Những nhà nông mặc áo lính

TP - Thực phẩm sạch có thể là “xa xỉ phẩm” đối với nhiều người, nhưng chắc chắn là “dân dã phẩm” ở các  đơn vị quân đội.
Thượng úy Nguyễn Văn Quý (Trợ lý Quân nhu, Ban Hậu cần Trung đoàn 18) cho biết, trung bình một ngày, thu được 1.100 quả trứng từ đàn gà đẻ 1.500 con của đơn vị. Ảnh: Nguyễn Minh.

Tăng gia giỏi

Lạng Sơn có trên 231km đường biên giới, nên lực lượng biên phòng tỉnh thường xuyên phải căng mình trên các địa bàn. Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn), cho biết, 11 đồn biên phòng và 1 Tiểu đoàn huấn luyện - cơ động đều đóng quân xa Bộ Chỉ huy. Thật đúng với tên gọi Bắc Xa, đồn này là “đứa con” xa nhà nhất, khoảng 110km. Mỗi đồn biên phòng, tùy theo đặc thù, lại có những tổ, trạm ở cách xa đồn “mẹ”. Điển hình là Trạm Kiểm soát biên phòng Bình Nghi (thuộc Đồn biên phòng Bình Nghi) cách 30km, Tổ công tác Đội Cấn (Đồn Biên phòng Pò Mã) cách 40km…

Cách đây 3 năm, cũng trên tuyến biên giới xứ Lạng, chúng tôi chứng kiến nỗi vất vả của những người lính Đồn biên phòng Chi Ma thực hiện nhiệm vụ trên chốt cao điểm 424 (một trong những cao điểm trọng yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt quân sự). Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Quốc An, phụ trách chốt khi đó, cho biết, trên này mùa đông lạnh thấu xương, mùa sương hầu như chẳng mấy khi anh em có quần áo khô để mặc. Do địa hình khó khăn, vào sáng sớm, chốt phải cử một đồng chí xuống đồn nhận thực phẩm, công văn, giấy tờ.

“Được cấp trên quan tâm lắp đường ống bơm nước ngọt lên tận nơi nên anh em không còn cảnh cõng nước lên chốt mỗi ngày. Cũng nhờ có nước ngọt, ngoài cải thiện được điều kiện sinh hoạt, anh em trên chốt còn tự trồng rau, chưa phải mua ngoài bao giờ”, thiếu tá An tâm sự.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Hậu, nhiệm vụ chuyên ngành chiếm hết thời gian trong ngày, nhưng tranh thủ lúc rảnh rỗi, cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm, tổ công tác đều tập trung tăng gia sản xuất. Qua các phong trào, đã xuất hiện hàng loạt mô hình tăng gia hiệu quả như trồng rau sạch, nuôi lợn rừng, nuôi gia cầm, cá…

Nhờ vậy, chế độ ăn của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện rõ rệt. Kết quả tăng gia sản xuất năm 2014 là  rau xanh đạt 143kg/người; thịt quy xô các loại 34kg/người; cá tươi 3kg/người. Bên cạnh đó, có 5 đơn vị đã xây dựng hệ thống bếp biogas nhằm tiết kiệm chất đốt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đã lắp đặt 14 hệ thống bếp lò hơi cơ khí cho cơ quan Bộ Chỉ huy và các đồn. 

Đưa chúng tôi đi thăm một cơ sở nuôi lợn rừng lai và vườn rau tăng gia của đơn vị đang vào mùa thu hoạch, thượng tá Ninh Văn Hợp, Đồn trưởng biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, nói: “Rau sạch, thịt sạch cả đấy. Tuyệt đối không có tăng trọng hay kích thích. Chúng tôi quan niệm phải tăng gia giỏi để lính biên phòng đảm bảo thể chất làm nhiệm vụ giữ gìn biên giới”.

“Ăn tốt mới chiến đấu giỏi”

Đó là câu nói chân thành, mộc mạc và đầy chất lính của trung tá Nguyễn Văn Khuy, Chính ủy Trung đoàn 18 (Sư đoàn bộ binh 325, Quân đoàn 2), khi trò chuyện với chúng tôi về phong trào tăng gia sản xuất của đơn vị. Đóng quân ở tỉnh Bắc Giang, Trung đoàn 18 là một trong những đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn 325.

Bên cạnh việc làm tốt việc quản lý, điều hành, thực hiện huấn luyện tốt theo phương châm cơ bản, thiết thực và vững chắc, công tác đảm bảo hậu cần cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng luôn được quan tâm hàng đầu. Nhìn những tân binh rắn rỏi đang miệt mài trong giờ huấn luyện bắn súng trên thao trường của Trung đoàn, mới cảm nhận được hết ý nghĩa trong câu nói của trung tá Khuy khi liên tưởng lời đúc rút của tiền nhân: “Thực túc, binh cường”.

Tại khu tăng gia tập trung của Trung đoàn, chúng tôi choáng ngợp trước bạt ngàn xanh mướt các loại rau quả. Khung cảnh đồng quê ấy còn được tô điểm thêm bởi những tiếng gà nhảy ổ và hình ảnh đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ bên triền đồi cạnh đó.

Nhìn vào kết quả thu hoạch ấn tượng từ tăng gia của đơn vị trong năm 2014 (thịt xô lọc đạt bình quân 67,5kg/người; rau, củ, quả 170,5kg/người; cá tươi 20,8kg/người; trứng gia cầm 245 quả/người), chúng tôi phần nào hiểu được sự cố gắng vượt bậc của những nhà nông mặc áo lính ở đây. Và cũng được biết thêm là vào những vụ rau bội thu, bộ đội ăn rau sạch không hết, Trung đoàn bán lại cho người dân quanh vùng với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Bà con đều thích “rau bộ đội”.

Theo trung tá Đặng Văn Tuân, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18, sắp tới sẽ mở rộng diện tích ao nuôi cá, tăng số lượng đàn bò, đàn ngan, vịt nhằm tăng thêm “chất tươi” cho bộ đội trong những dịp lễ tết mà không phải mua ngoài. “Thổ nhưỡng ở đây rất hợp để trồng bưởi Diễn và bưởi da xanh, ngoài 400 gốc bưởi hiện có, chúng tôi sẽ trồng thêm 300 gốc nữa để anh em cải thiện”, trung tá Tuân nói.

Theo đánh giá của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt. Chất lượng đảm bảo hậu cần cho các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên, đột xuất được nâng lên, nhất là bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, địa bàn trọng điểm.