Những tiếng kêu cứu từ UAE

TP - Không thạo tiếng Anh hay tiếng Ảrập, không rành luật pháp xứ người, quá tin những lời ngon ngọt của đối tác cũng như của chính đồng hương, nhiều người Việt rơi vào tình cảnh trớ trêu, thậm chí nguy hiểm tính mạng ở Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (gọi tắt là UAE).
Tham tán công sứ Hoàng Cao Lãnh cảm ơn cảnh sát UAE đã nỗ lực giải cứu người Việt.

Gần đây, các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động sang UAE hay các chiêu trò quỵt tiền nhập khẩu nông sản Việt sang UAE được cập nhật trên trang Facebook của Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại UAE, trong đó có cả trang Facebook cá nhân của Đại sứ Việt Nam tại UAE Phạm Bình Đàm.

Nhân dịp Đại sứ Phạm Bình Đàm về Việt Nam tham dự lễ khánh thành đường bay thẳng Hà Nội - Dubai của hãng hàng không Emirates, tôi có dịp gặp gỡ và được nghe những chia sẻ của ông về công việc ngoại giao, về cộng đồng người Việt tại UAE. Lực lượng cán bộ Đại sứ quán rất mỏng (tổng cộng 7 người, kể cả Đại sứ), nhưng công việc dường như bất kể ngày đêm.

Bị ép làm gái mại dâm

Phần lớn các cô gái được Đại sứ quán Việt Nam tại UAE giải cứu về nước đều từ chối trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong với lý do “nếu em nói sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của em”. Riêng L.H, sinh năm 1983, quê Nam Định, có phần cởi mở hơn bởi lẽ cô đang có cuộc sống tạm ổn định ở quê nhà với cậu con giai 4 tháng tuổi.

L.H kể rằng, cô tốt nghiệp trung cấp kinh tế, sau học tiếp liên thông quản trị kinh doanh, rồi làm việc cho công ty cổ phần dầu khí. Khi công ty này phá sản, H thất nghiệp. Lên mạng, cô thấy một công ty xuất khẩu lao động quảng cáo tuyển người làm giúp việc nhà tại UAE. 

Ban đầu, cô được giới thiệu trông con cho một gia đình người UAE, nhưng cô thấy không hợp, dù gia chủ rất tốt bụng. Cuối cùng, cô xin vào làm việc cho một tiệm nail (làm đẹp móng chân, tay) và spa, nhưng không biết đó là tiệm nail trá hình, thực tế nơi đó có hoạt động mại dâm. Sau khi tiệm nail bị cảnh sát UAE truy quét và bắt đóng cửa, họ vẫn hoạt động lén lút. Họ đã cho hơn 100 nhân viên về nước và giữ lại 50 nhân viên, trong đó có L.H.

Vì cơ sở bị dẹp, nên họ chuyển sang hình thức dịch vụ làm móng, mát xa tại gia đình. Khách hàng có nhu cầu thì họ cử nhân viên đến tận nơi phục vụ. Các nhân viên ở đây đều bị chủ nhốt trong nhà như tù nhân, 6 tháng mới cho ra ngoài mua sắm nhu yếu phẩm, lương bị giảm một nửa với lý do kinh doanh khó khăn. L.H ở đó một năm thì không chịu được nữa, tranh cãi với chủ và bị đánh đập.

Các bạn cùng cảnh ngộ chụp được cảnh đó, gửi cho cảnh sát, nên cô và một số bạn được giải thoát. Sau đó, cô ra ngoài làm việc tự do và có bầu với bạn trai người Pakistan. Theo luật Hồi giáo, nếu có bầu ngoài giá thú sẽ phải ngồi tù cho tới khi sinh con, rồi con bị giữ lại cho người khác nuôi, còn mẹ bị trục xuất về nước. Trong tình trạng không tiền, không nhà cửa, không người thân và cái thai trong bụng đang ngày một lớn, H gọi điện cầu cứu Đại sứ quán.

L.H chia sẻ: “Em mang ơn các anh chị ở Đại sứ quán rất nhiều vì em chỉ là một công dân bình thường, nhưng đã được các anh chị quan tâm hỏi thăm như một người thân. Không những vậy, trước khi em ra về, Đại sứ còn tặng em một món quà, nhưng em cảm ơn không dám nhận vì đó là số tiền quá lớn với em. Em chỉ dám nhận một khoản tiền nhỏ của Tham tán công sứ Cao Lãnh để chi tiêu trong thời gian em ở lại Đại sứ quán chờ về nước”.

Theo Đại sứ Đàm, UAE là nước Hồi giáo nhưng họ mở về kinh tế. Họ có 9 triệu dân thì có đến 8 triệu người làm thuê, chủ yếu là lao động chân tay, đến từ  Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Philippines, Việt Nam… Người Việt chỉ chiếm số ít, khoảng 6.000 người. Một số đối tượng người Việt dùng chiêu bài rất cổ điển, nhưng khối người mắc bẫy. Đó là hứa hẹn những công việc lương cao, khoảng 2.000-3000 USD/ tháng nhưng nhẹ nhàng như dọn dẹp, mát-xa, làm nail... 

Thế rồi, họ bỏ tiền mua vé, làm visa cho các cô gái Việt sang UAE làm việc kiếm tiền trả nợ. Thực tế, với những công việc lao động chân tay ở UAE, lương chỉ 500-700 USD/tháng, nên để nhanh có tiền trả nợ, họ thường bị ép đi khách hoặc làm những công việc bất hợp pháp khác. Đại sứ Đàm cho hay, cán bộ Đại sứ quán thỉnh thoảng phải đi “chào xã giao” các nhà tù, hỏi han cảnh sát UAE xem có người Việt nào ở đó không. Một số người Việt trong tù cũng chủ động gọi điện thoại cầu cứu bên ngoài.

