Vận chiếc quần xà lỏn, để lộ thân hình gầy guộc, sém nắng, ngư dân tên Hòa dẫn chúng tôi ra bãi đậu ghe chuẩn bị rời ấp 1C cho một ngày kiếm sống mới.
Giật nổ máy chiếc ghe cũ nát, anh Hòa bảo chúng tôi: “Từ đây lên ngã tư Bàn Thạch ngót 50km đường sông, anh chị mặc áo ấm kẻo lạnh. Phải bịt khẩu trang vì đoạn sông này thối lắm. Ghe đi nhanh, nước bắn vào mặt mũi, tắc thở như chơi”.
Hai bên bờ Thị Vải, những rặng đước xanh rờn nhấp nhô. Hơn mười năm trước, khi Thị Vải còn là vựa tôm cá giàu có, thì những khóm đước kia chính là “lá phổi xanh”.
Còn bây giờ, cây đước như đang cúi đầu hổ thẹn, bất lực vì dù có xanh đến mấy cũng không thể “nuốt” hết khí carbonic của dòng sông này.
Mất 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến Ngã tư Bàn Thạch, đoạn Cảng Cái Mép thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi tập trung nhiều dân chài từ khắp nơi đổ về. Trời hửng sáng, cả nhà cô Mai neo ghe ở Ngã tư Bàn Thạch đã thức dậy để nấu cơm. Hơn hai chục năm, kể từ khi cô rời đất Hà Tây để vào đây làm ăn, chiếc ghe cũ kỹ này trở thành mái nhà che thân cho cả 5 người.
Cô kể: “Ngày trước cá, mực, tôm sú… nhiều vô kể. Giăng lưới chỉ một lúc đã được hơn hai chục ký. Dư ăn. Giờ sông bẩn, cá chết trắng sông như trái mù u rụng. Cả nhà tôi giờ chỉ còn biết bám vào rừng đước, bắt nha”.
Cô Mai tiếp: “1 ký nha - 6.000 đồng. Ráng hết sức, cả nhà cũng kiếm được gần 70.000đồng/ngày. Nhưng 5 đứa con tôi chẳng đứa nào biết chữ. Hỏi tên cha là gì chúng cũng không đánh vần nổi. Thằng con lớn 29 tuổi là lao động chính nhưng bị hở van tim, đau ốm suốt. Đứa con gái gần 20 tuổi đang mang bầu, sắp đẻ mà vẫn phải vác bụng lên lội sông mưu sinh”.
Mắt cô ngấn nước: “Những hôm bão lớn, mạng sống phập phù. Thấy tàu lớn mà không chạy kịp là sóng đánh úp ghe, chết lúc nào không biết. Đêm giông, ghe lắc lư, tròng trành làm tim muốn nhảy ra ngoài. Mấy mẹ con trốn xuống khoang ghe, ôm chặt lấy nhau. Tháng trước, có vụ lật ghe, hai người chết đã tìm thấy xác đâu!”.
Nói xong, cô bưng tô cơm nhai trệu trạo. Người con trai lớn của cô không ăn, ra mom thuyền ngồi một mình. Đã gần 30 năm rồi, anh gửi tuổi thơ và mơ ước của mình ở đây. Nhưng giờ, dòng Thị Vải đang hấp hối!
Rời “nhà” cô Mai, chúng tôi lên ghe của vợ chồng anh Nguyễn Văn Út quê ở Gò Công, Tiền Giang. Họ đang cắm cúi bới những con cá đối, cá nâu… lẫn lộn với rác rưởi trong tấm lưới vá chằng chịt. Đứa con trai 3 tuổi ngơ ngác xòe những ngón tay nhỏ xíu, sục bới trong mẻ cá ươn, mặt mũi dính đầy vẩy cá.
Anh Út nói: “Trước đây, sông Thị Vải “đã” lắm! Nước trong vắt, dân chài chúng tôi ăn uống, tắm rửa tốt. Bây giờ dân chài phải mua nước sạch để dùng với giá 2.000 đồng/can, chỉ đủ ăn uống, rửa mặt… Mọi sinh hoạt khác đều phải tằn tiện. Nước cũng là… tiền cả”. Anh trầm giọng: “Ráng “cày” cũng đủ ăn rau muối”.
Ngừng câu chuyện, anh Út chỉ sang chiếc ghe bên cạnh của gia đình anh Trí “mập” đã có thâm niên ba đời bám sông. Ghe của anh có tuổi thọ gần 40 năm, từ đời ông nội để lại. Vợ anh và người chú ruột cũng đang lượm cá.
Nhìn những con cá trương phình bụng, anh rầu rĩ: “Trước đây tôm cá hiếm thế này chắc tôi bỏ nghề rồi. Nay thức dậy từ 2 giờ sáng, giăng lưới hơn 3 tiếng đồng hồ được vài con cá chết. Nhiều lúc chán, muốn về quê nhưng về chẳng biết làm gì. Không có chữ, lại nghèo. Giờ đến một tấc đất cắm dùi cũng không”.
Cạnh mép ghe, người chú ruột của anh đang chăm chú bới tìm tôm, mực, ngẩng lên góp chuyện: “Tui 50 tuổi rồi, chân yếu, nhưng cũng ráng phụ nó kéo lưới, nhặt cá, kiếm miếng cơm”. Thân hình gầy gò của ông cứ lắc lư mỗi khi con thuyền chao đảo vì sóng.
Chết mòn cùng ô nhiễm!
Trên đường trở về ấp 1C, qua đoạn Tắc Ông Trịnh, gần cảng Phú Mỹ bọt nổi lên trắng xóa cả một khoảng sông. Mùi hôi thối nồng nặc phả vào mặt, mũi cay sè.
Anh Hòa chỉ tay: “Nó thải ngầm đấy, không thấy cống đâu nhưng bọt nổi dày đặc, trắng xóa. Chỗ nào có ống dẫn thải trực tiếp xuống sông còn kinh khủng hơn”. Đi giữa đám bọt dày, nhiều lúc chúng tôi phải nín thở vì mùi khó chịu.
Ông Lê Văn Viên - Trưởng Công an ấp 1C, xã Phước Thái cho biết: “Mười năm trước, 100% dân cư của ấp đánh bắt cá trên sông Thị Vải. 60% dân cư của các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Phú theo nghề này. Riêng xã Phước Thái có một làng lưới và một làng chài. Ngày đó, dân chài sống khỏe! Một ngày kéo được cả trăm ký. Vậy mà…”.
Ông Viên thở dài rồi tiếp: “Dân làng chài lưới bỏ nghề. Cả ấp chỉ còn gần 60 hộ hàng ngày vẫn cố bám sông. Có người đi nhặt rác, thu gom phế liệu, chở hàng. Cả một vùng thuộc địa phận xã Phước Thái hàng trăm mẫu đùng tôm bị ô nhiễm nặng. Nhiều hộ dân ở ấp Ngọc Hà, xã Mỹ Xuân, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phải bỏ đùng trống không”.
Theo ông Viên, người dân ở đây lâu nay phải sống chung với ô nhiễm, nước bẩn, bụi khói và hóa chất. Mười nhà lợp tôn thì cả mười mái bị bục, chỉ sau 3 năm. Gặp hôm trời giông, mùi hôi thối bay khắp cả vùng. Trong ấp, 90% người dân bị viêm họng.
Ô nhiễm, bệnh tật đang khiến cuộc sống của hàng trăm người dân ở trên lưu vực sông Thị Vải của các huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu “chết mòn”. Họ rất mong muốn các ngành vào cuộc để khảo sát tình hình bệnh tật ở đây.