Những đặc sản không phải ai cũng dám thử ở Tây Bắc

Sâu tre được người Thái hấp hoặc chao trên dấu nóng, có vị béo ngậy và chấm cùng nước măng chua.

Sâu tre

Loài sâu này chỉ sống trong thân cây tre nên rất sạch. Người Thái đi rừng sẽ chọn những cây tre đang lớn bị tù đầu không thể cao, phần thân dưới to hơn những cây tre khác nghĩa là trong đó đang có sâu làm tổ. Mỗi tổ có thể cho ra hàng cân sâu. Sâu tre có thể hấp hoặc chao trên dầu nóng. Do món này rất ngậy và giàu đạm nên phải có thứ nước chấm đặc trưng đi kèm là nước măng chua.

Cá nướng (Pa pỉnh tộp)

Đồng bào người Thái sống chủ yếu dựa vào sông suối, ao hồ. Cá tôm là nguồn nuôi sống chính. Từ con cá có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Cá sống mổ làm sạch ướp nhiều loại gia vị, sau đó kẹp nhân thịt, gấp đôi lại nướng trên than hồng. Món ăn này có vị thơm, ngậy, thịt cá ngọt, dai, vị đượm thì sẽ đạt chất lượng.

Gỏi cá

Cá trắm, cá mè còn tươi sống, lột bỏ xương và da lấy phần thịt trộn đều với rau rừng và rau thơm, cuối cùng cho thêm nước măng chua. Đặc trưng của món ăn này là không bị tanh, nước măng làm chín thịt cá, hương hạt tiêu và hoa chuối rừng sẽ bật lên vị chát nhẹ và chua dịu.

Nộm da trâu

Món nộm này chỉ được làm khi gia đình có hiếu hỷ, hoặc nhà có khách quý, bởi sơ chế rất mất thời gian. Da trâu làm sạch, thái mỏng, đập giập ướp nhiều gia vị. Khi ăn sẽ có cảm giác dòn, dai, rau thơm và hạt tiêu rừng khiến những vị khách khó tính không để đôi đũa nghỉ.

Cá khô một nắng

Thường người Thái sử dụng cá suối loại nhỏ, khi bắt lên bờ sẽ ướp muối, ớt, hạt tiêu rừng rồi phơi nắng. Khi ăn chỉ cần kẹp vỉ nướng than hồng.

Thịt băm gói nướng (Nhứa pho)

Thịt trâu, bò hoặc lợn đều có thể làm món này. Thịt băm nhỏ độn thêm rau để ăn đỡ ngấy, cùng gia vị trộn đều. Lấy lá dong hay lá cây giềng, lá chuối gói kỹ rồi nướng trên bếp lửa. Các lớp lá bên ngoài sẽ bị cháy xém, toả ra mùi thơm hấp dẫn. Mùi thơm này cũng sẽ được thịt hấp thụ để tạo ra hương vị riêng.

Rêu đá

Làm món ăn này rất công phu, tốn nhiều thời gian và công sức vì rêu chỉ mọc theo mùa từ tháng 9, tháng 10 âm lịch đến hết tháng 3. Rêu đá là món ăn không phải ai cũng dám thử, tuy nhiên rêu sau khi lấy về làm sạch chỉ để được sau hơn 2 tiếng là hỏng nên phải chế biến ngay. Rêu thường mọc ở nơi các nguồn nước chảy mạnh. Có nhiều loại rêu đá nhưng loại được ưa chuộng nhất thường mọc thành sợi dài bám vào mỏm đá ở suối. Người ta lấy bằng cách tách từng đoạn nhưng không lấy phần sát viên đá vì nó già, ăn không ngon, sau đó dùng chày gỗ đập rêu để làm bung lớp đất cát bám bên ngoài rồi nhặt sạch. Món rêu có thể làm canh, nộm, nướng… Gia vị để tạo nên món ăn này là gừng, mùi, hạt tiêu rừng, có thể thêm ớt nướng giã nhỏ. Khi ăn có vị dẻo thơm, dậy mùi gia vị cay cay, tê tê ở đầu lưỡi.

Nộm hoa ban

Hoa ban chỉ nở vào tháng 3 đến 5 nên để thưởng thức món này du khách phải tìm về Tây Bắc đúng dịp. Cách chế biến rất đơn gian, nụ và hoa của cây ban vừa hái được làm sạch và luộc qua, sau đó ướp gia vị. Vị chua chát nhẹ thường ăn kèm với các món nướng để đỡ ngấy.

Măng rừng

Mọc vào mua mưa, có hai loại măng đắng và măng ngọt. Trong đó, măng đắng thích hợp cho những người ưa nhậu bởi vị đắng khi đưa vào miệng sau sẽ chuyển thành vị ngọt nhẹ. Măng có thể nướng, luộc, ngâm với dấm ớt để làm gia vị.

Lạp sườn hun khói

Nguyên liệu chính vẫn là thịt lợn ba chỉ, lòng lợn và gia vị. Thịt chế biến xong được ướp ngấm gia vị và nhồi vào lòng, để lên gác bếp. Khói bếp sẽ tạo ra hương thơm đặc trưng và độ ngậy vừa phải cho món ăn.

Nhót xanh chẩm chéo

Gia vị đồ chấm tạo nên món ăn này. Với bắp cải, tỏi tươi, gừng, nhót chấm với muối chẩm chéo hoặc nước mắm được pha chế cầu kỳ từ nhiều loại rau củ. Khi ăn có cảm giác cay của gừng tỏi ớt nướng, chát của nhót, quện vị hạt tiêu rừng. Người nếu đã ăn món này một lần sẽ nhớ mãi vì chỉ cần nói đến tên thôi sẽ lập tức lên cơn thèm.

Theo Theo Vnexpress