Nỗi đau bị lạm dụng…

TP - Bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu để lại vết hằn sâu trong tâm trí nạn nhân. Càng tàn nhẫn hơn khi tội ác đến từ những vị linh mục được tôn sùng khiến nhiều năm liền không ai dám lên tiếng. Các nhà báo trong phim “Tiêu điểm” của đạo diễn Tom McCarthy vạch trần tội ác đó.
Các nhà báo trong phim “Tiêu điểm”

“Spotlight” (Tiêu điểm) đưa khán giả trở về sự kiện năm 2002 ở Boston, Mỹ. Nhóm nhà báo phanh phui vụ lạm dụng tình dục trẻ em kéo dài 34 năm của giáo hội Mỹ. Hơn 200 linh mục lạm dụng trẻ em bị phát hiện. Loạt phóng sự gây rúng động lan ra ngoài nước Mỹ, kéo theo hàng loạt vụ án tương tự được phơi bày.

Thật khó để việc lạm dụng kéo dài suốt 34 năm không bị vạch trần, trừ khi tội ác được lờ đi và sự im lặng bao che của giáo hội. Vì “cần cả ngôi làng để nuôi nấng một đứa trẻ và cũng cần đến cả ngôi làng để lạm dụng chúng”. Đồng nghĩa với việc những đứa trẻ phải tự mình gánh chịu hậu quả do các vị linh mục gây ra và chẳng ai quan tâm họ ra sao. Chỉ biết những nạn nhân có điểm chung là con nhà có thu nhập thấp, không cha, gia đình tan vỡ. Câu hỏi đặt ra: các vị linh mục tìm đến những trẻ em như vậy vì thích hay vì bọn trẻ đó dễ xấu hổ, ít có khả năng kể cho người khác?

Đạo diễn khéo léo kể lại hành trình đưa vụ việc ra ánh sáng của nhóm nhà báo một cách lôi cuốn, chân thực và không “phản lại công giáo”. Quá khứ của các nạn nhân may mắn sống sót đến khi trưởng thành dần được hé lộ.

Sự việc xảy ra từ rất lâu nhưng bóng ma tâm lý luôn đè nặng dù họ đã trưởng thành. Các nạn nhân đều cảm thấy xấu hổ và sợ hãi. Khi nhà báo hỏi về quá khứ đau lòng, họ kể bằng khuôn mặt đầy lo lắng và giọng nói run rẩy. Một nạn nhân kể: “Tôi chết điếng, không thể cử động, không biết làm gì vì đang còn là một đứa trẻ”. Họ còn quá nhỏ để hiểu những gì đang diễn ra, cũng không thể kháng cự bằng sức lực yếu ớt. Khán giả sẽ không khỏi đau lòng khi nhìn những vết thâm trên người nạn nhân. Những đứa trẻ phải tìm đến thuốc, chất kích thích, bạo lực hoặc thậm chí nhảy cầu tự tử để quên đi ký ức đau thương. Trong khi các vị linh mục chỉ bị khiển trách và chuyển đến giáo xứ khác mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các cảnh nhà báo nói chuyện với nạn nhân, nhiều nhà làm phim thường sử dụng yếu tố cảnh nóng hay hình minh họa để phim kịch tính hơn, lột tả hết sự đau đớn, sợ hãi của các nạn nhân. Nhưng “Tiêu điểm” không có những cảnh này. Bởi chỉ cần lời kể đau lòng của người trong cuộc thôi cũng đủ gây ám ảnh. Mới thấy, nhà báo luôn tỉnh táo, bình tĩnh trước những cảm xúc tiêu cực để dẫn dắt cuộc nói chuyện.

Spotlight (Tiêu điểm) của đạo diễn Tom McCarthy phát hành năm 2015, ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 72. Phim được giải “Phim hay nhất” và “Kịch bản hay nhất” từ Hiệp hội phê bình phim Los Angeles và được vinh danh một trong những phim hay nhất của năm 2015. Phim nhận 6 đề cử Oscar, chung cuộc giành giải “Phim hay nhất” và “Kịch bản gốc xuất sắc nhất”

Khán giả hoàn toàn cảm nhận được nhịp độ nhanh, gấp gáp của bộ phim qua các hành động của nhà báo: truy lùng danh tính kẻ ác, đeo bám nhân chứng, nói chuyện với nạn nhân, can đảm đối đầu với những đe dọa ảnh hưởng đến đề tài…Họ luôn chủ động tìm kiếm thông tin để đưa sự việc ra ánh sáng một cách sớm nhất. Buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc họ đã làm.

Lạm dụng tình dục trẻ em là nỗi đau kéo dài cả đời một đứa trẻ, mỗi khi nhắc đến là thêm một lần tổn thương, suy sụp. Phim “Tiêu điểm” khép lại với danh sách hàng loạt vị linh mục lạm dụng tình dục trẻ em trên toàn thế giới bị phanh phui. Khán giả sẽ không khỏi bàng hoàng, không chỉ bởi tầm vóc của sự việc, mà còn bởi dự cảm ớn lạnh về những hệ lụy sẽ xảy ra nếu xã hội thiếu vắng một nền báo chí dũng cảm biết truy cầu sự thật.

.