Chiều 21/6/2013, Nguyễn Hữu Hải trong vai khách hàng đã đến một trụ sở ngân hàng tại Bình Thuận, nấp vào góc khuất trong tòa nhà. Chiều tối, khi ngân hàng đóng cửa giao dịch, Hải rời chỗ nấp lên lầu hai tìm nước uống và tiếp tục ẩn mình chờ đến tối hẳn.
Khoảng 21h, biết những nhân viên làm việc muộn về hết, lực lượng bảo vệ đã vào vị trí chốt gác ngoài cổng, Hải xuống tầng trệt vào quầy giao dịch lục lọi các hộc tủ. Có tiếng chuông báo động, Hải sợ hãi trốn lên tầng 2 rồi ra ban công tìm chỗ ẩn nấp tiếp. Thấy im ắng, anh ta tiếp tục ra tay nhưng không xuống tầng trệt nữa mà lòng vòng ở quầy làm việc tầng hai để lục tìm, trộm tài sản.
Quá đói bụng và mệt do hơn 10 tiếng đồng hồ “ém” mình, Hải lăn ra sàn ngủ. Sáng hôm sau, bảo vệ lên mở cửa kiểm tra phát hiện Hải vẫn đang ngủ nên bắt giữ, giao cho công an.
Ôm két sắt ngủ
Rạng sáng 21/6/2015, Nguyễn Văn Công (22 tuổi) rủ hai đàn em Nguyễn Mạnh Linh (16 tuổi) và Nguyễn Hữu Cảnh (15 tuổi) đến đình Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trộm tiền công đức. Cả nhóm dùng gậy gạt then cửa rồi bê hòm công đức bằng gỗ ra sân. Không tìm thấy tiền, chúng vứt hòm chỏng chơ ở sân, tiếp tục vào lục lọi.
Nhìn thấy két sắt, cả ba khiêng ra ngoài phá nhưng không được nên bảo nhau nằm ngủ một lát rồi tiếp tục. Tuy nhiên, nhóm đạo chích này đã ngủ quên.
Khi trời sáng, người dân tới đình thắp hương và phát hiện ba thanh niên ở tại hiện trường ngổn ngang này nên vây bắt. Tuy nhiên, Công đã chống đối và vùng chạy thoát, hai tuần sau thì bị bắt.
Nhóm này thừa nhận với thủ đoạn tương tự đã gây ra trót lọt 4 vụ trộm cắp tại các đình, chùa thuộc quận Bắc Từ Liêm.
Ngủ quên trong tủ quần áo
Khoảng 3h ngày 26/10 vừa qua tại phố Đội Cấn (Hà Nội), khi trèo cột điện đột nhập một ngôi nhà, Vũ Huỳnh Cương đã chui vào tủ quần áo tại tum tầng 3 để ẩn náu rồi ngủ quên.
Trời sáng, bị gia chủ 71 tuổi mở tủ phát hiện, tên trộm này vùng dậy cầm búa đinh đuổi đánh. Nghe tiếng kêu cứu thất thanh của mẹ, con trai bà lão chạy từ tầng một lên, tay cầm chiếc lưỡi xẻng. Chống trả quyết liệt, Cương chạy xuống tầng một hòng thoát thân nhưng cửa khóa không ra được và lập tức vớ con dao trong bếp giơ lên dọa.
Để cứu mẹ, người con "thương lượng" để tên trộm dừng tay và ném chìa khóa cho tự mở cửa bỏ trốn... Lần theo thông tin tên trộm bị thương, trong ngày 26/10, Công an quận Ba Đình đã bắt được Cương ngay khi nghi can vừa bước ra từ một phòng khám tại khu vực ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên.
Để đảm bảo tính mạng khi bị kẻ gian đột nhập, một cảnh sát hình sự khuyên:
- Trong trường hợp đạo chích có cầm hung khí và sẵn sàng chống cự hòng thoát thân, người trong gia đình không nên một mình đánh lại mà hãy vào phòng khóa chặt cửa, gọi điện thoại báo công an hoặc hô hoán.
- Nếu chẳng may bị kẻ trộm khống chế, gia chủ nên làm theo yêu cầu của chúng để bảo vệ tính mạng của mình trước, không nên tiếc tài sản.
- Trong đêm ngủ dậy bất ngờ phát hiện có dấu hiệu bị lục lọi thì không nên lùng bắt mà bình tĩnh gọi người nhà dậy và tìm cách liên hệ với bên ngoài.
- Nếu nghe bên ngoài nhà có tiếng động lạ nên quan sát qua khe cửa xem có chuyện gì xảy ra. Phát hiện kẻ gian chưa vào trong nhà, hãy lập tức bật các đèn lên, gọi người nhà dậy. Điều này sẽ khiến đạo chích không muốn tiếp tục phạm tội vì tâm lý không muốn chủ động đối mặt với chủ nhà.
Có nên đánh kẻ trộm?
Theo luật sư Trần Anh Dũng, khi gặp phải những trường hợp này, pháp luật cho phép sử dụng biện pháp phòng vệ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm. Nhưng những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết với hành vi xâm hại và không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Ranh giới giữa phòng vệ chính đáng (không phải chịu trách nhiệm hình sự) và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (phải chịu trách nhiệm hình sự) rất mong manh. Do đó, khi quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ cần phải cân nhắc kỹ tình huống cũng như điều kiện, hoàn cảnh thực tế để có biện pháp phù hợp.