Những quan ngại của cơ quan công an về chất thải formosa

TP - Mới đây Công an Hà Tĩnh đã gửi công văn số 495, ngày 6/4/2019 lên UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc “Kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xử lí chất thải của Cty Formosa”, do Giám đốc, Đại tá Võ Trọng Hải ký.
Xe bồn vào Formosa chở chất thải đi bán

Công văn của Công an Hà Tĩnh nêu rõ, quá trình hoạt động của Dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm là 33.360.500 tấn. Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70 nghìn tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày; xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng tồn kho khoảng 780.000 tấn.

Việc phân định các loại bùn bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ TN&MT cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Các cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác trong kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác (như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường); Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Cty Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lí.

Công văn này cũng nói đến việc đánh tráo tên gọi của các chất thải tại Formosa: Trong các phương án tái chế các loại chất thải rắn và tạp liệu do Cty Formosa xây dựng trình Bộ TN&MT, việc sử dụng từ trong phương án chưa chính xác, như: Gọi các loại bùn thải là “bùn quặng”, “bùn khoáng”… không thể hiện đúng bản chất. Theo ngôn ngữ thông dụng của Việt Nam thì “bùn khoáng” là loại bùn thiên nhiên được hình thành do những biến đổi của địa chất; còn “quặng” là các loại đá chứa khoáng chất kim loại hoặc đá quý được khai thác từ mỏ. Trong lúc đó, các loại bùn của Formosa là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nên không thể dùng từ như vậy, dẫn đến sai lệch bản chất của chất thải.

Cũng theo công văn của Công an Hà Tĩnh: Theo phương án tái chế chất thải rắn, bùn lò cao, lò chuyển chứa nhiều kẽm (Zn) nên không thể tái sử dụng trực tiếp. Formosa dự kiến đầu tư lò đáy quay RHF dùng để xử lí tách kẽm ở trong bùn để tái sử dụng các thành phần có ích. Tuy nhiên, hiệu quả công nghệ này chỉ đạt từ 30 -70%, phần còn lại có thể sẽ chuyển giao cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Formosa không đánh giá các thành phần nguy hại khác, điển hình như chì (Pb) trong bùn, nếu tái sử dụng hoặc chuyển giao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Công an Hà Tĩnh đề nghị Bộ TN&MT và các ngành chức năng tập trung làm rõ việc Formosa tự ý tái sử dụng bùn lò chuyển từ trước đến nay; kiểm tra việc phát sinh và quản lí các loại chất thải rắn; tính chính xác trong phân định, phân loại, khối lượng cụ thể từng loại chất thải phát sinh. Riêng đối với số lượng chất thải nguy hại đang lưu giữ (1.334 tấn bùn cán nóng và 28.737 tấn bùn bụi phối trộn), yêu cầu Formosa phải có phương án xử lí kịp thời, không được lưu giữ quá thời gian quy định. Đồng thời việc Formosa lấy mẫu để phân tích, phân loại phải được cơ quan chức năng giám sát, cần thiết phải lấy mẫu phân tích độc lập, đối chiếu khách quan…