Eritrea
Thu nhập bình quân đầu người: 646 USD; GDP năm 2022: 2,38 tỷ USD; Dân số: 3,68 triệu; Tuổi thọ: 65,5. Eritrea là một trong những quốc gia trẻ nhất trên thế giới, giành được độc lập từ tay Ethiopia năm 1993. Đất nước này quân sự hóa cao, một phần là do cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ với Ethiopia (kết thúc năm 2018). Ngoài chiến tranh, đất nước này còn đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, nông nghiệp chiếm khoảng 63% và kìm hãm kinh tế phát triển. Hiện chưa đến một nửa dân số Eritrea được sử dụng điện và cứ 100 người thì chỉ có 14 điện thoại di động. Điện thoại cố định và thuê bao internet càng hiếm.
Cộng hòa Dân chủ Congo
Thu nhập bình quân đầu người: 586 USD; GDP năm 2022: 58 tỷ USD; Dân số: 99 triệu; Tuổi thọ: 60. Cộng hòa Dân chủ Congo là một quốc gia giàu tài nguyên đồng, kim cương, vàng... Tuy nhiên, thay vì mang lại lợi ích kinh tế, việc kiểm soát các nguồn tài nguyên này đã gây nên cuộc nội chiến làm chết khoảng 6 triệu người. Điều này, cùng với tình trạng tham nhũng tràn lan, đã gây khó khăn cho hoạt động kinh tế trong nước.
Congo thiếu hạ tầng cơ bản, chỉ khoảng 17% dân số được sử dụng điện và không có điện thoại cố định. 64% trong số 99 triệu người dân sống với mức dưới 2 USD một ngày. Congo là một trong những nước có tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao nhất trên thế giới và tuổi thọ trung bình chỉ là 60.
Madagasca
Thu nhập bình quân đầu người: 522 USD; GDP năm 2022: 15,1 tỷ USD; Dân số: 28,92 triệu; Tuổi thọ: 66,3. Madagascar là quốc đảo ở Ấn Độ Dương, phía đông châu Phi, là thuộc địa cũ của Pháp được độc lập năm 1960 và trải qua bạo lực chính trị và các cuộc đảo chính trong mấy chục năm qua. Mặc dù ngành du lịch phát triển mạnh nhưng Madagascar lại phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, lĩnh vực chiếm hơn 2/3 tổng số việc làm. Hơn 77% dân số đô thị của nước này sống trong các khu ổ chuột và khoảng 43% cư dân bị suy dinh dưỡng. Tuổi thọ bình quân ở Madagascar chỉ là 66,3, thấp hơn khoảng 6 năm so với mức trung bình toàn thế giới.
Somalia
Thu nhập bình quân đầu người: 511 USD; GDP năm 2022: 8,73 tỷ USD; Dân số: 17,07 triệu; Tuổi thọ: 55,9. Quốc gia 17 triệu dân ở vùng Sừng châu Phi này dường như không bao giờ yên ổn: năm 2020 xuất hiện dịch virus corona, lũ lụt và nạn châu chấu chưa từng có; sau đó là bất ổn chính trị và tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với giá lương thực quốc tế càng làm đất nước này suy yếu. Tình trạng mất an ninh lương thực đã khiến các cơ sở y tế của Somalia tràn ngập trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Somalia cũng đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.
Hạn hán và nạn châu chấu đã tàn phá đất nông nghiệp và các khu vực chăn nuôi, dẫn đến mất mùa trên cả nước, giết chết hơn 3 triệu gia súc và khiến sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực gần như ngừng trệ. Nạn đói hiện nay đã khiến 7,1 triệu người ở Somalia thiếu ăn hàng ngày. Nếu không có sự hành động của quốc tế, con số đó có thể sẽ tăng lên, dẫn đến nhiều cái chết và sự hủy diệt hơn.
Nam Sudan
Thu nhập bình quân đầu người: 466 USD; GDP năm 2022: 7 tỷ USD; Dân số: 15 triệu; Tuổi thọ: 55,4. Cộng hòa Nam Sudan giành được độc lập tháng 7/2011 nhưng đã trải qua xung đột kéo dài, tình trạng di cư và nhu cầu nhân đạo ngày càng nghiêm trọng. Năm 2016, WB ước tính hơn 82% dân số Nam Sudan sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.
Cuộc xung đột năm 2018 kết thúc bằng một cuộc đảo chính đẫm máu khiến 400.000 người chết và 4 triệu người phải di cư hoặc chạy trốn trong nước. Nam Sudan đã thất bại trong việc soạn thảo hiến pháp và hoãn cuộc bầu cử đầu tiên cho đến cuối năm 2024. Đất nước này giàu dầu mỏ nhưng đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng, chia rẽ xã hội và chính trị, tham nhũng và thiếu đa dạng về kinh tế. Hạn hán và lũ lụt đã cản trở hoạt động trồng trọt, tiêu dùng và thương mại.
Cộng hòa Trung Phi
Thu nhập bình quân đầu người: 450 USD; GDP năm 2022: 2,5 tỷ USD; Dân số: 5,55 triệu; Tuổi thọ: 52,9. Nạn bạo lực đã cản trở nền kinh tế CH Trung Phi kể từ khi giành độc lập khỏi Pháp năm 1960, cho dù tài nguyên vàng, kim cương và dầu mỏ phong phú. Bạo lực tôn giáo giữa các nhóm thiểu số Hồi giáo và Cơ đốc giáo đã tiếp diễn từ năm 2012 sau một loạt các cuộc đảo chính.
Xung đột sắc tộc và tôn giáo đã phát triển thành những cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và điều kiện sống của hơn một nửa trong số 5,55 triệu người, buộc hơn 500.000 cư dân phải chạy sang các nước láng giềng. CH Trung Phi cũng có tỉ lệ trẻ em tử vong cao hàng đầu thế giới, hơn một nửa (61,8%) cư dân bị suy dinh dưỡng và là một trong những nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất (52,9).
Burundi
Tổng thu nhập bình quân đầu người: 249 USD; Tổng GDP: 3,23 tỷ USD; Dân số: 13 triệu; Tuổi thọ: 57,9 năm. Là nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ 249 USD, Burundi có lịch sử hiện đại được đánh dấu bằng cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 12 năm do mâu thuẫn sắc tộc giữa người Tutsi thiểu số và người Hutu đa số vào năm 1994.
Hơn 87% dân số Burundi sống ở nông thôn, các thành phố thiếu cơ sở hạ tầng, nguồn cung cấp điện, vệ sinh và nước sạch rất hạn chế, chỉ 5% dân số cả nước được sử dụng điện và khoảng 12 triệu người nghèo sống dựa vào nông nghiệp ít ỏi. Hầu hết cư dân chỉ đến trường ba năm và cứ 100.000 trẻ sinh ra có tới 740 em tử vong.