1. Lý Tự Trọng - Người đoàn viên đầu tiên
Anh hùng Lý Tự Trọng, sinh ngày 20/10/1914; tên thật là Lê Hữu Trọng. Anh sinh ra tại xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tuổi 16 chàng trai trẻ Lý Tự Trọng nhận nhiệm vụ của Đảng trở lại Sài Gòn với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Tài trí và dũng cảm, những hoạt động của anh Lý Tự Trọng đã góp phần dấy lên phong trào cách mạng trong đội ngũ thanh thiếu niên. Anh bị thực dân Pháp bắt khi mới 17 tuổi.
Nhà tù thực dân khắc nghiệt với những trận đòn tra tấn dã man, cùng âm mưu mua chuộc đã không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Lý Tự Trọng. Trước phiên tòa kết tội của thực dân Pháp, anh hùng Lý Tự Trọng dõng dạc tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Câu nói bất hủ của anh đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu, kim chỉ nam hành động của thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.
Sử sách ghi lại, trong xà lim tử hình, anh vẫn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Anh vẫn đọc Truyện Kiều, tập thể dục. Bọn lính canh cảm phục, kính nể gọi anh là Ông Nhỏ. Hy sinh ở tuổi 17, người anh hùng Lý Tự Trọng chính là một minh chứng hùng hồn về bản lĩnh kiên cường, bất khuất và lòng trung thành với quê hương đất nước của một người cộng sản trẻ tuổi.
T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công nhận anh hùng Lý Tự Trọng là người Đoàn viên đầu tiên với tấm thẻ Đoàn viên danh dự số 1. Tên của anh được T.Ư Đoàn đặt cho giải thưởng nhằm tôn vinh cán bộ đoàn, đoàn viên tiêu biểu, được trao hàng năm vào dịp kỷ niệm thành lập Đoàn 26/3. Ngoài ra, tên của anh cũng được đặt cho nhiều trường học và con đường ở Việt Nam.
2. Kim Đồng – Đội trưởng đầu tiên của Đội TNTP Hồ Chí Minh
Kim Đồng, tên thật là Nông Văn Dền, sinh năm 1929, dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh. Đội TNTP Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 15/5/1941. Bí danh của 5 đội viên đầu tiên là: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Minh, Thanh Thủy, Thủy Tiên.
Kim Đồng sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Kim Đồng đã cùng đồng đội làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón cán bộ và chuyển thư từ. Trong một lần đi liên lạc, khi cán bộ đang có cuộc họp, anh phát hiện có quân Pháp đang tới, Kim Đồng đã đánh lạc hướng để các bạn của mình đưa cán bộ cách mạng về căn cứ an toàn. Kim Đồng chạy qua suối, quân Pháp theo không kịp liền nổ súng vào anh. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin (Cao Bằng) ngày 15/2/1943, khi vừa tròn 14 tuổi. Khu mộ nơi anh ngã xuống đã trở thành khu di tích Kim Đồng, địa chỉ đỏ cách mạng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình.
Tháng 7/1997, Kim Đồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
3. Vừ A Dính - Người anh hùng tuổi nhỏ chí lớn
Vừ A Dính, sinh ngày 12/9/1934, trong một gia đình người Mông giàu truyền thống cách mạng, tại bản Đề Chia, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Ngay từ nhỏ, Dính là một cậu bé thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn. Được cha mẹ giáo dục, Vừ A Dính đã sớm giác ngộ cách mạng và căm thù giặc Pháp xâm lược. Pú Nhung luôn bị giặc đột kích vào cướp bóc, đốt nhà, bắt người. Vì thế dân làng phải cử người canh gác để phát hiện giặc. Khi 13 tuổi, Vừ A Dính đã thoát ly gia đình xung phong làm đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo.
Đến năm 1949, A Dính gia nhập bộ đội Việt Minh. Trong một lần Vừ A Dính đi liên lạc, quân Pháp vây bắt được anh và yêu cầu anh chỉ điểm nơi ở của cán bộ Việt Minh. Vừ A Dính tuyệt đối không khai bất cứ thông tin nào. Chiều tối 15/6/1949, quân Pháp đã bắn và treo anh lên cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn. Anh hy sinh khi anh ấy tròn 15 tuổi. Tấm gương hy sinh anh hùng bất khuất của Vừ A Dính đã đi vào sử sách.
Ngày 8/11/2000, Vừ A Dính được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngày 5/3/1999, Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và báo Thiếu niên Tiền phong quyết định lập Quỹ học bổng dành cho học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Việt Nam, Quỹ mang tên Vừ A Dính.
4. Võ Thị Sáu – Người con gái Đất Đỏ kiên trung
Nữ anh hùng Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha làm nghề đánh xe ngựa chở khách thuê đi Long Điền, Phước Hải, mẹ buôn bán bún bì chả tại chợ Đất Đỏ. Từ nhỏ, chị phải phụ giúp cha mẹ để mưu sinh.
