Những phương pháp dạy trẻ em tránh bị xâm hại

Chia sẻ với phóng viên về giải pháp để các em nhỏ tránh bị xâm hại tình dục, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: 

Cách tốt nhất để giúp trẻ tự bảo vệ mình là dạy cho trẻ những kỹ năng giúp phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết của các bé mà cha mẹ có thể dạy cho bé những kỹ năng dù đơn giản nhất nhưng vẫn có hiệu quả bất ngờ giúp các bé tự bảo vệ mình.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội nói: "Việc quan trọng nhất khi con 2-3 tuổi, bố mẹ phải là người dạy con ý thức tự vệ, biết phòng tránh những nguy cơ bị xâm hại ví dụ như không đi chơi về quá muộn, không đi vào những khu vực đường quá vắng, không nghe theo người lạ... Việc các em cần phải biết là không nên có những động chạm quá gần, đặc biệt là những nơi nhạy cảm".

Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh - Phó vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) đã đưa ra 5 kỹ năng hiệu quả giúp trẻ em tránh xa những vụ việc xâm hại tình dục hoặc xử lý những tình huống nguy hiểm khi cần thiết:

1. Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm

Kỹ năng đầu tiên các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ chính là các kiến thức về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Nhiều trường hợp các bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá non nớt và thiếu hiểu biết. Vùng nhạy cảm là của riêng bé, kể cả bố mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ. Hãy dạy cho bé cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến trẻ thấy khó chịu. Thậm chí cần dạy trẻ không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng hoặc kích thích thú tính của những kẻ xấu.

2. Tránh xa người lạ mặt

Dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.

3. Không cho người lạ mặt vào nhà

Khi trẻ ở nhà một mình, cần dạy trẻ lưu ý an toàn và tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.

4. Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác

Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, bạn nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Bạn có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn cầu cứu người xung quanh. Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp gặp nguy hiểm.

5. Báo ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa

Cần dạy cho trẻ rằng các bé không cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa, bắt trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Ngoài ra, khi các bé không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm.

Dạ Thảo
Theo Theo Một thế giới