 ngôi nhà gỗ được dựng lên, khang trang nhất bản. Song, Lũng Cà – vùng đất xa xôi, khó khăn, giáo viên thay nhau lên dạy chữ nghĩa vụ. Con em đồng bào đến trường, được chữ nào, hay chữ ấy. Chuyện một phụ huynh người Mông nuôi con ăn học đến hết lớp 5, xin cho con được học lại lớp 1 như ông Phình phải coi là chuyện mừng mới đáng.

Ngay trong gian phòng vừa ở, vừa làm việc của thầy Liên, tôi cùng anh chị em giáo viên của điểm trường xúm lại bên chiếc bàn gỗ mộc. Câu chuyện người xuôi, kẻ ngược bắt đầu giòn nổ như ngô rang.

Thầy Liên cho biết: Cả Lũng Cà có gần ba chục hộ dân cư, song chỉ có một mạch nước nho nhỏ, mọi sinh hoạt của cư dân trong bản đều trông vào đó. Tắm, giặt xong, nước chảy lại, lấy về ăn. Mà lấy được nước về tới điểm trường cũng mất gần một tiếng đồng hồ xách, gánh. Có buổi, về gần tới nơi, chân vấp hòn đá, xô nước xòa ra cỏ, nhịn luôn cho đỡ nhọc.

Nhìn bụm nước vàng nhệch, mất vệ sinh, thầy Liên bộc bạch: “Giá như cấp trên biết, cho chúng tôi chiếc bình lọc nước, sau về già đỡ phải đi viện chữa bệnh đường ruột”.

Thầy Liên đã gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” 10 năm nay. Và cũng liên miên 10 năm ít được ở gần nhà. Đây là lần thứ 2 anh tăng cường lên bản vùng cao, quen lắm với đôi chân cuốc bộ, leo dốc và quen cả việc để con ở nhà cho vợ chăm nuôi.

Các em học sinh ở điểm trường Lũng Cà

Nỗi lòng cô giáo xa nhà

Chuyện đàn ông xa nhà – người ta bảo đó là lẽ thường tình. Nhưng, với cánh chị em thì… trăm đường khổ. Trong lúc đông vui như này, những đôi mắt của các cô giáo bắt đầu nhỏ lệ.

50 tuổi, cô Đàm Thị Điệp từng gần 30 năm làm nghề. Quê hương nơi Phú Thượng, từng lên bản người Dao Cao Biền dạy chữ.

Hết buổi lên lớp, điểm trường hun hút gió, tối đến chẳng biết làm gì ngoài việc nằm suy nghĩ mông lung. Đời nghề ít có được ngày vui trọn vẹn. Hết Cao Biền lại tăng cường về Thần Sa, nay lên đây vẫn cái nghề “gõ đầu trẻ”. Tuổi xuân qua với những điểm trường, trên đầu mái tóc đã ngả sương, các con của chị cũng quen với việc mẹ vắng nhà.

Một chai dầu thắp, mấy mớ rau xanh, túm gạo… “chất lên lưng”, cô giáo Nguyễn Thị Tâm, 48 tuổi đời, 28 năm tuổi nghề cùng những đồng nghiệp của mình được tăng cường lên bản Mông Lũng Cà dạy chữ. Dốc thăm thẳm, đá mòn nhẵn vì bàn chân chồng lên bàn chân.

Chị tâm sự: “Cái dốc tức thở ấy ghét mà phải chịu. Tuần một lần lên, một lần xuống, trông cả vào đôi chân. Tôi thuộc từng hòn đá, từng đoạn đường, chỉ thương bọn trẻ trong bản thiếu thốn nhiều quá. Có em đến lớp, không có sách, mình chuẩn bị sẵn, tặng. Em thiếu bút, mình tặng”.

Yêu lấy trẻ – trẻ mới đến lớp học chữ. Có ở đâu trên đất nước này cô giáo bỏ tiền mua cho học sinh giấy bút bằng đồng lương ít ỏi của mình. Có cô giáo còn vận động người quen, xin quần áo cũ mang lên, sửa cho các em mặc khi đông về.

