Ở đây chúng ta chỉ nói về bạn mà thôi

Người đẹp - Tôi vừa giới thiệu cho anh tôi một cô bạn, thì bị giội một gáo nước lạnh: “Đã xấu lại còn... ngoan!”. Một người bạn khác thì chêm ngay vào “Hiền quá!”. Vậy cơ đấy. Ngoan, hiền cũng là tội rồi cơ đấy! Có phải thời nay các anh thích gái hư rồi phải không?

> Đã xấu lại còn ngoan...

À, bình tĩnh nào em gái. May mắn là cá nhân tôi vẫn thích gái ngoan nhé, nhất là gái ngoan vừa vừa. Nhưng tôi dè chừng rằng ý của anh trai bạn đang nói tới việc ngoan quá và hiền quá. Tôi sẽ kể cho em nghe vì sao nhiều người lại lăn tăn với gái ngoan.

Bởi vì, có một cô người yêu ngoan quá cũng là một trách nhiệm nặng nề! Gái ngoan như miếng bánh nhạt, ăn thì lành bụng, nhưng ăn hoài dễ ngán.

Cái đáng sợ nhất của gái ngoan là vì ngoan quá, phẳng lặng quá, nên gái ngoan khó thông cảm với những ngóc ngách cuộc đời. Bạn tôi nè, hồi đầu hí hửng kiếm được một cô gái ngoan hiền trong vắt như bột bánh lọc. Ngoan tới mức chỉ cần nghe thấy cậu ấy chửi thề một từ thôi là cô ấy ghê sợ tái mét mặt mày. Còn hôm nhìn thấy bộ dạng xộc xệch khi cậu ấy nhậu xỉn là cô ấy đã ói ra đầy nhà! Nếu biết cậu ấy ngày xưa từng có lần “đi mát mẻ” thì chắc chết luôn! (Ơn trời tụi tôi vẫn giữ giùm cậu ấy bí mật đó). Nhưng tới hôm cô ấy gặp một người bạn cũ của chúng tôi, nghe giới thiệu cậu ấy vừa được ân xá về… cô ấy đứng phắt dậy, bỏ về luôn. Cậu ấy chỉ còn nước chạy theo tiễn bạn gái, chào một câu tạm biệt, và rồi… tạm biệt luôn!

Gái ngoan quá, có thể sẽ như em bé chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Giờ gặp bệnh gì là nhiễm bệnh đó. Hồi mới vào đại học, tôi cũng có quen một tiểu thư trong trắng hiền ngoan. Nhưng chỉ tới năm thứ hai xa gia đình sống tự do, cô ấy tiếp nhận cuộc sống thành phố như một miếng mút khô lau nhà, tức là hút trọn cả nước lẫn cát bụi. Khi tiêm vắc-xin, là người ta tiêm cho bạn chút vi khuẩn xấu vào cơ thể, để cơ thể bạn tiết ra kháng nguyên, đề phòng khi có dịch bệnh tới thì bạn đã thiện chiến rồi. Gái ngoan trong lồng kính không được tập trận, ra đời dễ đổ gục lắm.

Gái hiền quá cũng khó biết bảo vệ mình. Có những vụ vợ bị chồng đánh tới 7 phần chết, 3 phần sống, nhưng cứ nhất quyết không dám tố cáo, không dám ly dị. Sợ người ta cười. Người ta cười quan trọng hơn hay bạn khóc quan trọng hơn, bố mẹ bạn phí công dưỡng dục quan trọng hơn?

Ngoan, cũng như hiền, đừng có hiểu nó một cách quá đơn giản. Vợ hiền, đâu phải chỉ là hiền lành ngoan ngoãn, chỉ đâu ngồi đó. Người xưa cũng “gian” lắm, gắn cho từ hiền rất nhiều chức năng. Hiền còn là ăn ở phải đạo, còn là hiền tài, có đức lớn tài cao: dâu hiền, bạn hiền, chiêu hiền đãi sỹ, …

Tóm lại, cuộc sống sau này chúng ta còn phải chiến đấu với nhiều “thế lực trong ngoài”, cần phải giải nhiều bài toán hóc búa, nên ngoan không chưa đủ, mà phải khôn ngoan, bạn ạ! Trứơc hết để bạn có thể đối mặt và xử lý với những vấn đề của chính mình.

Tôi vừa gặp một tình huống khủng khiếp. Tôi và bạn trai ngồi trò chuyên trên một đoạn đường vắng, có 3 tên du côn tới đòi tiền, dọa đâm kim tiên có HIV. Anh ấy rất sợ sệt, ngay lập tức khúm núm nộp hết tiền trong ví của mình, và ví của tôi nữa. Tôi thất vọng quá. Có phải anh ấy quá hèn nhát, vô cảm?

Bản thân tôi cũng đã từng rơi vào một tình huống tương tự. Tôi cũng không dám hùng hổ chống lại tên du thủ du thực đó, sợ có thể bị một nhát. Và tôi cũng đã cay đắng nộp hết tiền. Dù sao tiền cũng có thể có cơ hội làm ra lại được, còn tính mạng thì không. Tôi mà đi với bạn gái như chàng của bạn, có khi tôi còn nhanh nhẹn nộp tiền hơn, bởi vì chậm trễ có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng bạn gái của mình.

