Nỗi buồn ở Bệnh viện Vùng 'nghìn tỷ' Tây Nguyên

TPO - Theo thiết kế, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (BV Vùng) có 800 giường, nhưng hiện tại nơi này phải kê tới 1.912 giường. Thực tế “đầy bất cập” đi kèm vô số hệ lụy.
Xe đậu khắp nơi trong Bệnh viện Vùng Tây Nguyên

Nơi bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh dưới nắng chói chang khi bệnh viện vừa khánh thành

Đến nay bệnh viện mới được cấp kinh phí làm mái che cho bệnh nhân đỡ nắng

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Bệnh viện Vùng 'nghìn tỷ' chưa nghiệm thu đã xuống cấp: Sở Y tế ra 'tối hậu thư'”, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đã có cuộc trò chuyện với PV, mong xã hội cảm thông chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ cán bộ nhân viên (CBNV) đang làm việc tại bệnh viện này. 

Gói thầu cây xanh sân vườn cả chục tỉ đồng trong thiết kế, khi bàn giao không có, nay BV mới tự trồng

Hiện mỗi ngày, 1.400 CBNV BV Vùng chăm sóc, tiếp nhận bình quân từ 2.300 đến 2.700 bệnh nhân (BN), hơn một nửa là BN điều trị nội trú với muôn vàn tình huống chăm sóc, cấp cứu trong tình trạng quá tải. Nhiều khoa luôn phải trực trắng đêm như Cấp cứu, Hồi sức, Phẫu thuật, Phụ sản...

Chỗ để xe thiếu và không phù hợp nên ô tô, xe máy đậu khắp nơi , khó kiểm soát an ninh

Ngoài những khó khăn chung mà CBNV y tế cả nước đâu cũng gặp phải, như thời gian học hành quá dài mà hệ số lương quá thấp; Công việc cực nhọc vất vả đêm ngày trong môi trường độc hại; Ít thời gian dành cho gia đình; Thường xuyên phải đối mặt với tệ nạn xúc phạm, hành hung bởi những người nhà bệnh nhân quá khích...

CBNV BV Vùng còn phải chịu đựng những vấn đề bất tiện do thiết kế công trình bất hợp lý, chất lượng xây dựng kém, nhiều phòng khoa không đạt yêu cầu. Hằng ngày cả CBNV lẫn người nhà bệnh nhân phải còng lưng đẩy xe chở bệnh trên những hành lang quá dốc; thang máy nhiều khu lại hư hỏng, thậm chí thấm dột không kém trần nhà, phải lấy chậu hứng nước. 

Thang máy phải đặt chậu hứng nước mưa dột, và đặt thanh chặn cửa cho nước khỏi tràn 

Lương đã ít, thu nhập tăng thêm của BS tại BV Vùng lại rất thấp. Ngày 3/6, BV Vùng phẫu thuật nối cẳng tay, cổ tay bị đứt lìa cho 2 thanh niên. Thực hiện thành công mỗi ca vi phẫu căng thẳng cố định xương, rồi nối hàng chục mạch máu, dây thần kinh, gân và cơ, kéo dài suốt 4-5 tiếng đồng hồ nhưng bác sĩ mổ chính chỉ được bồi dưỡng 280 nghìn đồng.    

Từ tháng 9/2019, UBND  tỉnh Đắk Lắk đã ký quyết định để BV Vùng trở thành đơn vị sự nghiệp có thu tự chủ ở mức 2. Thoát chế độ bao cấp, BV Vùng phải thu viện phí cho đủ tự trang trải toàn bộ lương, các khoản phụ cấp, bổ sung thu nhập.
Lo chi phí bảo hành máy móc, sửa chữa nhỏ, tiền điện nước, văn phòng phẩm; Phải chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu thuốc, các hóa chất vật tư tiêu hao. Kinh phí eo hẹp dẫn đến phải tái sử dụng nhiều loại vật tư lẽ ra chỉ dùng 1 lần rồi bỏ, ví dụ găng tay.
 Giặt thủ công găng tay lẽ ra chỉ dùng 1 lần
 ... và phơi không tiệt trùng để tái sử dụng

Ai đến BV Vùng cũng thấy nhiều khoảng sân trống giữa các khu điều trị bị biến thành chỗ phơi đồ trông rất nhếch nhác. Nguyên nhân, tỉ lệ lớn BN là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số quen tự giặt quần áo và giăng dây phơi. BV Vùng chưa có nơi tập trung giặt dịch vụ, nếu có thì dân nghèo cũng chẳng có tiền để thuê. Gần đây, Chủ tịch HĐND tỉnh nhập viện, trực tiếp chứng kiến nỗi khổ quá thiếu nhà vệ sinh công cộng mới gợi ý BV Vùng làm tờ trình xin UBND tỉnh cho tiền làm thêm.

Trước việc một số khoa phòng giặt thủ công loại găng tay sử dụng một lần để dùng nhiều lần gây xôn xao dư luận, bác sĩ Nguyễn Đại Phong- Giám đốc BV Vùng giải trình: Hậu quả dịch COVID-19 khiến BV không mua được đủ một số mặt hàng cần dùng thường xuyên như khẩu trang y tế, găng tay, hóa chất xét nghiệm, vật tư tổng hợp. Mỗi tháng BV Vùng dùng hơn 100 nghìn đôi găng tay. Trong số đó chỉ gần phân nửa là găng vô khuẩn cho phẫu thuật và những thủ thuật can thiệp trực tiếp. Phần còn lại là găng tay chưa hấp tiệt trùng, dùng vào nhiều phần việc khác như khám bệnh thông thường, vận chuyển người bệnh, lau chùi, làm vệ sinh …

 
Nhiều khoảnh sân trong BV Vùng nghìn tỉ bị trưng dụng làm nơi phơi quần áo

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên xác nhận, có nhiều lý do khiến không ít cán bộ nhân viên của Bệnh viện buồn lo, muốn bỏ việc.

“Tỉnh đã có nhiều BV, phòng khám tư thu hút không ít bác sĩ trong các BV công ra ngoài làm việc với mức lương cao hơn, cơ chế thoáng hơn. Sắp tới, trường Đại học Buôn Ma Thuột lại khánh thành thêm một BV nữa, chắc chắn tình trạng tiếp tục “chảy máu bác sĩ” của BV Vùng không thể tránh khỏi”, Giám đốc Phong nói.