Nợ công liên tục tăng và nhiều rủi ro

TP - Nợ công Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro lớn, nếu vẫn duy trì tốc độ bội chi và bảo lãnh Chính phủ như hiện nay, nợ công sẽ vượt trần Quốc hội cho phép. Thậm chí, nợ công có thể giảm bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc nhẹ.

Tốc độ nợ công tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Ảnh minh họa: Như Ý.

Mức nợ đến lúc phải trả ngày càng tăng

Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra Báo cáo chi - tiêu công Việt Nam. Theo báo cáo, thực trạng nợ công cho thấy, Chính phủ đang gặp những thách thức rất lớn để có thể duy trì nợ công an toàn.

Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho biết, giai đoạn 2011-2015, bội chi ngân sách Việt Nam bình quân lên đến 5,6% GDP/năm. Chi tiêu công tăng nhanh, vay nợ nhiều hơn. Trong khi thu ngân sách vẫn khó khăn và so với GDP lại sụt giảm (do giảm thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu, thu từ đất, ưu đãi thuế). Hệ quả, nợ công tăng mạnh trong thời gian qua, từ 58% GDP năm 2014 lên 61% năm 2015. “Điều này gây lo ngại về tính bền vững trong trung hạn”, bà Quyên nói.

Trong khi nợ công tăng nhanh, thì chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, hiện chi thường xuyên đã lên tới hơn 70% trong tổng chi ngân sách, còn chi đầu tư chỉ khoảng 30%. Trong khi tỷ trọng của 2 khoản chi này giai đoạn 2006-2010 là 63:37. Điều này được các chuyên gia WB lý giải, chủ yếu do sức ép từ các đợt tăng lương cán bộ công chức, tăng biên chế, tăng chi an sinh. “Đặc biệt, các khoản lãi vay phải trả ngày càng tăng đang trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. Năm 2015, chi trả lãi chiếm khoảng 8% tổng thu ngân sách của năm, nếu tính tổng chi trả nợ đã chiếm 15% số thu. Khoản chi này đang tiệm cận ngưỡng an toàn và cho thấy những rủi ro ngày càng lớn cho ngân sách”, đại diện WB đánh giá.

Nợ công (không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước) cũng tăng từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015. Trong đó, nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 43,3% GDP. Theo đánh giá của WB, mức nợ Chính phủ này tương đương các nước trong khu vực, nhưng đáng lo nhất là tốc độ nợ tăng nhanh, đã tăng 10% trong 5 năm qua, bất chấp thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu còn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Cùng với đó, việc vay trong nước nhiều hơn cũng gây sức ép về trả nợ trong tương lai gần, khi đa số khoản vay đều ngắn hạn (chỉ 3-5 năm).

Theo tính toán của các chuyên gia WB và Bộ Tài chính, có tới phân nửa các khoản nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Dù báo cáo không đưa ra con số cụ thể số tiền phải trả, nhưng theo Bản tin nợ công số 5 (năm 2015) vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ trong nước của Chính phủ tới hết năm 2015 còn hơn 54,6 tỷ USD (tương đương hơn 1,19 triệu tỷ đồng); nợ Chính phủ bảo lãnh vay trong nước hơn 9,4 tỷ USD (tương đương hơn 207,45 nghìn tỷ đồng); nợ chính quyền địa phương vay trong nước hơn 3,3 tỷ USD (tương đương hơn 73,6 nghìn tỷ đồng). Với phân nửa số nợ trên sẽ đáo hạn trong 3 năm tới, khi đó ngân sách nhà nước sẽ phải dành ra hơn 738 nghìn tỷ đồng (trên 33,6 tỷ USD) để trả nợ vay trong nước (chưa kể các khoản vay nước ngoài tới hạn).

Khó đủ đường

Theo WB, tuy nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Bội chi ngân sách hiện vẫn cao (bình quân 5,6%/năm), nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (vượt 65% GDP) trong những năm tới. Điều này vẫn xảy ra kể cả khi tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao và lãi huy động vẫn thuận lợi như hiện nay.
Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng và nợ dự phòng tiềm ẩn (nợ của các doanh nghiệp nhà nước) nếu hiện thực hóa, có thể khiến Việt Nam càng dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay. Điều này vẫn xảy ra bất chấp cân đối thu - chi ngân sách cơ bản vẫn được quản lý cẩn trọng.

Vì vậy, theo đại diện WB, dù Chính phủ tăng kỷ luật tài chính của doanh nghiệp nhà nước và về nguyên tắc nhà nước không trả thay doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước mất khả năng trả nợ, Chính phủ vẫn phải can thiệp. Do đó, các chuyên gia lưu ý công tác quản lý nợ phải tính tới những rủi ro đó và phải duy trì được khoản dư ngân sách đủ để xử lý những cú sốc nếu xảy ra. Đồng thời Chính phủ cần phải có chính sách phòng trước nếu những rủi ro có thể thành hiện thực. “Nếu tình hình ngân sách hiện nay không được điều chỉnh, hoặc không có lộ trình giảm bội chi ngân sách, lộ trình nợ của Việt Nam sẽ sớm đi vào vùng có rủi ro cao. Từ đó, gây trở ngại cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô”, đại diện WB đánh giá. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) bày tỏ hy vọng có thể kiểm soát bội chi bình quân 4% GDP trong giai đoạn 2016-2020; tái cơ cấu các khoản nợ từ ngắn hạn sang dài hạn và siết chặt chi tiêu. “Hy vọng trong 5 năm hoặc cùng lắm là 10 năm, ta có thể đưa nợ công về mức an toàn”, ông Tân nói.

Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, báo cáo chi tiêu công đã đưa ra bức tranh khá toàn cảnh về nợ công của Việt Nam. Trong đó, chỉ ra các thách thức quan trọng với chi tiêu công và các gợi ý 68 giải pháp xử lý. “Để đảm bảo bền vững ngân sách, rõ ràng phải quản lý nợ công không chỉ ở trung ương, cả nợ công địa phương, các khoản nợ công không chính thức, nợ dự phòng, nợ xây dựng cơ bản…”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ về nợ công tại cuộc họp sơ kết ngành tài chính mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tính toán, dù giữ được bội chi, mức nợ công, tỷ lệ nợ công trên GDP vẫn có thể vượt trần nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu. “Chúng tôi cam kết giữ nợ công ở con số tuyệt đối như hiện nay, nhưng tỷ lệ nợ công tương đối có vượt trần hay không phụ thuộc vào tăng trưởng GDP. Con số tuyệt đối nợ công vẫn như năm 2016, nhưng nếu tăng trưởng và giá trị GDP không đạt 5,1 triệu tỷ đồng, nợ công so với GDP sẽ tăng lên”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, thời gian tới, trước khi thực hiện các khoản vay mới sẽ đánh giá các yếu tố tác động của nợ công trung hạn, để cơ cấu bền vững.