Sai lầm sẽ phải trả giá bằng sinh mạng
Ông N.M.T. (73 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) có tiền sử bị cao huyết áp và bệnh lý mạch vành. Người vợ của ông có tìm hiểu và biết được các bài thuốc đông y nên mỗi khi sức khỏe của chồng có biểu hiện bất thường bà đều đi bốc thuốc về tự điều trị cho chồng.
Tuần qua, ông đột ngột có biểu hiện bị yếu nửa người bên trái, nói khó. Tuy nhiên, thay vì đưa vào bệnh viện cấp cứu thì vợ của ông lại dùng phương pháp bấm huyệt. 2 ngày sau, bệnh nhân đau đầu dữ dội, hôn mê gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu thì được bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ nhưng tình trạng đã diễn tiến quá nặng không còn khả năng can thiệp.
May mắn hơn trường hợp trên, bệnh nhân T.V.H. (70 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng bị đột quỵ nhưng đã kịp thời được bác sĩ cứu chữa. Ngày 29/10, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết khi đang tái khám bệnh mạn tính định kỳ thì ông H. đột nhiên không nói được, rồi liệt tay và chân trái. Ngay lập tức bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ cấp cứu đột quỵ.
Sau khi chụp CT não các bác sĩ xác định được vị trí cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu ở người bệnh. Bằng phương pháp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kết hợp với can thiệp nội mạch lấy huyết khối, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân vượt qua nguy kịch. Sau 12 giờ kể từ thời điểm đột quỵ, bệnh nhân đã trở lại với cuộc sống bình thường, không bị tổn thương não hay bất kỳ di chứng nào.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh, vì vậy người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu đúng phương pháp và ngay lập tức để hạn chế tối đa những tổn thương về não.
TS Bá Thắng cho biết, đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” là 6 giờ đầu, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 20%, những người sống sót sẽ phải chịu cảnh tàn phế chiếm tỷ lệ gần 30%, và chỉ có khoảng 30% có thể trở về cuộc sống bình thường.
Đột quỵ có thể nhanh chóng cướp đi sinh mạng của người bệnh, tuy nhiên từ thực tế tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân TS.BS Nguyễn Bá Thắng cho biết, hiện nay vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ. “Sai lầm thường gặp nhất là phương pháp cạo gió, chích máu ở các đầu ngón tay, ngón chân. Có trường hợp bị đột quỵ nói khó, rối loạn thần kinh nhưng người nhà cho rằng bệnh nhân bị ma nhập nên mời thầy cúng đến cúng bái”.
Một số trường hợp bị đột quỵ thì bị cho uống các loại thuốc truyền miệng vì cho rằng có tác dụng điều trị. Bên cạnh đó là những bệnh nhân bị đột quỵ nhưng người sơ cứu lại tiến hành bấm huyệt, chờ cho người bệnh khỏe lại… “Đây đều là những phương pháp không có cơ sở khoa học và hoàn toàn không có tác dụng trong cấp cứu, điều trị bệnh lý đột quỵ và đang là nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc” – TS.BS Bá Thắng nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, bác sĩ khuyến cáo, để được chăm sóc, điều trị chuyên sâu, phòng ngừa biến chứng, nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng, người bị đột quỵ cần được nhanh chóng chuyển đến cấp cứu ngay tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ. Tuyệt đối không sơ cứu người bệnh bằng những phương pháp sai lầm (nêu trên) để tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
• F - Face (liệt mặt): Người bệnh có thể bị liệt một bên mặt với biểu hiện méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh há miệng hoặc cười.
• A - Arm (liệt cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động một tay hoặc tay chân một bên cơ thể. Cách nhận biết nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên sẽ thấy một bên không giơ hoặc không giữ lại được.
• S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.
• T - Time (thời gian): tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương ngay đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, có thể ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu: “méo cười, ngọng nói, xụi tay – mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”.
Mỗi năm trên toàn cầu có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng ngày 29/10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Ngày đột quỵ thế giới. Chủ đề của Ngày đột quỵ thế giới năm 2022 là “Năng lực cứu sống” (The power of saving) với chiến dịch tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu của đột quỵ và nhu cầu tiếp cận kịp thời với điều trị đột quỵ chất lượng để cứu sống người bệnh.