Trong câu chuyện của bạn, tôi không biết sự sợ sệt, khúm núm của anh ấy có thường xuyên diễn ra không? Nếu nó xảy ra với tất cả những người có uy có quyền thì đúng là đáng chán, còn nếu chỉ có khi đối diện với những tên côn đồ, tôi nghĩ đó là một hành động khôn ngoan. Những tên đó không có gì để mất, vua thua thằng liều thôi.

Cá nhân tôi cũng nghiêng mình kính cẩn trước những tấm gương hiệp sỹ bắt cướp, hay những người tay không chống lại tụi cướp. Nhưng bảo tôi làm thì, thú thật là tôi không làm được. Công việc đó phải dành cho những chiến sỹ cảnh sát SBC được đào tạo, huấn luyện, được học võ thuật, học tâm lý, được trang bị vũ khí, được quyền được nổ súng, được luật pháp bảo vệ. Chứ còn làm Lục Vân Tiên thiếu kỹ năng, thì thôi!

Bạn đừng buồn, nếu anh ấy có tinh thần hiệp sỹ trong những việc thường nhật nhỏ bé trong gia đình hiện có của anh ấy và gia đình tương lai của bạn, là tốt rồi.

Nhà tôi chỉ có 2 chị em gái. Bố mẹ dặn dò là không lấy chồng xa. Vậy mà giờ run rủi sao yêu trúng một anh cách gần 2 ngàn cây số. Tôi lấy anh ấy là coi như bố mẹ mất con gái hoàn toàn. Nghĩ mà nẫu ruột lắm luôn, thôi, hay là chẳng cần chồng nữa, chỉ bố mẹ thôi!

Đúng là lấy chồng xa vất vả lắm. “Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa, nhỡ khi cha yếu mẹ già, chén cơm đôi đũa chung trà ai dâng…” nghe thật là tủi hờn. Thương ba mẹ già tối sớm thui thủi… Rồi những khi bạn ốm đau, sinh con đẻ cái.. không có ai thân thương và chăm sóc hiểu ý bằng mẹ, không gửi con cho ai yên tâm bằng mẹ… những ngày lễ tết, hiếu hỉ, ma chay.. đi đường xa xôi cách trở mà thấy mệt mỏi nản lòng.

Nhưng cái khó ló cái khôn. Khi bạn càng phải tự lập thì bạn càng cứng cáp, con bạn đi về quê càng xa, bé càng hiểu biết nhiều.

Đó cũng là một đặc trưng cuả văn hóa Á Đông. Có lẽ do điạ lý hiểm trở, do nền văn hóa lúa nước, tập quán nông nghiệp ổn định, từ xa xưa ông bà chúng ta đã ít thích dịch chuyển. Vì thế mà dần dần chúng ta đã phát triển chậm hơn Phương Tây. Những bộ lạc du mục châu Âu, đi là lẽ sống, và càng đi, họ càng tiếp nhận được nhiều nền văn minh, họ càng phát triển vượt trội. Sự cạnh tranh dữ dội giữa các nước đối nghịch cũng thường được miêu tả như là một nguồn gốc của sự thành công của Châu Âu. Người ta cũng đã nghiên cứu thấy rằng: Hôn nhân bố mẹ dị chủng thì IQ của con cao hơn những bố mẹ gần chủng.

Tôi cũng đã tới những vùng dân tộc ít người. Những bản làng bó hẹp. Họ toàn lấy chồng gần! Hầu như không đi đâu khỏi bìa làng, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Và ở những nơi đó, có lẽ ngoài tình cảm gần gũi, còn giữ được nguyên sơ sự lạc hậu của hàng nhiều trăm năm trước. Cảm động, nhưng rất thương.

Dũng cảm đi xa bạn nhé. Đến cả nước còn cần chảy nữa mà. Biển Hồ Galilê và Biển Chết cùng từ một nguồn nước. Biển Hồ Galilê tưới mát xanh tươi cung cấp nước cho dân chúng toàn vùng Palestine-Israel. Từ Biển Hồ, nước ngọt theo dòng sông Jordan đổ vào Biển Chết, nhưng tới đây thì tùm túm cả lại với nhau ở đó, không chảy đi đâu nữa, cho nên nước ngọt mới hóa ra nước mặn thành Biển Chết.

Dịch chuyển khắc nghiệt hơn, thử thách hơn, nhưng là cội nguồn để phát triển. Còn loanh quanh bên mẹ biết ngày nào khôn? Giao thông giờ thuận lợi hơn rất nhiều. Ba mẹ ới một tiếng là vài giờ sau bạn đã có mặt bên cạnh rồi. Nếu là bố mẹ, tôi cũng không mong con cái sau này chỉ quẩn quanh góc bếp, bìa làng của mình.

Theo Đăng lại