Sau khi quân Pháp tái chiếm vùng Đất Đỏ vào cuối năm 1945, các anh trai của chị đã thoát ly gia đình, hoạt động kháng chiến cho phong trào Việt Minh. Chị bỏ dở việc học, ở nhà giúp mẹ cha kiếm sống và bí mật tiếp tế cho các anh công tác trong Chi đội Giải phóng quân của tỉnh Bà Rịa.
Năm 1946, chị theo anh trai là Võ Văn Me vào khu kháng chiến, và trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1947, chị chính thức trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ khi mới 14 tuổi. Từ đó, chị tham gia nhiều trận đánh.
Chị bị quân Pháp bắt và kết án tử hình khi chưa đủ 18 tuổi. Khi ra pháp trường, chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang, bất khuất hát bài Tiến quân ca. Những lời cuối cùng trước họng súng quân thù, chị hô vang: “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Hình ảnh người con gái Đất Đỏ kiên trung đi vào lịch sử, sống mãi trong lòng dân tộc. Bao thế hệ trẻ tiếp nối đều thuộc bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” như một sự tri ân, ngưỡng vọng với nữ anh hùng.
5. Trần Văn Ơn – dấu ấn phong trào học sinh, sinh viên
Trần Văn Ơn, sinh ngày 29/5/1931, tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Anh là học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Từ năm 1947, anh tham gia vào phong trào học sinh yêu nước của trường, tham gia Hội học sinh, sinh viên Việt Nam - Nam bộ. Anh là hội viên mật của Đoàn học sinh kháng chiến nội thành, đồng thời, nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh trong trường tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp. Anh được coi là một cột trụ của phong trào học sinh yêu nước. Ngày 9/1/1950, anh đã bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết trong một cuộc biểu tình lớn của học sinh, sinh viên Sài Gòn đầu năm 1950. Cái chết của anh đã tạo tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó.
Đám tang Trần Văn Ơn trở thành một “cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn”, chống lại chính quyền thực dân Pháp. Tháng 2/1950, tại Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất ở Việt Bắc quyết định lấy ngày 9/1, ngày mất của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn làm Ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên Việt Nam. Tên của anh được T.Ư Đoàn đặt cho giải thưởng Trần Văn Ơn, dành cho học sinh khối chuyên nghiệp và dạy nghề và được đặt cho con đường và trường học ở TPHCM, Biên Hòa, Thanh Hóa, Đồng Hới. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000.
6. La Văn Cầu- Chặt cánh tay, phá đồn địch
Anh hùng La Văn Cầu, sinh năm 1932, tên thật là Sầm Phúc Hướng, dân tộc Tày, quê xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Với khát khao được cầm súng giết giặc, giải phóng đất nước, dù mới 16 tuổi, La Văn Cầu đã khai tăng tuổi để được vào bộ đội.
Trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948 đến năm 1952, La Văn Cầu đã tham gia chiến đấu 29 trận. Trận phục kích trên đường Bông Lau-Lũng Phầy ở Cao Bằng năm 1949, anh đã xung phong và một mình bắn chết lính Pháp trên xe tăng rồi nhảy lên xe đối phương dùng súng trên xe diệt thêm 10 lính Pháp nữa. Trong trận Đông Khê thuộc Chiến dịch Biên giới năm 1950, La Văn Cầu là chỉ huy tổ bộc phá phá hàng rào để đơn vị phía sau công đồn. Anh bị trúng đạn dập nát một phần cánh tay phải. La Văn Cầu đã nghiến răng nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương và tiếp tục chiến đấu. Với các thành tích trong chiến đấu, ngày 19/5/1952, La Văn Cầu được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 20 tuổi.
Tấm gương giết giặc lập công của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu đã trở thành huyền thoại, đi vào sử sách.
7.Nguyễn Văn Trỗi - Sống như Anh
Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940, hy sinh ngày 15/10/1964. Anh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tại làng Thanh Quýt nay là thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Lúc15 tuổi, anh rời khỏi quê nhà Quảng Nam ra Đà Nẵng rồi vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh được Đảng giác ngộ, kết nạp vào Đoàn Thanh niên và tham gia hoạt động trong đơn vị biệt động của Sài Gòn. Anh nhận nhiệm vụ quan trọng đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara ở cầu Công Lý. Việc bại lộ, anh bị địch bắt, chúng dùng mọi thủ đoạn từ nhục hình tra khảo đến tâm lý chiến, lấy cuộc sống xa hoa nhung lụa để mua chuộc nhưng mọi chiêu bài đều không khuất phục được Đoàn viên kiên trung Nguyễn Văn Trỗi.
Hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi bất khuất trên pháp trường, giật băng đen bịt mắt, nhìn thẳng vào họng súng, hô to “Đả đảo bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!” đã lay động trái tim những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tấm gương anh Trỗi đã khơi gợi nhiều áng văn thơ lay động lòng người, khơi dậy phong trào yêu nước trong lớp lớp thanh niên.
