Sáng 22/7, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 chính thức khai mạc. Tới dự có ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang cùng 247 đại biểu đại diện cho hơn 3 nghìn đảng viên tham dự.
Đại hội lấy tinh thần “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; quyết tâm đưa Phú Quốc phát triển toàn diện, bền vững” làm phương châm hành động.
Theo báo cáo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XI, nhiệm kỳ 2015-2020, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ huyện, Đảng bộ đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đa số các chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện nghiêm túc, nhất là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả. Công tác dân vận, nội chính, phòng chống tham nhũng được tăng cường...
Tuy nhiên, vẫn còn nổi lên một số hạn chế, yếu kém: Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đề ra thực hiện chưa đạt. Công tác xây dựng Đảng trên một số mặt kết quả đạt được còn hạn chế; một số cấp ủy chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, thiếu tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động quản lý điều hành của chính quyền các cấp ở một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu chặt chẽ, nhất là công tác quản lý tài nguyên môi trường, đất đai, rừng, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng; Phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế. Tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhân tố phức tạp…
Điểm nổi bật đó là kinh tế duy trì phát triển khá. Tổng giá trị sản xuất (khu vực I và khu vực II) tăng 84,61% so với đầu nhiệm kỳ, bình quân hàng năm tăng trên 13%; trong đó, đóng góp lớn nhất là lĩnh vực xây dựng tăng 14,45%/năm, các ngành còn lại tăng nhẹ; riêng ngành thương mại, dịch vụ tăng gấp 2,37 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội đạt 141.652 tỷ, vượt 57,39% so với Nghị quyết (chỉ tiêu NQ 90.000 tỷ đồng). Cụ thể trên các lĩnh vực chủ yếu:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18,88%/năm. Thu hút lượng khách bình quân mỗi năm tăng 27,99%; đến năm 2020, lượng khách đến Phú Quốc đạt 3 triệu khách (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 20%). Trong đó, khách người nước ngoài 1 triệu lượt (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).
Lĩnh vực công nghiệp- xây dựng tiếp tục phát triển khá, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ bản, bình quân tăng 14,45%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 19,46%. Các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn tiếp tục được đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng như Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hàng hoá Quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, các dự án phát triển du lịch… tạo thuận lợi cho Phú Quốc phát triển nhanh và mạnh.
Về giao thông: Đến nay hệ thống giao thông khá hoàn thiện và đồng bộ cả đường bộ, đường biển và đường hàng không, kết nối với nhiều khu vực trong nước và quốc tế. Đường hàng không có trung bình 40 chuyến hạ và cất cánh/ngày, đường biển có trên 8 chuyến tàu khách và 8 chuyến tàu phà/ngày; một số tuyến đường bộ có quy mô đầu tư lớn được hoàn thành như đường trục chính Nam- Bắc đảo; đường vòng quanh đảo; đường trung tâm đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3 – khu Bãi Trường và các tuyến nhánh; đường cơ động phía Bắc đảo; đường từ Bãi Thơm đến ngã tư Hàm Ninh,….
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 được 20.639 tỷ đồng, tăng gấp 2,22 lần so với đầu nhiệm kỳ, bình quân hàng năm tăng 19,27%. Thu ngân sách trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng cho ngân sách tỉnh và Trung ương.
Về đầu tư phát triển Phú Quốc theo Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ: Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II và huyện loại I; tiến tới thành lập thành phố Phú Quốc. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện tốt các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có tiềm năng vào Phú Quốc.
Tiếp tục thực hiện điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển Phú Quốc đến năm 2040 và tầm nhìn 2050 theo định hướng đơn vị Hành chính- kinh tế đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có các tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, Sun group, BIM group, CEO group, MIK group, Milltol, … đầu tư vào Phú Quốc đã làm cho kinh tế của huyện tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây. Toàn huyện có 321 dự án đầu tư, với diện tích 10.936ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 340.366 tỷ đồng.
Trong đó, có 47 dự án đã đưa vào khai thác với diện tích 1.204 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 13.584 tỷ đồng; 75 dự án đang triển khai xây dựng (trong đó có 15 dự án đã khai thác một phần), diện tích 3.956 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 158.401 tỷ đồng và các dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng 12 dự án với diện tích thu hồi 567ha, số hộ bị ảnh hưởng là 3.148 hộ; thực hiện chi trả bồi thường cho 2.596 hộ; đã hình thành 06 khu tái định cư, tổ chức bốc thăm và bố trí 1.794 nền.
Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc có trên 700 cơ sở lưu trú với hơn 20.000 phòng. Trong đó, có 15 khu nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động; khu đô thị du lịch phức hợp Bãi Trường đang dần hình thành. Phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện Quốc gia và Quốc tế như: Chuỗi sự kiện năm du lịch quốc gia 2016 “Phú Quốc- đồng bằng sông Cửu Long”; phối hợp tổ chức đêm chung kết cuộc thi “Hoa hậu hoà bình thế giới” năm 2017; cuộc thi “Hoa hậu biển Việt Nam” năm 2018; tổ chức đám cưới tỷ phú Ả Rập...