1. “Quái vật biển Caspian”
Đứng đầu trong danh sách này là thủy phi cơ mang tên lửa Lun, được phương Tây đặt biệt danh là “quái vật biển Caspian”. Điểm đặc biệt là nó có kích thước lớn hơn máy bay phản lực và tốc độ nhanh hơn tàu thủy. Sở hữu động cơ cực mạnh và được trang bị tên lửa chống hạm hủy diệt, thủy phi cơ này được tạo ra để lướt nhanh ở độ cao cách mặt nước 4m mà không bị kẻ địch phát hiện.
Theo tờ Rossiyskaya Gazeta, Lun thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1985, và 5 năm sau đó thì chuyển sang hoạt động chiến đấu thử nghiệm. “Quái vật biển Caspian” có chiều dài 73,8m, sải cánh 44m và trọng lượng cất cánh 380 tấn. Nhiệm vụ chính là chống tàu sân bay và tàu tuần dương, nên Lun được trang bị tên lửa siêu thanh chống hạm Moskit. Vài năm trước, thủy phi cơ này đã được chuyển đến công viên Patriot ở Derbent để phục vụ trưng bày triển lãm.
2. Máy bay vũ trụ MiG-105.11
Xếp thứ hai trong danh sách này của tờ báo Anh là dự án máy bay chiến đấu đánh chặn trên quỹ đạo không gian. Dự án trong những năm 1960 được đặt tên là Spiral. Trong khuôn khổ dự án này, một thiết bị cận âm tương tự máy bay vũ trụ có người lái thử nghiệm MiG-105.11 đã được chế tạo, sau đó thực hiện thành công 7 chuyến bay thử nghiệm. Đáng tiếc, dự án cuối cùng đã không được hoàn thành. Tuy nhiên, kết quả thu được trong quá trình nghiên cứu sau đó đã được sử dụng để tạo ra tàu con thoi Buran huyền thoại.
3. Pháo cối tự hành 2B1 Oka
Vị trí thứ ba thuộc về pháo cối tự hành 2B1 Oka có cỡ nòng 420mm và độ dài nòng lên tới 20m, được Liên Xô chế tạo vào cuối những năm 1950. Được biết, loại pháo này bắn được cả đạn thông thường và đạn hạt nhân, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tối đa là 50km.
Tổng cộng có 4 khẩu pháo như vậy đã được sản xuất, nhưng về sau người ta quyết định không tiếp tục phát triển dự án này nữa. Bởi lẽ, vấn đề chính đã không thể giải quyết được, đó là độ giật mạnh gây nguy hại cho chính khẩu pháo.
4. Xe tăng trượt tuyết
Ngoài ra, tờDaily Star của Anh còn đề cập đến chiếc xe trượt tuyết. Đây là loại xe tăng di chuyển trên tuyết được thiết kế để tham chiến ở những địa hình có tuyết. Lần đầu tiên phương tiện này được Hồng quân sử dụng trong cuộc Nội chiến Nga, sau đó nó được cải tiến và dùng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
5. Xe tăng Sa hoàng
Trong số các loại xe bọc thép, xếp cuối cùng trong danh sách này là xe tăng Sa hoàng, được dùng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Xe được lắp hai bánh có đường kính lên đến 9m để vượt chướng ngại vật. Tuy nhiên, cuối cùng dự án xe tăng khổng lồ nặng 60 tấn này đã bị hủy bỏ.
Trong số những ý tưởng không trở thành hiện thực khác, còn có cả xe tăng có bánh hình mũi khoan thay vì bánh xích, cũng như xe tăng bay A-40 có đôi cánh giống loại máy bay hai tầng cánh.
Link gốc: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nhung-vu-khi-ky-la-va-dang-so-nhat-cua-de-che-nga-va-lien-xo-682329