Thương trò lắm, mỗi ngày lên lớp, thấy có chỗ trống là y rằng em đó hết vở. Cô giáo Tô Thị Oanh lại đến nhà vận động cha mẹ cho các cháu tới lớp. Song phải đến từ lúc sáng sớm, thăm hỏi lễ phép, cha mẹ mới đồng ý động viên con đi học.

Cô giáo Oanh tâm sự: Cuộc sống của đồng bào còn khó khăn lắm, nên các bậc phụ huynh chưa có điều kiện chăm nom tới sự học của con. Thấy con bảo nghỉ, là cho đi chăn trâu, lấy củi hoặc vào rừng vác gỗ thuê cho người dưới chân núi lấy tiền đong gạo.

Gạo ăn, sách học – Cái gì quan trọng hơn? Tôi nhìn lên bốn bề núi, chỉ thấy mờ mờ xanh của sự khó nghèo. Tiếng gỗ lăn trên đá núi, từng nhóm người lặng lẽ, lưng bết mồ hôi vì mang vật nặng trên vai. Nhưng, đó là miếng ăn cho cả gia đình, là manh áo mới cho vợ xuống chợ phiên, là thếp giấy viết cho con đến lớp.

Ông Ma Khánh Du thật thà: “Để có chiếc máy cắt gỗ, tôi hùn vốn cùng anh trai mình là Trưởng bản – chưa đủ, phải vay thêm tiền của ngân hàng mới mua được. Trong bản, ai có sức đều đi vận chuyển gỗ trái phép, lấy tiền công”.

Trở lại chuyện học của trẻ em trong bản. Nghèo như vợ chồng Hoàng Văn Sự với 11 đứa con, nhà ken liếp, bốn bên gió lùa cũng cho được con tới lớp. Để học thôi, tới lớp 3, lớp 4 là khá lắm. Cái ăn trong nhà Sự lâu nay cứ mỗi năm mất 6 tháng đi vay mượn. Ngô vừa bẻ, lúa vừa thu người ta đã đến đòi…

Được cái, trẻ em ở Lũng Cà đến lớp học chữ, cha mẹ không phải đóng góp tiền xây dựng như con em thành phố. Nhưng, mỗi lần lên lớp, nhìn các em ngơ ngác, hỏi gì cũng ấp úng độc 2 từ: Chi pấu (Không biết tiếng Mông). Như người ươm cây, phải uốn nắm từng chút, đơn giản như: Không nên gọi thầy cô giáo là mày, xưng tao…

Là chuyện trong lớp học. Còn khi trở về căn phòng riêng, đêm hôm trống trải, nỗi nhớ chồng, con lại giằng xé. Đã bao đêm cô giáo Lương Thị Ngọc Linh không ngủ được, nước mắt thấm vào gối mà không dám cựa mình, nhỡ đồng nghiệp thức giấc.

Vậy mà có những đêm, chị em cùng òa khóc. Cô giáo Linh thổn thức: Em nhà ở La Hiên, mới tăng cường lên đây từ năm ngoái. Chồng bộ đội, biền biệt trên biên giới Lạng Sơn. Vợ chồng phải gửi con cho ông bà ngoại nuôi từ năm cháu mới lên 3 tuổi. Năm nay cháu 7 tuổi, hôm rồi về quê, đi họp phụ huynh cho cháu, tôi bị cô giáo chủ nhiệm phê bình là cha mẹ không chịu kèm cặp con.

… Chúng tôi cùng lặng đi, cố giấu không òa khóc thành tiếng. Ngoài sân, tiếng học trò nô nghịch, vô tư. Cô giáo mầm non Lương Thị Nguyệt Anh cũng thế, gửi con thơ ở nhà cho chồng, để lên đây nuôi dạy các cháu mầm non của bản người Mông.

Vậy mà có ai hay, trên ngọn núi cao ngất ngưởng này đang có những thầy, cô giáo hằng ngày thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng mình, để thắp sáng bao tâm hồn con trẻ. Nhất là khi ở nơi này, chỉ có gió và nắng là hào phóng, cái nghèo còn ngự trị.