NSƯT Phương Thanh: Đã đi qua "Bãi biển đời người"

TP - Nữ diễn viên điện ảnh xuất sắc với những vai diễn nổi tiếng thập kỉ 80 của thế kỷ trước đã qua đời sau cơn tai biến mạch máu não và năm ngày hôn mê.

13h ngày 13/2, NSƯT Hà Văn Trọng (diễn viên điện ảnh – sân khấu, đạo diễn phim Kỷ niệm đồi trăng có Phương Thanh đóng chính) ghé giường bệnh. Hơi thở của chị được máy móc trợ giúp – gấp gáp, nước da vàng nhợt nhạt. Người con gái xinh đẹp nhất phố Hàng Than, gương mặt xuất sắc của lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 nằm đó, sự sống đang rời khỏi chị.

14 giờ. NSƯT Thu Hà, NSƯT Quế Hằng, Tú Mai – diễn viên Nhà hát kịch VN đứng ngồi ở sân bệnh viện chờ gặp. NSND Anh Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam chồng của Phương Thanh nói: “Mấy ngày rồi tôi cứ luẩn quẩn ở đây chẳng biết làm gì giúp Thanh. Cô ấy bị huyết áp cao đã bốn năm, lần này thì tai biến chìm vào hôn mê. Tôi từng hy vọng cô ấy trụ được nhưng bác sĩ bảo đã vô vọng”.

14 giờ 30. Qui định của bệnh viện: Ngoài 16 giờ mới được thăm nhưng “với ông Trần Phương thì cho vào”. Đạo diễn của Tội lỗi cuối cùng, Hy vọng cuối cùng… kể: “Tôi gọi tên, mắt cô ấy chớp chớp dường như nhận ra”. Và rồi chị thực sự vĩnh biệt con gái Phương Nhung đang lả đi trong vòng tay bạn bè đồng học lớp 12.

Bạn bè kể rằng gặp Phương Thanh thời gian gần đây thấy chị thường xuyên kêu mệt, thường xuyên phải uống thuốc. Mặc dù tỏ ra mãn nguyện với gia đình nhỏ nhưng ngoài bệnh tật chị còn có nỗi buồn không theo nghề được đến cùng (về hưu sớm), không có đất diễn cho nghệ sĩ tuổi chị trong khi vẫn khát khao cống hiến.

Đôi mắt nâu biết nói nổi tiếng của Phương Thanh

Những vai diễn ấn tượng

NSƯT Phương Thanh sinh ngày 14/10/1956, tốt nghiệp lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 năm 1977, biên chế tại Xưởng phim truyện Việt Nam sau đổi là Hãng phim truyện VN cho đến khi về hưu non năm 2007.

Các vai diễn: Thoa (Đứa con nuôi, 1977), Nha Trang (Mưa rơi trên thành phố - 1978), Hạnh (Những đứa con - 1979), Hiền cá sấu (Tội lỗi cuối cùng - 1980), Thảo (Ai giận ai thương - 1981), Nga (Những người đã gặp - 1980), Sùng Trinh (Lưu lạc + Trở về Sam Sao 1981), Liễu (Rừng lạnh - 1981), Hy vọng cuối cùng (1982) Nga (Sẽ đến một tình yêu - 1983), Kiều Trinh (Bãi biển đời người - 1983), Kiều Oanh (Kỷ niệm đồi trăng - 1986), Liên (Những mảnh đời rừng – phim hợp tác với CHDC Đức - 1987), Mai (Nửa chừng xuân - phim video, 1987)… và nhiều phim truyền hình

Kể từ khi đóng Tội lỗi cuối cùng của đạo diễn Trần Phương năm 1980, Phương Thanh bắt chết nghệ danh Hiền cá sấu.

Cũng như Nguyễn Chánh Tín với Nguyễn Thành Luân; Thế Anh – Trung úy Phương (con trai đầu lòng của Thế Anh tên Thế Phương để kỷ niệm bộ phim Nổi gió); Lan Hương – Em bé Hà Nội

Ngày đó khán giả điện ảnh ai cũng biết về một đôi mắt biết nói của Phương Thanh. Khóe miệng duyên, nụ cười quyến rũ. Dáng dong dỏng. Diễn xuất thì “vừa chân thực vừa mãnh liệt” nói như đạo diễn Trần Phương.

