Ra mắt cách đây 36 năm, dựa trên ba truyện ngắn "Sống mòn", "Chí Phèo" và "Lão Hạc", bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa được đánh giá là 2 trong số ít các tác điện ảnh Việt Nam đạt được thành công lớn về nhiều mặt khi khắc họa cuộc sống nông thôn trong xã hội phong kiến, nửa thuộc địa của Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Và bộ phim đã giúp đạo diễn giành Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật cùng hai tác phẩm điện ảnh khác là Chị Dậu (1980) và Lửa trung tuyến (1961).
Trên facebook bà thường kể về những nơi từng đặt chân đến, vậy những chuyến đi của cuộc sống xế chiều hiện tại với bà như thế nào?
Tôi hiện tại sống an yên bên gia đình cậu con trai út và cậu cháu trai 8 tháng tuổi.
Tôi cũng vừa đi 5 nước Châu Âu về, khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc ngoài mơ ước ở tuổi 80. Mà vừa rồi trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 tôi vẫn dẫn đầu đoàn đi thăm mấy đồng chí công binh ở đơn vị cũ từ năm 1954, đồng thời đi làm từ thiện chữa bệnh cho người nghèo 3 ngày ở Nghệ An nhân dịp sắp tới sinh nhật Bác.
Năm 2017, tôi đã đi 3 nước Trung Đông, cũng tuyệt vời lắm!
NSƯT Đức Lưu tại Nhà thờ Đức bà ở Paris trong một chuyến du lịch đến Pháp (Ảnh: FBNV).
Khán giả yêu bà qua vai Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, vậy bà có thể tâm sự với họ về những điều chưa ai kể về vai diễn để đời này được không?
Tôi không phải thử vai mà là đóng luôn 1 đoạn quyết định, và đoạn ấy bây giờ vẫn tồn tại trong phim mà các con được xem, chính là cảnh Thị Nở đưa cháo hành giải cảm cho Chí Phèo.
Trước đó, đạo diễn đã phải mất cả năm để tìm kiếm diễn viên cho vai Thị Nở - “Người đàn bà xấu nhất lịch sử văn học Việt Nam” - những người từng thử vai này nhưng đều thất bại có cả NSND Tuệ Minh, NSƯT Thụy Vân, NSND Trà Giang,…
Khi ấy, không ai tin tôi có thể đóng được vai Thị Nở chứ đâu nói thành vai diễn để đời vì bà xuất thân là con nhà quan, một người phụ nữ nông dân xấu xí, thô kệch, dở người, dở nết đó ai mà nghĩ tôi hóa thân chân thực được như vậy.
Có lẽ, mọi người đều chung thắc mắc là ở thời điểm năm 1982 thì cát-xê đóng vai Thị Nở của bà sẽ được bao nhiêu?
Ở thời điểm trên, tôi nhận được 200 đồng Việt Nam cho một mét quay phim, vì Thị Nở chỉ xuất hiện ở vài phân cảnh nhỏ trong phim, nên sau khi phim hoàn thành, tôi còn nợ đạo diễn tiền cát- xê vì lỡ ứng trước để đi mua đường, sữa thăm người ốm.
Nghe nói, khi đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa tìm kiếm nhân vật Thị Nở, nhiều tên tuổi đã từ chối hóa thân thành nhân vật xấu như thế, bà cảm nhận như thế nào khi được vào vai này?
Tôi thì thực sự không hề xấu hổ mà còn buồn cười và thích thú khi ai đó nhìn mình bằng ánh mắt tò mò.
Bởi, theo tôi, một người nghệ sĩ biết hy sinh là người làm cho hình tượng mà họ hóa thân thành sống mãi trong lòng khán giả.
Tại sao, sau khi gây được tiếng vang lớn với vai Thị Nở, là bước đà lớn để thăng hoa trên điện ảnh thì bà lại bất ngờ rẽ lối sang làm chính trị?
Cuộc đời chắc chắn nên có những điểm dừng, quan trọng là dừng đúng thời điểm để bảo toàn những giá trị trên suốt hành trình mình đã đi qua. Tôi cho rằng mình đã làm được điều ấy.
Trong gần 4 thập niên rời xa màn ảnh, bà có nhận được lời mời đóng phim nào thêm không?
Có rất nhiều lời mời, nhưng tôi không nhận. Thời điểm bộ phim “Đừng đốt” tìm kiếm diễn viên, đạo diễn Đặng Nhật Minh có mời tôi đến đóng vai mẹ của Đặng Thùy Trâm, nhưng khi chưa kịp bắt đầu thì mọi người đã kêu lên, “Thị Nở kìa”, “đó là Thị Nở mà”, vậy là thất bại hoàn toàn.
Hình tượng Thị Nở đã gắn liền với cái tên Đức Lưu, bởi nhắc Đức Lưu là nhớ Thị Nở, mà biết Thị Nở thì chắc chắn biết Đức Lưu. Có lẽ đó là sự thành công lớn nhất cuộc đời nghệ thuật của tôi nên tôi không muốn nó bị pha loãng hay bị xước xát gì nữa.
Chí Phèo và Thị Nở trong một lần hội ngộ (Ảnh: Internet).
Cảm ơn NSƯT Đức Lưu về buổi tâm sự ý nghĩa này!