Nỗi ám ảnh tới từ đâu nhỉ? Sự xa hoa, hào nhoáng, sôi động, nhịp sống không ngừng nghỉ ngày cũng như đêm của một đô thị giao thời?
Sài Gòn, như chúng ta thấy, về bản chất đã là một đô thị từ khi mới tạo lập. Đô thị ví như nồi lẩu, dung nạp mọi thứ, không “tinh tuyển”; và thị dân cũng không có cách nào bám chặt vào quá khứ của thành phố cũng như của chính mình, cứ phải sống vội, ít quan tâm đến di sản, đến kỷ niệm, luôn có xu hướng quên lãng, lỏng lẻo, nhạt.
Tôi cũng giống vậy thôi, cũng sống gấp, lo cho ngày hôm nay, nhưng vẫn có một ít cảm giác có lỗi, ân hận khi mình chẳng thèm biết, chẳng cần nhớ gì đến quá khứ.
Vì vậy, để thoát ra khỏi mặc cảm, tôi cố gắng nhớ lại, chép lại, cố gắng nghĩ về Sài Gòn cũ, về những gì làm nên thành phố này (con người, cảnh trí, tâm hồn, lối sống, nếp nghĩ, nết ăn ở), và về tuổi thơ tôi.
Rồi trong quá trình viết, sẽ có những câu chuyện liên quan đến người này người khác, thành ra một thứ bút ký chân dung. Gọi là tạp văn chân dung thì đúng hơn, cuốn Những cái tên, những mặt người.
Có nhiều nhân vật trong “Những cái tên, những mặt người” mang nặng suy tư về nó không anh?
Các nhân vật trong sách lại không thuộc về thế hệ tôi: Họ toàn trước hoặc sau tôi. Thế hệ trước, như các anh Đoàn Thạch Biền, Lâm Quốc Trung thì chắc chắn hiểu được thế hệ tôi rồi, họ trải qua các đớn đau khác nhưng hoàn toàn hiểu được.
Thế hệ sau tôi, thì lại có những trăn trở của riêng các bạn ấy, nhưng tôi tin là họ không quẫn bách.
Anh có suy tư nhiều về thế hệ những người sinh sau thế hệ anh không, một thế hệ năng động hơn, may mắn hơn, thế hệ của công nghệ? Nếu để đặt tên thì nên gọi nó là gì?
Ngắn gọn thôi. Thế hệ rỗng.
Hình như viết nhạc chưa đủ để nói hết những điều anh nghĩ trong lòng, nên mới cần thêm sách và cả ảnh?
Nhạc, không thể đủ. Tôi không thể nào dùng ca khúc để kể chuyện tôi bị ốm ra sao, vào lúc nào, hay là viên đá lát đường này trước kia có màu gì, nó vỡ vào năm nào được.
Anh còn bị ám ảnh bởi nụ cười, bởi đường nét tạo hình, bởi lằn ranh mỏng manh của ánh sáng - bóng tối trong những tấm hình?
Đây gọi là ám ảnh chắc chính xác hơn là gọi Sài Gòn. Vâng. Tôi mê những nét cười, những mặt người, sự thay đổi của ánh sáng, mê hình khối, mê vẻ đẹp nữ giới.
Hơn hai mươi nhân vật trong “Những cái tên, những mặt người” thuộc diện “hiểu nhau quá rồi”. Anh có sợ một ai đó không “bị nhắc tên” sẽ phản đối ra mặt hay họ thở phào vì khỏi bị “lôi ra” cho thiên hạ “ì xèo”?
Tôi không viết về ai theo kiểu hiếu hỉ, làm vui lòng. Tôi cũng không mượn chuyện viết để gián tiếp lăng xê ai.
Những người tôi quen có thể đông hơn nhiều, nhưng không phải tất cả đều “làm nên tôi” như tôi trình bày trong lời bạt sách. Tôi chỉ nói về những người thực sự có ảnh hưởng đến cách nghĩ cách sống của tôi ở một đoạn đời nào đó.
Khi cuốn sách xuất bản, anh có bị ai mắng hoặc là một lời cảm ơn?
Tôi không kể chuyện đời tư. Tôi không nói xấu. Tôi không nhắc về những người không thân. Vậy thì tôi không làm ai buồn. Còn cám ơn? Tôi phải cám ơn họ chứ.
Tôi biết ơn họ đã có mặt trong đời tôi. Còn họ có lợi lộc gì, có được nổi tiếng hơn đâu, họ có thuê tôi viết đâu mà ơn nghĩa.
Anh có bị ám ảnh bởi những gương mặt đàn bà không? Họ đẹp, họ trong sáng, ngây thơ, thuần khiết hoặc đằm thắm, dục vọng… họ vừa đem tới hạnh phúc, vừa gieo rắc bất hạnh?
Tôi yêu họ chứ không bị họ ám.
Khi mới bắt đầu cuốn đầu tiên, hẳn viết thế nào không quan trọng bằng viết cái gì. Vậy còn bây giờ, anh có phải đắn đo suy nghĩ trước khi hạ bút không?
Tôi làm thơ và viết báo một thời gian rất dài rồi, nên chuyện viết với tôi, không có gì khó. Cuốn đầu tiên (Mặt, 2005) là tập hợp các bài báo đã đăng rải rác; rồi thì tôi cứ tiếp tục viết thể loại mình có nhiều lợi thế nhất: tản văn.
Nếu một ngày nào đó, không còn gì nữa, trong Quốc Bảo chỉ còn là một sự trống rỗng, trống rỗng đến yên bình, không cả con chữ hay ca từ, thì anh sẽ làm gì?
Tôi uống trà, thưởng hoa, yoga, thiền là để dần đạt đến sự trống không bình yên mà bạn nói. Còn khi đạt rồi thì trà hay hoa hay bất cứ gì cũng đều là không.
Nhạc sĩ tên đầy đủ là Bùi Quốc Bảo, sinh năm 1973. Không chỉ sáng tác liên tục, đều đặn thiên về dòng nhạc trữ tình, anh còn viết báo, bút kí chân dung, chụp hình… Từ năm 1997, anh bắt đầu tạo dựng hình ảnh cho các ca sĩ, góp phần làm nên thành công của những Mỹ Tâm, Trần Thu Hà, Ngô Thanh Vân, Thủy Tiên... Cuối năm 2005, anh thành công trong vai trò là tác giả của chương trình Đêm thần thoại, chương trình nhạc Trịnh kết cấu như một vở nhạc kịch opera. Quốc Bảo cũng là người thường hay đóng góp ý kiến và phê bình về nhạc Việt Nam và các nhạc sĩ trẻ hơn trên các báo và tạp chí.
Ngọc Lương
Thực hiện