Đại sứ Đàm kể về trường hợp giải cứu hai cô gái quê Đồng Nai. Hai cô nghe lời quảng cáo đường mật từ một người đồng hương có thời gian làm việc tại UAE. Người đó ứng trước 120 triệu đồng/người để làm giấy tờ cho hai cô sang UAE làm công việc mát-xa. Tới nơi, các cô bị ép tiếp khách, rồi bị bán cho chủ người Trung Quốc. Lúc đó, các cô rất hoảng sợ và kêu cứu.

Nhận được thông tin, Đại sứ quyết định cử ba người đi trong tư thế nếu có gì nguy hiểm thì báo động với chính quyền địa phương. Ông chủ người Trung Quốc bảo hắn không làm gì sai cả, nếu muốn đưa các cô ra thì phải trả đủ tiền. Sau khi làm việc rõ ràng, các cô đồng ý trả tiền vé và tiền bồi thường. 

Sau khi cứu được họ ra khỏi ổ mại dâm, anh em sứ quán tiếp tục làm thủ tục hủy visa. Đây là điều vô cùng quan trọng. Vì UAE có điều luật rất chặt chẽ nhằm bảo vệ giới chủ. Khi người lao động muốn về nước, phải trả hết nợ nần mới được người chủ đứng ra hủy visa và mới được phép lên máy bay về nước. 

Chính vì thế, lao động bỏ trốn ở đâu thì trốn, nhưng nếu về nước, kiểu gì cũng phải gặp họ, phải thanh toán hết nợ nần  mới được người chủ ký hủy visa. Sau khi 3 cán bộ làm xong việc hủy visa cho các cô gái, sứ quán vẫn phải cắt cử một cán bộ ở lại giúp họ làm các thủ tục ở sân bay, cho tới khi nhìn thấy họ lên máy bay mới an tâm về nhà.

Vụ giải cứu cô gái Việt được đăng trên báo UAE.

Đi 5 nhà tù mới tìm được người kêu cứu

“Anh ơi, cứu em với, em là XXX, đang gọi cho anh từ trong nhà tù…”. Đó là những lời kêu cứu mà số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại UAE thường xuyên nhận được. Oái oăm thay, có những người gọi điện nhưng không biết mình đang ở nhà tù nào, vùng nào trên đất nước UAE rộng lớn. 

Họ thường là những lao động đến từ vùng quê nghèo ở Việt Nam, đi theo diện xuất khẩu lao động. Tiếng Anh nửa chữ chả biết, nói gì đến tiếng bản xứ là tiếng Ảrập. Những lúc như vậy, cán bộ Đại sứ quán lại phải mất công dò xem mã vùng điện thoại họ gọi đến từ đâu. Đôi khi tra được vùng rồi, nhưng không biết họ đang ở nhà tù nào vì ở vùng đó có tới mấy nhà tù. Có khi, cán bộ phải đi đến nhà tù thứ 5 mới tìm được người gọi điện kêu cứu.

Bị dọa lột da

Hồi đầu tháng 7, cán bộ Đại sứ quán kết hợp với cảnh sát Dubai triệt phá một ổ mại dâm trá hình, trong đó có cô gái người Việt tên C. Cô C được người quen đưa đi du lịch Dubai một tuần với chi phí hơn 30 triệu đồng. Khi sang đến nơi, người quen kia lấy cớ về Việt Nam và nhờ bạn đưa đến một căn hộ. 

Tại đó, C bị thu hộ chiếu và bị ép bán dâm. Hành trình giải cứu cô gái này đã được báo chí UAE đưa tin. Nhưng điều đáng nói, vụ án này liên quan nhóm tội phạm người Việt cộm cán ở đây. Sau khi cô C được giải cứu, bọn chúng còn liên tục gọi điện dọa dẫm cán bộ Đại sứ quán. Chúng dọa: “Tao mà nhìn thấy mày ở đâu, tao sẽ lột da mày”, “Mấy thằng sứ quán này mà tao gặp ở đâu, tao xiên đấy”…

Đại sứ Đàm cho biết, chức năng bảo hộ công dân của Việt Nam không phải là đi xin giảm án, xin tha, mà đảm bảo công dân Việt được đối xử nhân đạo, công bằng, bảo đảm đúng pháp luật. Trên thực tế, những gì hỗ trợ được công dân thì Đại sứ quán cố gắng hết sức. 

Mới đây có vụ một cô gái người Bắc Kạn làm việc trong một ổ mại dâm, khi bị cảnh sát truy quét, sợ quá, nhảy lầu và không may thiệt mạng. Cán bộ Đại sứ quán phải thay mặt gia đình đến nhận xác và làm mọi thủ tục để chuyển lọ tro của cô về nước.

Lời khuyên của Đại sứ

Đối với người có ý định sang UAE làm việc, luôn ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam 00844 62 844 844.

Đối với người lao động, dứt khoát phải có hợp đồng lao động. Những lời hứa ngon ngọt đều ẩn chứa nguy cơ lừa đảo. Đối với những người bị bắt, tạm giam, Đại sứ quán là địa chỉ bảo hộ công dân duy nhất và hoàn toàn miễn phí.