Những đại học có điểm chuẩn nhóm ngành Kinh tế cao nhất 2020, năm nay liệu có tăng?

TPO - Nhóm ngành Kinh tế luôn có sức hút và hot nhất với thí sinh trong vài năm qua. Năm ngoái, điểm đầu vào của ngành này tại các trường đều ở mức cao. Thậm chí có những trường, thí sinh phải đạt trung bình trên 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Năm 2020, các trường kinh tế như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân... luôn nằm trong top đầu cả nước về chất lượng đầu vào tương đương với mức điểm chuẩn cao chót vót. Điểm chuẩn vào ngành Quản trị kinh doanh luôn dao động ở mức 25 - 28 điểm.

Đặc biệt, trong năm 2020, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngoại thương lấy tới 27,95 điểm; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân lấy 27,2 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều thí sinh đạt trung bình 9 điểm mỗi môn vẫn có nguy cơ trượt vào ngành này của trường.

Năm 2020, điểm chuẩn nhóm ngành Kinh tế - Kinh tế Quốc tế tại Trường Đại học Ngoại thương là 28 điểm. Đặc biệt chuyên ngành Kinh tế đối ngoại là 28,6 điểm (đối với trụ sở Hà Nội).

Còn điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân đối với các ngành Kinh tế đều trên 27 điểm. Trong đó, điểm chuẩn ngành Kinh tế Quốc tế là 27,75 điểm.

ĐH Thương Mại lấy ngành Kinh doanh quốc tế (Thương mại quốc tế) và Kinh tế quốc tế đều 26,3 điểm.

Điều dễ nhận thấy, điểm chuẩn vào trường Đại học Thương mại năm 2020 đều khá cao, từ 24-26,7, cao nhất là ngành Marketing (Marketing thương mại) lấy 26,7 điểm.

Cả 26 ngành đào tạo của trường có điểm chuẩn cao và tương đối đồng đều, tập trung 24-25. Hai ngành thấp nhất là Kế toán (Kế toán doanh nghiệp - Chất lượng cao) và Tài chính - Ngân hàng (Tài chính - Ngân hàng thương mại - chất lượng cao) cùng lấy 24.

Tương tự, năm 2020 trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội lấy điểm chuẩn các ngành dao động từ 30,57 đến 34,5 điểm (thang điểm 40) Ngành Kinh tế quốc tế là ngành có điểm chuẩn cao nhất và ngành có điểm thấp nhất là ngành Quản trị kinh doanh.

Các ngành đều lấy điểm môn Toán >= 8,2 điểm, riêng ngành Kế toán điểm môn Toán phải cao >= 9,2 điểm.

Còn mức điểm chuẩn Học viện Ngân hàng đối với ngành Kinh tế là 25 điểm.

Nếu kết quả thi thấp hơn mức trên, vẫn còn một số lựa chọn khác để thí sinh tham khảo. Một số trường kỹ thuật cũng đào tạo nhóm ngành Kinh tế như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Công nghiệp,… với mức điểm chuẩn khoảng 23,5 – 25,75 điểm.

Điểm chuẩn liệu có tăng?

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán (Hà Nội), dựa vào điểm chuẩn các khối, dự đoán điểm chuẩn các trường khối A, B, hầu hết điểm chuẩn sẽ giảm từ 0.5 - 1 điểm. Khối A1 điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ từ 0.5 - 1 điểm. Khối D, điểm chuẩn sẽ tăng khá mạnh từ 1 - 2 điểm.

Cũng theo thầy Tùng, dự kiến điểm chuẩn theo top các trường đại học thì ở trường tốp đầu sẽ ít biến động, tương tự năm 2020. Các ngành hot vẫn tăng từ 0.5 - 1 điểm: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Công nghệ thông tin, Kinh doanh quốc tế, Truyền thông, Báo chí,...

Dựa vào mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, điểm chuẩn năm nay vẫn sẽ cao nhưng sẽ không tăng quá cao. Một số ngành "hot" có thể tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm. Do đó thí sinh có thể dựa vào điểm thi năm ngoái để điều chỉnh nguyện vọng.

TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, năm 2020, mức điểm chuẩn thấp nhất của trường là 24,4 xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến, năm nay mức điểm chuẩn thấp nhất cũng sẽ tương đương năm ngoái. Một số ngành khác điểm chuẩn có thể “nhích” lên từ 0,5-1 điểm so với năm 2020. Ngoài ra, dự kiến điểm chuẩn chương trình chất lượng cao cũng sẽ tăng.

GS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, với các ngành top đầu như Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu (năm ngoái lấy 29,04 điểm), năm nay xét tuyển sẽ bớt căng thẳng do môn Toán, Lý, Hóa, những môn chủ đạo trong tổ hợp xét tuyển của trường, có ít điểm 10.

"Dù vậy, điểm chuẩn các ngành top đầu vẫn có thể nhích lên", ông Điền nói.