Những người mắc bệnh sau cần tránh xa thịt vịt

Mùa hè rất thích hợp để ăn thịt vịt bởi thịt vịt tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc và chữa bệnh… Tuy nhiên thịt vịt không phải tốt với tất cả mọi người.
Ảnh minh hoạ: Internet

Thành phần thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… đây là món ăn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, những người có dấu hiệu bệnh sau đây nếu ăn thịt vịt thì tình trạng bệnh sẽ trầm trọng hơn.

Người đang bị cảm

Theo Y học cổ truyền, thịt vịt tính hàn, hơi mặn, có vị ngọt, có nhiều tác dụng như bồi bổ cơ thể, bổ hư, lợi tiểu, ích tạng, giải nhiệt, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh như bệnh tim mạch, lao phổi hay ung thư… Do có tính hàn cho nên người đang bị cảm tuyệt đối không nên dùng thịt vịt để tránh bệnh nặng hơn.

Người bị bệnh gout

Những người mắc bệnh gout không nên ăn thịt, vì trong thịt vịt có lượng purin cao có thể làm tăng cao axit uric trong cơ thể.

Người mới phẫu thuật

Người mới qua phẫu thuật cần kiêng chất tanh cũng không nên ăn thịt vịt vì nó dễ làm cho vết thương lâu lành.

Người có hệ tiêu hóa kém

Thịt vịt mang tính hàn (lạnh) nên những người có hệ tuần hoàn kém lâu ngày làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch... cũng không nên ăn nhiều. Ngoài ra thịt vịt cũng khiến người có thể trạng hàn dễ bị các bệnh về cơ-xương-khớp.

Lưu ý: - Không ăn thịt vịt với thịt ba ba vì có nhiều hoạt chất sinh học, ăn chùng với nhau sẽ giảm giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu đã ăn vịt thì không nên ăn cùng quả mận, bởi mận tính nóng nên dễ sinh nóng ruột.

Một số món ăn, bài thuốc quý từ thịt vịt

- Tốt cho người bị viêm thận: Vịt một con làm sạch, bỏ lòng. Nhồi vào bụng vịt 50 g tỏi đã bóc vỏ, may lại, nấu chín, ăn cái, uống nước. Khoảng 2 – 3 ngày ăn một lần.

- Tốt cho người bị thiếu máu: Thịt vịt 1 kg, đậu đỏ 50 g, đậu phộng 100 g, vỏ bí đao 30 g, nấu thành canh để ăn.

- Tốt cho người bị hen suyễn: Thịt vịt nạc 300 g băm nhỏ, ướp gia vị, nước mía 300 ml, gạo tẻ 100 g ninh nhừ. Khi thành cháo, cho thịt vịt vào nấu chín. Ăn liền trong một tuần, mỗi ngày ăn 3 lần, ăn nóng.

- Tốt cho người huyết áp cao, đau đầu chóng mặt, mất ngủ:

Thịt vịt 100 g nấu 30 phút; giá đỗ trọng 30 g, nấm mèo trắng 30 g. Nấu thêm 15 phút. Ăn thịt vịt, nấm mèo, nước canh, bỏ đỗ trọng.

- Tốt cho người bị viêm phế quản mãn:

Vịt mái già một con, bách hợp tươi 300 g. Vịt mổ bụng bỏ lòng, cho bách hợp vào bụng, rưới 2 muỗng rượu, gia vị, bỏ đầu vịt vào bụng buộc chặt lại. Chưng cách thủy cho chín. Ăn thịt, lòng và bách hợp.

- Tốt cho người bị tiểu đường:

Vịt mái già một con khoảng 1,5 kg; ngọc trúc 50 g, mạch môn đông 50 g, rượu vang 30 g. Tất cả cho vào túi vải buộc miệng, ngâm nước lạnh 3 phút rồi bỏ vào bụng vịt. Đầu vịt gập vào bụng, lấy dây buộc lại, đặt vào chén to rồi cho vào nồi chưng tới khi vịt chín mềm, bỏ túi thuốc ra, vắt lấy nước.

Theo Giadinh.net