Nhờ tinh thần dũng cảm, nói không với tham nhũng, tiêu cực của họ, nhiều quan tham đã phải ngồi tù. Từ số báo này, Tiền Phong khởi đăng loạt bài “Những người chống lại quan tham”.
Bài 1: Ông Chánh oánh Chủ tịch huyện
Chánh văn phòng UBND quận Ô Môn (TP Cần Thơ) Phùng Chí Công đi bộ đội năm 1972, năm 1978 chuyển ra dân sự theo chủ trương tăng cường xây dựng chính quyền cơ sở, tính điềm đạm từ tốn nhưng không khoan nhượng với tham nhũng dù liên quan đến cấp trên.
Đưa chủ tịch huyện vào tù
Những năm 1998-2000, ông Công tham gia đấu tranh làm rõ vụ “quỹ đen” của lãnh đạo huyện Ô Môn. Kết quả, Chủ tịch UBND cùng một số cán bộ chủ chốt của huyện vào tù, nhiều người khác bị kỷ luật với các hình thức khác nhau. Nhưng bản thân ông và gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Hồi đó, nhà ông có bán giải khát, một đám côn đồ cầm gậy gộc, mã tấu đến ngồi suốt ngày đêm. Chúng hăm he vợ con ông và chặn đường đánh ông mấy lần.
Ông kể: “Rất căng thẳng, khó khăn vì đám côn đồ ấy được các vị tiêu cực trong lãnh đạo huyện, công an huyện thuê, nên khi tôi báo cáo đề nghị giúp đỡ, không ai đếm xỉa. May nhờ dịp bộ đội hành quân huấn luyện, họ biết nên giúp đỡ mới giải tỏa được”.
Con gái ông tốt nghiệp đại học sư phạm, dù nhiều nơi đang thiếu giáo viên thì cũng mất hai năm chạy vạy mới được đi dạy ở vùng sâu. Năm 2004, chia huyện Ô Môn thành quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ, ông là Phó phòng Nông nghiệp nhưng không được bố trí công việc. Nhờ cán bộ hưu trí đấu tranh, ông được xếp làm Phó chánh văn phòng UBND quận Ô Môn và năm 2005 lên Chánh văn phòng.
Mấy năm gần đây, ông đấu tranh với tình trạng tham nhũng trong xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản công. Điển hình là vụ mua máy phát điện đặt tại trụ sở UBND quận, được giao cho Phòng Quản lý Đô thị thực hiện. Đấu thầu máy mới, giá 446.950.000 đồng, nhưng khi giao nhận lại là một chiếc máy cũ với bộ hồ sơ giả. Bất bình, ông Công đấu tranh hơn 2 năm, đến đầu năm 2010 mới chuyển được hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an quận.
Còn vụ xây dựng tuyến đường điện trị giá 1,2 tỷ đồng được kê lên 1,7 tỷ đồng, và vụ làm công viên ở trụ sở phường Thới Long lập hồ sơ hợp thức tới 682 triệu đồng, quá xa thực tế, bước đầu cũng đã được làm rõ. Có 3 cán bộ liên quan đã bị kỷ luật, ông Trưởng phòng Quản lý Đô thị Huỳnh Thanh Danh, GĐ Ban quản lý dự án Nguyễn Hữu Sáu, Phó phòng Tài chính Lâm Quốc Hùng bị cảnh cáo Đảng và điều về Phòng Nội vụ chờ xử lý tiếp.
Hiện ông Phùng Chí Công đang kiên trì làm rõ tiêu cực ở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của quận. Ông cho biết, từ năm 2004 đến nay, Ban này chi khoảng 5 tỷ đồng, cần thanh tra vì gần đây đã phát hiện chi xấp xỉ 700 triệu đồng sai quy định. Vụ này có liên quan đến bà Phó chủ tịch thường trực UBND quận (vừa nghỉ hưu) kiêm nhiệm phụ trách ban này.
