Nữ sinh lớp 8 giành giải Nhất cuộc thi Đại sứ giảm nhựa

TP - Tại lễ trao giải cuộc thi Đại sứ giảm nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, dự án Đại sứ miền đá xanh của em Già Thị Lan, lớp 8A2, Trường PTDTBT THCS xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang giành giải Nhất.

Già Thị Lan chia sẻ niềm vui, sự háo hức khi được xuống Thủ đô Hà Nội để nhận giải thưởng. Lan nói rằng, em sinh ra và lớn lên trên miền đá xám, nơi địa đầu Tổ quốc với cảnh quan kỳ vĩ, không khí mát lành. Nơi đây, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Em luôn nghĩ rằng, quê hương được trời phú cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nhưng nếu con người không biết gìn giữ, sẽ bị tàn phá, ô nhiễm.

Thực tế, quan sát ở các con đường, trên sông Nho Quế và những nơi đông người qua lại thường có nhiều rác thải, nhất là rác thải nhựa. Ở trường, em được thầy cô dạy về sự khó phân hủy trong tự nhiên của rác thải nhựa và sự cần thiết bảo vệ môi trường. Lan sớm nhận thức được việc hạn chế sử dụng túi ni lông trong cuộc sống hàng ngày là cách gìn giữ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Ngoài giờ học, Già Thị Lan cùng nhóm bạn tái chế các sản phẩm túi ni lông, dây dứa

Cô học trò vùng cao chia sẻ, ở vùng núi, người dân thường sử dụng các dây dứa, túi ni lông để đi chợ, đựng các đồ dùng hàng ngày như một thói quen. Sau khi sử dụng, họ không ngần ngại xả ra môi trường. Nhận thấy rác thải nhựa tràn lan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Lan nghĩ cần phải hành động ngay để quê hương ngày một sạch hơn.

“Nếu túi ni lông vứt ra bãi rác phải mất hơn 500 năm mới có thể tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng nếu nó được tái chế lại trở thành vật dụng có ý nghĩa trong đời sống của chúng ta”.

Em Già Thị Lan, Trường PTDTBT THCS Cán Chu Phìn

Hằng ngày, ngoài giờ học, Lan cùng nhóm bạn tiến hành thu gom dây dứa, túi ni lông ngoài đường, trong thùng rác, bãi rác mang về rửa sạch, phơi khô. Sau đó phân loại màu sắc, lựa chọn dây tước nhỏ để đan thành những chiếc túi tiếp tục sử dụng.

Lan thường tự tay đan dây dứa thành những chiếc túi có họa tiết đặc trưng của văn hóa dân tộc Mông. Những chiếc túi thành phẩm có thể sử dụng cho nhiều việc như: đựng hành, tỏi, thực phẩm và các đồ dùng khô hàng ngày. Những chiếc túi với hoa văn đẹp mắt vừa lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc lại có thể tái sử dụng hằng ngày nên được nhiều người yêu chuộng.

Lan cho biết, từ nhỏ em được học hỏi, kế thừa nghề đan lát của bố mẹ, những người thạo nghề đan trong bản. Em có thể dễ dàng tự tay đan được chiếc túi xách đựng đồ, đồ trang trí. Dưới bàn tay khéo léo của Lan, những chiếc túi đan xen các họa tiết rất đẹp mắt.

Khi làm được nhiều sản phẩm, Lan trưng bày tại các điểm dừng chân đã thu hút được sự chú ý của nhiều du khách. Giá thành rẻ, lại có tính ứng dụng cao đã thuyết phục được những vị khách khó tính mua về làm quà. Qua đó, em có thể quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Lan mang những sản phẩm tái chế từ túi ni lông và dây dứa dự thi, bất ngờ giành giải Nhất cuộc thi Đại sứ giảm nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Ban tổ chức đánh giá sản phẩm của Lan vừa mang tính thẩm mỹ, vừa có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường. Túi dứa và túi từ ni lông tái chế có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày để đi chợ, đựng đồ.

Các sản phẩm tái chế ứng dụng vào thực tiễn

Hơn nữa, quá trình tái chế giúp giáo dục về cách tiết kiệm, khơi gợi khả năng sáng tạo, trau dồi kiến thức về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ. Lan mong muốn, thay vì thói quen sử dụng túi ni lông, dây dứa, người dân nên sử dụng tre, trúc đan thành sản phẩm để sử dụng làm đồ dùng trong cuộc sống hằng ngày.

Thầy giáo Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) cho biết, dự án của Lan góp phần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh, các em học sinh trong việc sử dụng vật liệu bằng nhựa, cũng như nhận thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; từ đó giáo dục ý thức sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, sẵn có tại địa phương.