> Ba phụ nữ giành giải Nobel Hòa bình 2011
Liberia (có nghĩa là tự do) được thành lập năm 1822 như là vùng định cư cho những người nô lệ được giải phóng từ Mỹ trở về, trở thành quốc gia châu Phi độc lập năm 1847. Đất nước này mới đây phải chịu hai cuộc nội chiến kế tiếp nhau. Năm 1989, cuộc đảo chính do Charles Taylor cầm đầu đã đẩy đất nước Liberia vào cuộc nội chiến kéo dài tới 1996. Năm 1999, nội chiến tái diễn, những người nổi dậy đã chống lại chính quyền của Charles Taylor.
Hậu quả của cuộc nội chiến này là việc 350.000 người bị giết hại và 1 triệu người phải đi sơ tán sang các quốc gia láng giềng, mặc dù dân số Liberia chỉ có 3 triệu người. Điều đáng sợ trong cuộc nội chiến ở Liberia là rất đông trẻ em tham gia cầm súng. Không chỉ lực lượng nổi dậy mà cả quân đội chính phủ cũng sử dụng các chiến binh trẻ con. Trẻ em buộc phải cầm súng, tham gia vào việc bắn giết mà chúng không hề hiểu mục đích đó là gì; phần lớn trẻ em cầm súng đều ở lứa tuổi từ 8 tới 15 tuổi, tham gia trực tiếp vào việc giết người. Phần lớn chiến binh trẻ con đều bị tiêm chích ma túy hay cho uống rượu. Do việc ngủ chung và dùng chung kim tiêm nên chúng còn là nạn nhân của căn bệnh HIV.
Tại các vùng đất xảy ra xung đột, 1/5 số phụ nữ là nạn nhân của xâm hại tình dục. Một số bị đưa vào các nhà chứa.
Hình thức đấu tranh khác thường
Trong bối cảnh đó, năm 2003, Leymah Gbowee, một cô gái lúc đó mới 20 tuổi, đã tổ chức Phong trào quần chúng đấu tranh giành hòa bình Liberia.Thoạt đầu, hình thức đấu tranh là chị em phụ nữ tụ tập nhau tại các chợ, hát những bài ca yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Họ thay nhau ca hát từ sáng sớm cho tới khi mặt trời lặn. Cứ từng bước, từng bước, những phụ nữ hiện diện ngày một nhiều hơn trong đời sống xã hội Liberia, họ gợi lên những giá trị cuộc sống là thứ đối lập với chiến tranh, chém giết…
Tiếp đến, tại các thành phố, những đoàn phụ nữ Liberia mặc các trang phục màu trắng (tượng trưng cho hoà bình), vừa hát vừa nhảy múa kêu gọi cánh mày râu tìm giải pháp để thoát ra khỏi những cuộc nội chiến đẫm máu.
Họ liên hệ với những người lính cầm súng, trước tiên là người thân của họ, kêu gọi thôi không tham gia chiến tranh. Họ kéo đến các doanh trại quân đội của các bên trên những chiếc xe và giương cao biểu ngữ: “Chúng tôi yêu mến các anh, xin các anh hãy bỏ súng xuống” và cất cao lời ca tiếng hát kêu gọi mọi người chấm dứt chiến tranh đổ máu. Họ tiếp cận giao lưu với đàn ông trong các lực lượng vũ trang nhưng từ chối quan hệ tình dục. Họ thuyết phục, giác ngộ ý tưởng không nên tiếp tục chiến tranh cho tới khi các bậc mày râu này nghe ra.
Buộc đàn ông ngồi vào bàn đàm phán
Hoạt động của phong trào này ngày càng lan rộng khiến cho Tổng thống Charles Taylor buộc phải gặp gỡ những người đứng đầu. Ông ta đã phải miễn cưỡng chấp nhận các yêu cầu của chị em phụ nữ, và hứa sẽ tìm cách chấm dứt chiến tranh. Sau đó Chính phủ buộc phải tiến hành đàm phán với phe nổi dậy. Cuộc đàm phán được tổ chức tại Ghana, một quốc gia châu Phi khác. Một số lớn chị em, đứng đầu là Leyman Gbowee đã kéo sang Ghana để gây áp lực. Họ yêu cầu chính phủ và phe nổi dậy ký một thỏa thuận kết thúc chiến tranh, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm trời.
Cởi quần áo đòi hoà bình
Sau 8 tuần đàm phán, chưa có thông tin nào cho thấy Liberia có hòa bình, những người phụ nữ Liberia đã kéo đến nơi tổ chức hội đàm, phong tỏa, ngăn chặn các cửa. Họ tuyên bố không chịu để hai bên ra về nếu các bên không chịu ký thỏa thuận với nhau chấm dứt chiến tranh. Lực lượng cảnh sát bảo vệ đông đảo đã can thiệp, tìm cách đưa những phụ nữ này ra ngoài nhưng họ đã chống lại quyết liệt. Những phụ nữ Liberia đã sử dụng thế mạnh của mình, Leymah Gbowee và nhiều người đã cởi bỏ hết quần áo để phản đối việc cảnh sát cưỡng chế chị em.
Đối với người dân Tây Phi, hành động cởi bỏ quần áo của phụ nữ đồng nghĩa với sự nguyền rủa. Hành động quyết liệt này của chị em buộc cảnh sát phải dừng tay.
Những phụ nữ Liberia đã nắm tay nhau thành vòng vây, tuyên bố sẽ không để cho những người đàn ông của hai phía ra khỏi phòng nếu không tìm được một giải pháp hòa bình cho đất nước.
Thành quả
Sau 2 tuần, trước sức ép của chị em, phía chính phủ và phía nổi dậy đã đi đến một thỏa thuận: Tổng thống Charles Taylor buộc phải rời khỏi đất nước và Liên hiệp quốc sẽ đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp lâm thời.
Kết quả là vào năm 2005, tại Liberia lần đầu tiên đã có tuyển cử tự do, dân chủ sau hai thập niên nội chiến; Bà Ellen Sirleaf - Bộ trưởng Bộ Thương mại trong chính phủ cũ, được bầu làm Tổng thống. Ellen Sirleaf là phụ nữ đầu tiên ở châu Phi được bầu làm Tổng thống.
Ở Liberia hiện tại có rất nhiều phụ nữ tham gia vào các lực lượng giữ gìn trật tự xã hội; vai trò của chị em phụ nữ tại Liberia hiện đang được đề cao.
Còn Leymah Gbowee, cô gái khởi xướng ra phong trào sử dụng lực lượng nòng cốt là chị em để đấu tranh đòi hòa bình đã được nhận hàng chục giải thưởng quốc tế. Và ngày 7-10-2011, cô đã được trao Giải Nobel vì Hòa bình cùng với nữ tổng thống đồng hương Ellen Sirleaf và nhà báo Yemen Tawakkul Karman.
Hồng Phúc dịch
(Theo Ziare.com )