Không khoan nhượng
Ông Công tâm sự, đấu tranh với hành vi tham nhũng của cấp trên trực tiếp và đồng cấp trong quận rất khó khăn vì có nhiều mối liên hệ về quyền lợi cá nhân.
Như vụ mua máy phát điện, sai phạm đã rõ ràng nhưng điều tra mấy tháng rồi chưa kết luận được. Mới đây, tôi nói với Trưởng công an quận, nếu làm không nghiêm túc, tôi sẽ tố cáo”, ông Công nói. Hoặc vụ đường dây điện, chưa xử lý được đến nơi đến chốn vì Chánh thanh tra báo cáo không trung thực.
Theo ông Công, khó khăn nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay khiến người đấu tranh với tham nhũng phải đắn đo rất nhiều là tư duy “thành tích chung”. Người ta quan niệm có gì sai trái thì đóng cửa bảo nhau, không để dư luận biết chuyện xấu ở quận. Nên khi xử lý cũng muốn ém nhẹm, bưng bít.
Ông Công kể, vì thế mà ông Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy từng phê bình ông gửi đơn tố cáo lên thành phố và Trung ương. “Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ những người dân bị bệnh không có tiền chữa, trẻ con không được đến trường vì không có tiền, càng thấy tham nhũng hàng trăm triệu đồng là không thể cho qua.
Tham nhũng phải bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức, nếu tự nguyện đầu thú, nộp lại tiền thì có thể miễn trách nhiệm hình sự chứ nhất định không thể cảnh cáo, phê bình qua loa. Phải công bằng, nghiêm minh trong Đảng thì mới có công bằng, nghiêm minh ngoài xã hội”, ông tâm sự
Để chống tham nhũng có kết quả, theo ông Công, phải nắm chắc chứng cứ, tìm hiểu kỹ pháp luật và tiến hành tuần tự, nhẹ nhàng, đặt lợi ích chung lên trên hết. Kiên trì như thế dù ban đầu có khó khăn nhưng dần dần sẽ được nhiều người ủng hộ, công lý sẽ thắng.
Nhiều vụ tham nhũng, ông Công đấu tranh hàng năm trời trong quận và thành phố nhưng không được xử lý, ông mới gửi đơn lên Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương và báo chí. Ông kể: “Nhiều người lúc đầu chỉ ủng hộ ngầm, khi thấy tôi kiên cường đã công khai ủng hộ. Hiện tôi có thuận lợi là lãnh đạo UBND quận và Quận ủy nhiệm kỳ này không dính đến tiêu cực nên ủng hộ và chỉ đạo kiên quyết”.
“Trong đấu tranh chống tham nhũng, mong muốn nhất của ông là gì?”, PV Tiền Phong hỏi. Ông Công trả lời: “Vạch ra tham nhũng rất gian khổ, mong xử lý đừng qua loa, cần xử lý cả người bao che tham nhũng, và có quy định bảo vệ người chống tham nhũng để khuyến khích việc chống tham nhũng”.
Những năm qua, ông Phùng Chí Công đã chủ trì xây dựng được mô hình tiếp dân một cửa liên thông từ UBND quận xuống các phường trở thành điển hình của TP Cần Thơ.
Hiện ông đang tổ chức xây dựng mô hình cửa điện tử ở Văn phòng UBND quận. Người dân đến liên hệ, không còn thao tác thủ công mà có hệ thống bảng điện tử và màn hình cảm ứng tự động phục vụ, giấy hẹn cũng tự động in ra. Quá trình giải quyết, người dân có thể biết được hồ sơ đang đi đến đâu. Đây là mô hình thí điểm của TP Cần Thơ.
Theo một nguồn tin, ông Phùng Chí Công là một trong số ít cán bộ sẽ được tuyên dương vì có thành tích chống tham nhũng vào cuối tháng 8-2010, do Văn phòng BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức.
Còn nữa