> Gia tộc đại dương
> Cứu hai tàu cá và 15 ngư dân gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa
Sói biển Bốn Cằn
Với 45 năm lênh đênh câu cá ngừ đại dương loại một ở TP Tuy Hòa (Phú Yên), lão kình ngư Trần Bính (67 tuổi) được thần chết trả về sau một tai nạn hy hữu trên quần đảo Trường Sa.
Trần Bính đi biển từ lúc 12 tuổi. Cha đi bộ đội tập kết ra Bắc. Ở nhà chỉ còn người mẹ mù lòa. “Không có tiền ăn học, không có cơm nuôi mẹ mù, tui đi biển, vậy thôi”.
Thương đứa con trai duy nhất đối mặt với biển cả hiểm nguy khi tuổi còn quá nhỏ, người mẹ tìm mọi cách ngăn cấm, buộc cậu lên bờ để đi làm thuê.
“Mẹ kêu người lên tất cả các tàu chuẩn bị ra biển để tìm. Tui hết cách đành chui xuống dưới đống lưới mà nấp. Rồi ngủ quên luôn dưới đó cho đến khi tàu ra đến vùng biển Trường Sa. Khi thả lưới xuống đánh cá người trên tàu mới phát hiện ra tui. Đời tui gắn với biển từ đó, bao phen nguy hiểm, tui không thể bỏ nghề…”, lão ngư Trần Bính nhớ lại.
Để rồi ông nổi danh trong vùng với cái tên “sói biển” Bốn Cằn. Bốn là thứ Bốn, còn “cằn”, tiếng địa phương là chỉ sự tằn tiện, đi biển là câu lúc nào đầy cá mới chịu về.
Trở lại với vụ tai nạn trên biển mới đây khiến sói biển Bốn Cằn lao đao. “45 năm sống trên biển, tui chưa bao giờ thấy biển lại khốc liệt như trưa ngày 13-9 vừa rồi” - Bốn Cằn kể.
Trên đường chạy vào đảo Song Tử Tây tránh bão, những cột sóng cao hơn ngôi nhà 2 tầng bổ nhào xuống tàu, nước tràn vào khoang khiến máy móc tê liệt.
Con tàu chao đảo rồi chìm nhanh, khi chỉ còn cách đảo chỉ vài chục mét. Sáu ngư dân trên tàu ai nấy vơ vội can nhựa, phao xốp nhảy xuống biển phó mặc may rủi, trôi dạt mỗi người một hướng, bị sóng lớn đánh tơi tả, kiệt sức.
Được bộ đội đảo Song Tử Tây cứu, mới biết mình còn sống. Bốn Cằn nhờ điện thoại gọi về cho gia đình.
“Lúc nghe điện báo tàu chìm rồi, cả nhà tui ngã xuống nền nhà ngất xỉu. Mãi lâu sau mới biết ổng và 6 ngư dân được bộ đội ở đảo Song Tử Tây cứu và đưa vào bờ. Giây phút đó tui mới sống lại”, bà Nguyễn Thị Lèo, vợ Bốn Cằn, kể.
Ghé cảng cá Tuy Hòa, hỏi về Bốn Cằn, mọi người nói ổng bị bão cướp mất thuyền, nay đang chạy loanh quanh xin đi làm bạn (làm thuê trên tàu).
Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá P.6, Tuy Hòa, ông Phan Thuẫn, cho biết: “Sói biển Bốn Cằn là người bám trụ với nghề câu cá ngừ đại dương lâu nhất ở Tuy Hòa này. Từ khi con cá ngừ có mặt ở đất liền là có Bốn Cằn. Mất thuyền, ông đi làm bạn cho người ta, chứ không chịu bỏ nghề”.
Vẫn trở lại với biển dù là làm thuê
Thuyền trưởng Lê Anh Dũng (tàu cá PY 90937 TS, Phú Yên) buồn kể: “Tổng tài sản tui gom góp sau hơn 30 năm khoảng 1,7 tỷ đồng đã bị nhấn chìm giữa biển, một cắc cũng không còn. Vay mượn họ hàng đóng tàu mới nhưng còn dở dang vì thiếu đủ thứ. Giờ đành tạm ra khơi đi làm thuê tích lũy vốn liếng để đóng xong tàu mới, tiếp tục bám biển”.
Ngư dân Võ Văn Ngọc (Phú Yên), kể: “Nhiều lần, anh em rời bến ra khơi vừa tròn một tuần, câu được 12 con cá ngừ đại dương loại lớn, tới nửa tạ mỗi con thì gặp nạn. Sóng lớn nhấn chìm tàu, “lộc biển” đành trả lại cho biển, trở về trắng tay. Người còn sống là quan trọng. Trở về lại có cơ hội quay lại với biển khơi”.
Tính đến thời điểm này, thuyền trưởng Trần Tấc, tàu QNg 90522 TS (Quảng Ngãi) đã có 35 năm bám biển Trường Sa. “Nhiều lần chúng tôi đối mặt với cảnh ngư dân nước ngoài lấn ngư trường mình, bị cướp hết tài sản. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Hải đội 201, Vùng Cảnh sát biển 2 thì toàn bộ cơ nghiệp của chúng tôi chẳng còn”, anh Tấc nói.
Cũng được người dân trong vùng mệnh danh là vua cá ngừ đại dương với thâm niên 40 năm bám biển, ông Trần Hồng (Hoài Nhơn, Bình Định) từng nhiều phen chết đi sống lại giữa đại dương.
Mỗi lần may mắn được thần chết trả về, ông lại tặc lưỡi đùa “mệnh của mình do biển quyết định, sống hay chết cũng về với biển mà thôi”. Năm 17 tuổi, Trần Hồng theo cha bám biển, từ đó nghiệp đánh cá theo ông đến tận bây giờ.