Một đường dây buôn bán thận vừa được phanh phui đang làm rúng động Campuhia – một đất nước cũng là điểm nóng của buôn lậu, nhưng lần đầu tiên phát hiện một vụ buôn bán nội tạng.
Như vậy, danh sách các quốc gia đang đối mặt nạn buôn bán nội tạng lại được nối dài, những nơi mà cuộc sống khốn khó khiến người dân phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe quý giá của mình để lấy vài nghìn đô la.
Vụ buôn bán nội tạng tại Campuchia bắt đầu hé lộ hồi tháng 6 năm nay khi Chhay, một thanh niên 18 tuổi ở ngoại ô Phnom Penh tới trình báo cảnh sát về việc cậu đã được một phụ nữ môi giới để bán thận cách đây 2 năm.
Khi ấy, cậu đã được đưa từ một căn nhà xập xệ ở ngoại ô Thủ đô Phnom Penh tới một bệnh viện ở quốc gia láng giềng, phẫu thuật cắt bỏ thận và được nhận 3.000 USD.
Tại căn nhà tồi tàn nhà Chhay sống cùng 9 người thân, cậu kể rằng một người hàng xóm đã thuyết phục cậu cùng 2 người anh em khác bán thận cho những người Campuchia giàu có.
Người phụ nữ mà Chhay nhắc tới sau này đã bị cảnh sát Phnom Penh bắt và khởi tố về tội môi giới cho một đường dây buôn bán nội tạng trái phép. Cha dượng của người phụ nữ này cũng bị bắt và hiện cả hai người đang bị tạm giam để chờ ngày ra tòa.
Về phần Chhay, chỉ với 3.000 USD nhận về, anh vẫn không hề thoát khỏi nợ nần sau hành động dại dột đó. Không những vậy, dù đang ở tuổi thanh niên sung sức, việc mất thận đã biến anh trở thành một kẻ yếu ớt, không thể lao động nặng nhọc được nữa.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trường hợp suy giảm sức khỏe như Chhay khá phổ biến, do những người bán nội tạng không được chăm sóc hậu phẫu tốt.
Chuyến đi bí mật của Chhay bị phanh phui đã khiến người dân Campuchia không không khỏi sốc, vì đây là một trong những vụ buôn bán nội tạng đầu tiên bị phát hiện ở nước này.
Thế nhưng, điều mà người ta lo ngại là những gì được đưa ra ánh sáng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và rất có thể còn nhiều nạn nhân khác của nạn buôn bán nội tạng trái phép vẫn chưa được phát hiện.
Ở châu Á, các câu chuyện tương tự như của Chhay đã xuất hiện từ lâu, nhất là tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Nepal, và cả Việt Nam. Sự khan hiếm nội tạng phục vụ hoạt động cấy ghép đã khiến thị trường chợ đen buôn bán tạng trên toàn cầu liên tục phát triển, và đã có một số đường dây buôn bán nội tạng lớn bị phanh phui.
Trung Quốc là một trong những thị trường mua bán nội tạng bất hợp pháp lớn nhất thế giới, vì thế đây cũng là nơi mà nhiều đường dây buôn bán bị phát hiện nhất. Năm 2012, cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá một đường dây lớn chuyên buôn lậu nội tạng người, bắt 137 nghi phạm và giải cứu 127 người bán nội tạng.
Cũng trong năm 2012, Trung Quốc cũng chứng kiến một vụ án kinh hoàng. Đối tượng Zhang Yongming 56 tuổi, giết người hàng loạt ở tỉnh Vân Nam rồi đem nội tạng ra chợ bán.
Theo kết quả điều tra, trong 4 năm, Zhang đã giết 11 thanh thiếu niên trong tổng số 17 người được thông báo mất tích tại làng Nanmen, nơi y sinh sống. Tên này sau đó đã bị tòa án Côn Minh ở tỉnh Vân Nam tuyên án tử hình.
Nam Phi cũng từng phát hiện một vụ mua bán và cấy ghẹp thận “chui” tại Bệnh viện Netcare KwaZulu thuộc Tập đoàn Netcare. Theo đó, tập đoàn này đã thực hiện 109 ca phẫu thuật ghép thận "chui" trong 2 năm, thu lợi khoảng 550.000 USD từ những kẻ buôn nội tạng, trong đó có cả những vụ lấy thận của 5 trẻ em.
Trong một vụ việc khiến dư luận thế giới choáng váng, ba bác sĩ và người cầm đầu trong một đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia đã bị bắt giữ ở Ukraina sau khi hơn 30 người bán thận gửi đơn kêu cứu lên cơ quan cảnh sát vì không được thanh toán tiền. Phần lớn khách hàng của các đối tượng này là người Ukraina di trú.
Mỗi ca bán thận, nhóm kiếm được số tiền lên tới 200.000 USD và dùng các khoản thu nhập này đầu tư vào bất động sản lên tới hàng triệu đôla.
Cảnh sát Bangladesh năm 2013 cũng triệt phá một đường dây mua bán nội tạng người và bắt giữ ba người có liên quan. Theo đó, hàng chục người đã bị đường dây này dụ dỗ bán thận.
Khoảng 5 người khác cũng đã đồng ý bán thận nhưng chưa bị phẫu thuật lấy thận. Các nạn nhân đều là dân nghèo ở vùng Kalai xa xôi và họ chỉ được nhận từ 2.000 – 3.000 USD cho mỗi lần bán thận.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 70.000 quả thận được ghép cho các bệnh nhân trên toàn cầu, trong đó có khoảng 15.000 quả thận có nguồn gốc từ thị trường buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng rất khó phát hiện ra những vụ mua bán bất hợp pháp này, nếu như nạn nhân không tự nói ra.
Câu chuyện về chàng thanh niên Chhay ở Campuchia một lần khiến người ta nhức nhối về thực trạng buôn bán nội tạng ở nhiều quốc gia hiện nay, cùng với đó là sự day dứt về số phận con người – những con người mà cuộc sống khốn khó khiến họ phải chấp nhận từ bỏ một phần cơ thể mình.