Bất kể trời mưa hay đêm muộn, chỉ cần có cuộc gọi báo tin người gặp nạn trên đường, Lê Anh Tuấn (23 tuổi, quê Bình Dương) lập tức có mặt. Hai năm qua, Tuấn đã thực hiện gần 400 chuyến xe cấp cứu miễn phí, đưa nạn nhân đến bệnh viện, thoát lưỡi hái tử thần. Người ta gọi anh là “Hiệp sĩ bóng đêm”.
Cứu người, trao trả tài sản
Vừa cầm bát cơm, điện thoại của Tuấn đổ chuông liên hồi. “A lô! Xe cứu thương miễn phí phải không ạ? Ngã tư Quốc lộ 13 và đường Thích Quảng Đức có một vụ tai nạn, người bị nặng lắm”; “Anh ơi, trước cửa chợ Thủ Dầu Một có một người bị nạn khá nặng, anh tới liền nhé!”... Chỉ cần nghe biết địa chỉ là Tuấn lập tức lên đường.
Ít phút sau, Tuấn có mặt. Anh nhanh chóng xác định tình trạng nạn nhân rồi lấy hộp cứu thương băng bó, cố định vết thương trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Từng động tác của Tuấn thành thục chẳng kém bác sĩ chuyên nghiệp. Người dân thở phào khi thấy Tuấn trấn an nạn nhân.
Có ngày, Tuấn nhận được nhiều cuộc gọi báo có vụ tai nạn, giúp đỡ nhiều nạn nhân nhưng cũng có dạo, vài ngày mới phải đưa người vào viện một lần. “Những hôm nào lễ tết, các vụ tai nạn thường nhiều hơn, gặp nhiều nhất là nạn nhân luôn trong tình trạng say xỉn. Mình phải chạy đua với thời gian để kịp đưa nạn nhân vào viện sớm nhất, như vậy khả năng sống sót, hồi phục của họ sẽ cao hơn”, Tuấn nói.
Trong hàng trăm chuyến xe cấp cứu, giúp nạn nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần, rất nhiều kỷ niệm khiến Tuấn nhớ mãi. Hồi giữa tháng 8/2019, lúc đó đã 0h, một cuộc điện thoại báo có vụ tai nạn trên đường Phú Lợi (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), Tuấn tức tốc lái xe chạy đến hiện trường. Anh phát hiện nạn nhân nồng nặc mùi rượu, trên người có đem theo cọc tiền 50 triệu đồng và chiếc điện thoại di động, anh quyết định giữ hộ. Thế nhưng, trong lúc chờ liên hệ với người nhà, nạn nhân tự ý rời khỏi bệnh viện. Qua chiếc điện thoại, anh dò hỏi được địa chỉ của nạn nhân, tìm tới tận nhà người này ở thị xã Thuận An để trao trả tài sản.
Giúp người bị tai nạn giao thông nhiều người ngần ngại, nhưng với Lê Anh Tuấn là việc nên làm và phải làm. Hỗ trợ nhiều nạn nhân, Tuấn dần học cách sơ cứu, trong xe lúc nào cũng có đầy đủ bông băng, thuốc đỏ… để sử dụng.
Lo “chuyện bao đồng”
Với không ít người, thấy có tai nạn, họ nhanh chóng rời đi vì sợ. Trong khi Tuấn lại lao vào giúp đỡ. Vì sao? Chàng trai có nụ cười hiền lành nhưng ánh mắt cương quyết, chia sẻ: “Gia đình mình buôn bán nông sản ở chợ, mỗi ngày đều phải đi lấy hàng ở chợ đầu mối rất sớm. Vài lần mình bị tai nạn xe máy vì chó lao ra đường, hoặc người say xỉn lạc tay lái tông trúng. Lúc ấy trời còn tối, đường lại vắng, chẳng có ai giúp đỡ. Hiếm hoi có chiếc xe chạy ngang cũng không dám dừng lại vì sợ liên lụy. Từ đó mình luôn trăn trở về chuyện người ta không may gặp tai nạn giữa đêm như mình, lỡ bị thương nặng nguy hiểm đến tính mạng thì sao?”.
