Những người đại kỵ với nhung hươu, đừng ăn kẻo 'thần dược' thành thuốc độc

TPO - Từ xa xưa, nhung hươu đã được xem là phương thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Tuy được coi là một dược liệu quý nhưng không phải ai cũng dùng được nhung hươu.
Ảnh minh họa: Internet

Trong nhung hươu chứa các thành phần quí hiếm, bổ dưỡng như calci photphat, calci cacbornat, chất keo, cùng một số nguyên tố vi lượng, Fe, Mg, hormon pantocrin, … Huyết nhung và nhung yên ngựa là quý nhất. Nhung cắt xong cần chế biến ngay, để lâu sẽ thối rữa.

Theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày – ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid… Liều mạnh gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh, giật cơ, co giật hay đông huyết.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, nhung hươu tươi có vị ngọt, tính ôn, mặn, vào kinh thận, tâm can, tâm bào,nhung có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ… Từ lâu đời, các thầy thuốc Đông y Trung Quốc và Nhật đã dùng nhung như vị thuốc bổ, giúp cơ thể lâu già, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp. Nhung hươu có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng hoạt tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, tắc tia sữa, tử cung lạnh.

Các nhà chuyên môn khẳng định rằng, sử dụng nhung hươu với mục đích tăng cường sức mạnh cho quý ông, tác dụng hiện vẫn chưa được kiểm chứng. Do nghe theo những lời đồn thổi mà nhiều người mang vạ vào thân. Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, các thành tố trong nhung hươu giúp bổ sung dinh dưỡng cho xương chắc khỏe, cung cấp thêm sinh tố để sinh tuy, sinh tinh, cải thiện chức năng gân xương, dùng cho người cơ thể xanh xao, thiếu máu, trẻ kén ăn, chậm lớn, người cao tuổi cải thiện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.

Tuy nhung hươu là thuốc bổ và có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng không phải thuốc tiên chữa bách bệnh, mà bạn phải biết dùng và dùng đúng mới tốt cho sức khoẻ. Đông y khuyên những người béo phì, đờm nhiều, hay mệt mỏi, có thấp đàm nhiều không được uống. Người tì hư hàn không được uống. Người gan nóng, huyết áp cao, viêm thận nặng cũng không được uống. Ăn nhung hươu còn có thể bị lở ngứa đối với người có cơ địa dị ứng.

Nếu người gầy, trong mình nóng, thiếu máu hay mất máu, viêm phế quản, khạc đờm vàng, sốt, bệnh truyền nhiễm, bụng sôi, đầy bụng, đau bụng đi ngoài, người bị nóng do âm hư sinh nội nhiệt, người hẹp van tim cũng không nên dùng nhung. Đã có trường hợp do không biết cách chế biến, không cạo lông nhung nên tuy ngâm rượu mà chất bổ không ra, uống phải lông nhung sau 1 tháng bị viêm ruột, viêm đường tiêu hóa... Khi ruột đã bị viêm do lông của nhung hươu thì cực kỳ khó chữa.

ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết: "Nhung được chia làm 3 phần: Phần ngọn dùng cho trẻ em; phần giữa dùng cho người suy kiệt; phần dưới dành cho người cao tuổi. Liều khởi đầu thấp, sau tăng từ từ. Việc dùng liều cao ngay từ đầu sẽ làm tổn hại âm khí".

Tuy nhung hươu là thuốc bổ và có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng không phải thuốc tiên chữa bách bệnh, mà bạn phải biết dùng và dùng đúng mới tốt cho sức khoẻ. Ảnh minh họa: Internet

Để dùng nhung hươu ngâm rượu có hiệu quả bồi bổ cơ thể và nâng cao sức đề kháng, tăng cường chức năng sinh lý bạn chỉ cần uống 1-2 chén vào mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Nhung rất bổ nhưng chỉ dùng khi thật cần thiết và ngưng sau 2 – 3 tuần vì dùng lâu và liều cao sẽ làm nứt thịt. Tự ý sử dụng lộc nhung không đúng bệnh, đúng liều cơ thể khoẻ hơn.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý kẻo mua nhầm nhung giả.

Để phân biệt thật giả, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng cho hay nhung hươu màu nâu tím phân bố dày trên nhung mao, có nhiều mạch máu nuôi dưỡng. Kể cả khi bạn cẩn trọng đến tận nơi nuôi hươu để lấy nhung cắt tại chỗ thì cũng nên tinh ý chọn loại tốt, chất lượng. Nhung tốt là loại nhung mềm chưa phân yên, dùng dao cắt được hết phần nhung chứ không đụng xương tảng. Đừng để trường hợp bạn phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua được lộc nhung thật nhưng lại đem về loại nhung đã hóa sừng, không có tác dụng gì.