Chiến dịch hướng dẫn người dân về cách bảo quản và sử dụng thuốc viên kali i-ốt nhằm giảm tác động của phóng xạ sẽ bắt đầu được tiến hành tại Romania trong tuần này, Bộ Y tế tuyên bố hôm 3/4.
Cơ quan này cho biết thêm, rằng việc phân phối thuốc kali i-ốt sẽ được tiến hành từ nửa cuối tháng 4 sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan.
Mục đích của việc phát thuốc kali i-ốt không được công bố. Nhưng chính quyền Romania nhấn mạnh “ở thời điểm hiện tại, chưa có nguy cơ nào khiến người dân phải uống loại thuốc này”.
Romania có chung đường biên giới dài 614 km với Ukraine – nơi đang vận hành 4 nhà máy điện hạt nhân.
Không lâu sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, người dân các quốc gia Trung Âu và khu vực lân cận (từ Ba Lan đến Bulgaria) đã đổ xô đi mua i-ốt vì tin rằng loại dược phẩm này có thể giúp bảo vệ họ khỏi phóng xạ.
Trước Romania, một số quốc gia EU như Phần Lan, Bulgaria, Bỉ đã thông báo về việc phát thuốc i-ốt cho cư dân.
I-ốt (dạng viên hoặc siro) được nhiều người coi là một cách bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh như ung thư tuyến giáp trong trường hợp tiếp xúc với phóng xạ. Hồi năm 2011, chính quyền Nhật Bản từng khuyến cáo người dân xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima (bị hư hại sau thảm hoạ động đất - sóng thần) nên sử dụng i-ốt.
Liên minh Châu Âu (EU) mới đây đã kêu gọi các nước thành viên tích trữ thuốc i-ốt và các loại thuốc được chỉ định khác, cùng những bộ quần áo bảo vệ khỏi phóng xạ.
Ngoài ra, EU cũng đang đẩy mạnh chuẩn bị đối phó với kịch bản xảy ra một cuộc tấn công hóa học hoặc sinh học.
Hồi đầu tháng 3, một vụ cháy đã bùng phát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhskaya của Ukraine, nơi nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga. Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết “không có tác động nghiêm trọng nào đến vấn đề an toàn” tại cơ sở này.
Mátxcơva cũng tuyên bố rằng họ đã ngăn cản một nỗ lực – nghi là của phe chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine – nhằm cắt nguồn cung điện cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.