Tuấn nhớ lại vụ tai nạn cách đây 2 năm, khi đang lái xe đi giao hàng, anh gặp một vụ tai nạn giữa đường. Nạn nhân bất tỉnh, bê bết máu. Chẳng ngần ngại, anh đưa nạn nhân lên xe rồi chở vào bệnh viện. Nhờ cấp cứu kịp thời, nạn nhân qua cơn nguy kịch, sau đó bình phục. Và cái chuyện “bao đồng” này đến với Tuấn như một sứ mệnh. Những vụ tai nạn cứ lần lượt xảy ra trước mắt mà chẳng lần nào anh phó mặc nạn nhân. Một vài lần, sau khi cứu giúp, Tuấn đăng thông tin người bị nạn lên mạng xã hội nhờ mọi người chia sẻ tìm người thân.
Từ đó, mọi người biết việc làm của Tuấn nhiều hơn, điện thoại anh đổ chuông liên tục mà hầu hết là số lạ gọi cấp cứu, dù là ngày nghỉ lễ hay đêm khuya mưa gió…, Tuấn đều không từ nan. “Cứ nghĩ đến chuyện người ta nằm giữa đường xe cộ qua lại, chưa kể sẽ càng nguy hiểm nếu không đưa vào viện kịp thời là em lại không chịu nổi”, Tuấn chia sẻ.
Chỉ mong... thất nghiệp!
Trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng, Tuấn trải lòng một ngày bắt đầu từ 2-3h sáng, sau khi lấy rau củ quả ở chợ đầu mối, Tuấn về phụ gia đình buôn bán ở chợ Thủ Dầu Một. Công việc thường kết thúc lúc 19h, đây cũng là thời điểm Tuấn khoác lên mình chiếc áo dạ quang để bắt đầu cho việc cứu nạn.
Những chuyến xe đêm cũng đầy nguy hiểm cho chính Tuấn. Có lần đưa nạn nhân vào bệnh viện, anh giúp gọi người thân. Người nhà đến chưa kịp hỏi chuyện đã lao vào đánh vì nhầm Tuấn là người gây tai nạn. “Lúc đó mình chịu trận, nhờ người giải cứu. Sau khi hiểu chuyện, họ xin lỗi, cám ơn. Thật ra chuyện này cũng dễ hiểu, vì người bị nạn là chồng, là vợ, người thân nên bị kích động là đương nhiên. Sau nhiều lần xảy ra chuyện này, em tự có cách bảo vệ mình”, Tuấn chia sẻ.
Lê Anh Tuấn là con trai duy nhất. Dù đã quá quen với những chuyến xe vội vã lúc nửa đêm của con, nhưng ba mẹ Tuấn vẫn không khỏi lo âu, thấp thỏm khi anh ra khỏi nhà. Thương con, lo cho con là thế, ba mẹ Tuấn vẫn không ngăn cản mà còn hỗ trợ con hết mình. Mới đây, ba mẹ Tuấn còn “đầu tư” hẳn chiếc xe 16 chỗ mua lại từ người quen, rồi xin phép gắn thêm đèn ưu tiên, phù hiệu chữ thập đỏ, băng ca cứu thương, tủ chứa dụng cụ y tế… để con trai tiếp tục thực hiện vai trò “hiệp sĩ bóng đêm”.
Ông Lê Trung Tư (ba Tuấn) tự hào vì con mình biết suy nghĩ cho người khác. “Con mình làm việc tốt, mình cho con làm thôi chứ không ngăn cản. Việc này đâu phải ai muốn là làm được đâu, con người phải có cái tâm mới làm được. Tuy nhiên phải cân nhắc, cẩn trọng, đừng ráng sức quá, thức ngày thức đêm nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe”, ông Tư nói.
Điều duy nhất Tuấn nhận lại sau mỗi chuyến xe cấp cứu là những cuộc điện thoại cảm ơn từ những người mình đã giúp đỡ. Chàng trai 23 tuổi bộc bạch: “Mình không có mong mỏi gì ngoài chỉ mong là được... thất nghiệp. Đêm nào không có điện thoại báo tin là đêm đó mình thấy mừng vì mọi người ngoài kia đều bình an…”.
Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là phần thưởng cao quý của T.Ư Đoàn với mục đích tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 22 năm, đã có 220 gương mặt trẻ tiêu biểu được tuyên dương, bên cạnh đó là 220 gương mặt trẻ nhận danh hiệu Gương mặt triển vọng. Lê Anh Tuấn (23 tuổi, quê Bình Dương) là một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 ở lĩnh vực hoạt động xã hội.
(Còn nữa)