Trần Phương – đạo diễn nổi tiếng làm nhiều phim với Phương Thanh nhất, kể: “Trước Tội lỗi cuối cùng Thanh đóng những vai rất hiền lành, không ai nghĩ cô ấy hợp Hiền cá sấu. Cuối cùng tất cả đều công nhận đây là vai thành công nhất của cô ấy.

Đóng cùng Trần Quang (vai tên tướng cướp Lê Vân) diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Sài Gòn cũ Thanh không hề lép vế. Hai diễn viên một của miền Nam một của miền Bắc đối xử với nhau rất trân trọng”.

Tội lỗi cuối cùng còn in đậm trong ký ức khán giả bởi ca khúc nền do Trịnh Công Sơn viết, nhanh chóng phổ biến: Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng/Giấc mơ đời xa vắng bước chân không chờ ai đón/... Đời gọi em biết bao lần, đời gọi em về với yêu thương...

Lần lượt, những bộ phim hot nhất nói theo ngôn ngữ bây giờ, đều có/ đều vì Phương Thanh tham gia: Lưu lạc – Trở về Sam Sao (hai tập - đạo diễn Xuân Chân), Rừng lạnh (đạo diễn Trần Phương), Bãi biển đời người (đạo diễn Hải Ninh)... Cảnh nóng trong Bãi biển đời người với diễn xuất của Lâm Tới - Phương Thanh thời đó gây ồn ào và phim bị cấm chiếu một thời gian.

Lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 không thiếu gương mặt xinh đẹp tài năng: Minh Châu, Thanh Quý... Nhưng Phương Thanh vẫn đặc biệt. Dù chỉ một vai phụ như Nga trong Những người đã gặp chị vẫn để lại ấn tượng khó quên trước hết bởi gương mặt biểu cảm.

Sự nghiệp của chị phát lộ ở thập kỷ 80 còn về sau chủ yếu làm phim truyền hình và ít có vai phù hợp. Nay chị ra đi ở tuổi 53, thật tiếc cho trang nhan sắc ngày nào, và một nghệ sĩ đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp.

Vai Hiền cá sấu của Phương Thanh được ca ngợi nhiều nhất, đúng là thành công nhưng tôi lại thích vai Hạnh trong phim Những đứa con của đạo diễn Khánh Dư hơn, vì diễn xuất có độ mềm. Tôi cũng thích vai Sùng Trinh trong Lưu lạc. Trong lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 thì Phương Thanh là người giỏi nghề, xinh đẹp. Diễn xuất rất đắm say, sâu sắc, cá tính và yêu nghề, có thể nói là “điên” vì nghề. Sau này Thanh trở thành người vợ cực kỳ yêu chồng thương con đến mức quên nghề, quên cả bản thân. Điều này có phần cản trở sự nghiệp của Thanh nhưng cũng là nét đáng quý đáng yêu.

NSƯT Thanh Quý

Nghệ sĩ nhiều người khi bắt đầu sự nghiệp đều có một vẻ đẹp tuyệt vời, Phương Thanh cũng vậy. Cô ấy là típ diễn viên dám chấp nhận tất cả, hy sinh tất cả. Như khi vào vai Hiền cá sấu cô ấy đã đòi thâm nhập thực tế nhà tù phía Nam, nơi giam cả phạm nhân nam và nữ. Ông giám thị lúc đầu không đồng ý, nói làm sao bảo vệ được cô ấy.

Thanh đam mê lắm với vai này, sống với nhân vật suốt thời gian làm phim. Những phim thành công nhất của tôi đều có Phương Thanh, và nếu người ta nói không có Trần Phương thì không có Phương Thanh thì chỉ là vì tôi đã phát hiện ra một cô Hiền cá sấu.

Phương Thanh có đôi mắt nâu quyến rũ. Làm việc gì đều hết mình. Tính cách mạnh – trong hoàn cảnh thời bấy giờ thôi chứ sau này thì tôi không biết. Thuở đó Thanh sống rất bộc trực, nghĩ gì nói ra ngay nhưng cũng khá bất thường.

Đạo diễn Trần Phương