Cuốn hồi ký “Sống như Anh” do nhà báo Thái Duy (bút danh Trần Đình Vân) viết về người chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi từ năm 1965 trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ bộ đội, thanh niên, sinh viên, học sinh, thiếu niên...
8. Hoa Xuân Tứ - Biểu tượng nghị lực của người không tay
Hoa Xuân Tứ, sinh năm 1950, tại xóm 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông được xem là biểu tượng về nghị lực phi thường vượt lên số phận, với những biệt danh như: “chim cánh cụt biết bay”, “người không tay thần kỳ”.
Năm 4 tuổi, cậu bé Tứ bị cuốn vào máy ép mía. Vụ tai nạn khủng khiếp đó đã cướp đi hai cánh tay của cậu bé cụt đến tận bả vai. Không đầu hàng số phận, Hoa Xuân Tứ đã nỗ lực biến cằm, vai và chân của mình như hai bàn tay để học, lao động như những người bình thường khác. Những nét chữ đầu tiên được Hoa Xuân Tứ tập luyện bằng cách cặp gạch, que… vào chân viết trên nền sân nhà, sau đó, dùng bả vai và cằm để viết. Ồng tự làm tất cả mọi việc, bơi lội rất giỏi.
Nhà văn Sơn Tùng là người phát hiện ra câu chuyện cậu bé Hoa Xuân Tứ đã tìm về quê nhà Hưng Nhân để gặp gỡ và viết bài đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong, với tiêu đề “Cụt hai tay mà vẫn học giỏi, lao động khá, thể thao cừ”, ngày 18/2/1966. Sau bài báo, nhà văn Sơn Tùng được Bác Hồ gọi đến gặp. Người mong biết thêm về cậu bé nghị lực này. Hoa Xuân Tứ là 1 trong 6 thiếu nhi tham gia Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, năm 1966. Đó là dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời Hoa Xuân Tứ, được gặp Bác Hồ được Bác ân cần hỏi han, động viên. Năm mươi năm sau, kể từ ngày được gặp Bác, ông Hoa Xuân Tứ một lần nữa được vinh danh tại chương trình giao lưu điển hình toàn quốc năm 2020 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
9. Lê Bá Khánh Trình - "Cậu bé Vàng" Toán học
Lê Bá Khánh Trình, sinh ngày 19/5/1962, tại Huế. Ông là một trong 5 học sinh Việt Nam được chọn tham gia Olympic Toán Quốc tế ở Luân Đôn, Anh, năm 1979, khi đó, anh là học sinh tại lớp chuyên toán trường Quốc học Huế. Anh đã đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối, đồng thời, đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này, và là học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán Quốc tế tính đến nay. Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là “cậu bé vàng của Toán học Việt Nam”.
Sau kỳ thi trên, anh theo học tại khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lô-mô-nô-xốp, Matxcơva và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ.
Trở về Việt Nam, ông làm giảng viên Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM kiêm thỉnh giảng Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM, cho đến nay.
Năm 2005, ông là trưởng đoàn học sinh giỏi toán Việt Nam đi thi IMO 46 tại Mê-hi-cô. Năm 2013, ông tiếp tục là trưởng đoàn Việt Nam tham dự Olympic toán quốc tế (IMO-International Mathematics Olympiad) lần thứ 54 từ ngày 18-28/7, tại Santa Marta (Colombia) đã giành về 6 huy chương, với 3 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc. Nhiều năm liên tiếp ông có đóng góp to lớn trong việc giảng dạy những học sinh được chọn để đi thi Olympic toán quốc tế.
10. Đặng Thái Sơn-Nghệ sĩ Nhân dân trẻ nhất
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn, sinh ngày 2/7/1958, tại Hà Nội, nổi danh sau khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Sô-panh lần thứ X (tháng 10/1980) ở Vác-sa-va (Ba Lan). Đó là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải nhất tại cuộc thi này.
Năm 1984, Đặng Thái Sơn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Khi đó, ông mới 26 tuổi, và là nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất khi được phong tặng danh hiệu này từ trước đến nay.
Những bài trình diễn của Nghệ sĩ Nhân dân thường là những bản nhạc độc tấu dương cầm của Sô-panh, hay là của những nhạc sĩ trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bản nhạc hòa tấu dương cầm của hầu hết những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới.
Đặng Thái Sơn là một trong 3 nghệ sĩ toàn cầu được chọn để biểu diễn (cùng Lý Vân Địch người Trung Quốc và Garrick Ohlsson người Mỹ tại Gala kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Sô-panh tháng 3/2010.
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn có nhiều hoạt động hướng về quê hương, ông thường về Việt Nam để tham gia vào các buổi hòa nhạc lớn.
Với các thành tích trong chiến đấu, ngày 19/5/1952, La Văn Cầu được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 20 tuổi.
“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Anh hùng Lý Tự Trọng
Tháng 2/1950, tại Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất ở Việt Bắc, đã quyết định lấy ngày 9/1, ngày mất của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn làm Ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên Việt Nam.