> Nông dân trồng lúa sẽ được hỗ trợ tiền hằng năm
Ruộng liền bờ, giấy tờ chia vụn
Gia đình ông Đỗ Quý Nhang ở ấp Hiệp Lợi, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang) có 30 ha ruộng lúa. Ông Nhang kể về quá trình tích tụ ruộng đất: Khi lấy vợ vào năm 1986 cha mẹ cho 1,4 ha ruộng.
Hai vợ chồng vừa làm ruộng nhà vừa đi thuê ruộng người khác làm, và cứ có tiền là mua thêm ruộng.
Đến năm 2008, sau 22 năm lập gia đình, ông có 30 ha, tập trung vào 2 lô, một lô 20 ha và một lô 10 ha, rất thuận tiện cho sản xuất và thu hoạch. Để làm ruộng, ông mua 2 máy gặt lúa, 5 máy bơm nước, một máy cày, làm hệ thống sân phơi.
Lắm ruộng như thế lại vượt quy định về hạn điền. Ông Đỗ Quý Nhang cho biết, ruộng liền bờ liền thửa rộng lớn nhưng trên giấy tờ phải chia ra nhiều mảnh.
Ông Nhang có bốn người con (hai trai, hai gái), mỗi con trai đứng tên 5 ha, mỗi con gái 3 ha; vợ 3,5 ha, ông Nhang 5,5 ha còn 5 ha nhờ người khác đứng tên.
“Thú thật, tôi quê tận Thái Bình vào Nam, thấy đất là thèm lắm, nên tôi còn muốn mua thêm nữa để mở rộng sản xuất, ông Nhang nói.
Tính toán của ông Nhang, 30 ha đất lúa hai vụ của ông mỗi năm cho lợi nhuận trên 700 triệu đồng.
Theo ông Lê Văn Cứng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòn Đất, trên địa bàn huyện số hộ nông dân có từ 10 ha đất trở lên chiếm khoảng 5-6%; một số xã như Mỹ Hiệp Sơn, Nam Thái Sơn chiếm đến 15-20%.
Cá biệt, có người có cả trăm héc-ta đất như ông Nguyễn Văn Phước ở ấp Sơn Lập, xã Nam Thái Sơn. Hầu hết những người có nhiều đất đều làm thủ tục cho con cháu, hoặc nhờ bà con tin cậy đứng tên.
Ông Phạm Văn Phục ở ấp Hiệp Lợi, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất) có 20 ha đất ruộng, chia cho 5 người con trai gái, mỗi người 3 ha, còn lại hai vợ chồng 5 ha.
Điều ông Phục rất băn khoăn là thời hạn giao đất trên các giấy không thống nhất, giấy 10 năm, giấy 12 năm.
Ông Phục nói: “Do thời hạn cấp quá ngắn nên cứ mười, mười hai năm lại phải mang ra huyện để đổi, mất thời gian, tiền bạc, trong khi đất này là quyền sở hữu của chúng tôi”.
Nhà kiên cố trên đất vài năm
Chỉ ngôi nhà xây trị giá gần 2 tỷ đồng, ông Phục nói, ngôi nhà kiên cố đang nằm trên đất được cấp thời hạn sử dụng chỉ còn vài năm, vì giấy ghi chỉ 12 năm.
Nhà ông Phạm Văn Quyết bên cạnh cũng tình trạng tương tự. Ông Quyết có 30 ha ruộng, chia cho 8 người con nhưng thời hạn sử dụng cũng ghi không thống nhất, từ 15 năm đến 20 năm.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nhiều hộ ở huyện Hòn Đất được cấp giấy sử dụng đất từ năm 1993, thời hạn 20 năm, năm 2013 phải đổi lại và họ đang gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng.
Bà Quan Thị Hai ngụ tại ấp Gàn Gừa, xã Sơn Bình, có 2 ha đất và xây nhà kiên cố trên đất nhưng vừa rồi ngân hàng từ chối cho vay vì giấy đất sắp hết hạn.
“Muốn vay tiền ngân hàng thì phải đổi lại giấy đất, nhưng giấy chưa hết hạn thì không thể đổi được”, bà Hai nói.
Trưởng phòng TN-MT huyện Hòn Đất Phạm Thanh Vân nói: “Khi giấy sử dụng đất hết hạn, người dân muốn gia hạn thêm quyền sử dụng thì phải làm đơn, có địa phương xác nhận; Phòng TN-MT làm tờ trình cho UBND huyện ký duyệt. Thời hạn cấp giấy mới căn cứ vào giấy cũ được cấp trước đó”.
Ông Lê Văn Cứng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòn Đất: “Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn của nông dân về thời hạn giao cấp đất cho người dân”.
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Bình - Phó GĐ Sở TNMT tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm: “Thực ra việc tiếp tục gia hạn thời hạn sử dụng đất cho nông dân không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của họ.
Tuy nhiên đã có những biểu hiện lo lắng, băn khoăn của nông dân. Về thời hạn giao đất nông nghiệp, theo tôi mức giao đất 20 năm là quá ngắn, tối thiểu phải từ 40-50 năm. Đất ông bà, cha mẹ để lại không nên quy định mức hạn điền”.