Những công trình khoa học tiêu biểu của 9 tài năng trẻ nhận Giải thưởng Khuê Văn Các

TPO - Tất cả 9 nhà khoa học trẻ đầu tiên trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhận Giải thưởng Khuê Văn Các năm nay đều có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học, có nhiều công bố trong nước và quốc tế, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao, giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội.
Kết quả nghiên cứu từ công trình tiêu biểu của ThS Trần Linh Huân giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có cơ sở cần thiết để thúc đẩy, vận hành hiệu quả mô hình ngân hàng xanh và tận dụng những lợi ích do ngân hàng xanh mang lại.
Nghiên cứu tiêu biểu của ThS. Tạ Thanh Trung phát triển hệ thống thang đo sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá năng lực của học sinh trung học tại các trường phổ thông trong các hoạt động giáo dục STEM/STEAM. Công cụ này không chỉ hỗ trợ các nhà giáo dục và nhà nghiên cứu tại Việt Nam mà còn có giá trị tham khảo cho cộng đồng giáo dục quốc tế, giúp các nhà giáo dục có thể đánh giá một cách chính xác hơn hiệu quả của các chương trình giáo dục STEAM, từ đó điều chỉnh và cải thiện phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Kết quả phân tích từ nghiên cứu nổi bật của TS. Lê Trần Phước Mai Hoàng đã xác định tám nhóm người chống xa xỉ trực tuyến: người xa xỉ thực sự, người yêu thiên nhiên, người theo đuổi lối sống tối giản, người phản đối mua sắm, người tiêu dùng với kỳ vọng cao, người bảo vệ môi trường tự nhiên, người tiêu dùng chống phân biệt đối xử và người phản đối chính trị lịch sử. Giá trị thực tiễn của nghiên cứu đã nêu mức độ phản đối và sự tách biệt đối với các thương hiệu xa xỉ của từng nhóm được phân tích. Từ đó đề xuất các chiến lược tương tác để thương hiệu có thể tái kết nối với các nhóm này hoặc giảm thiểu sự phản đối của họ.

Nghiên cứu tiêu biểu của TS. Phan Tấn Lực đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chủ đề ý định khởi sự kinh doanh xã hội và là nền tảng lý thuyết vững chắc cho các nghiên cứu về ý định khởi sự kinh doanh xã hội trong tương lai. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách đề xuất các giải pháp nhằm làm tăng ý định khởi sự kinh doanh xã hội trong giới trẻ và giúp các tổ chức giáo dục xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp nhằm khuyến khích khởi sự kinh doanh xã hội, góp phần tạo ra giá trị xã hội bền vững.

Công trình nghiên cứu nổi bật của TS. Phan Duy Anh là “Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại”, khám phá mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong bầu cử và chu trình chính sách công ở Mỹ hiện đại.

ThS Nguyễn Hữu Hoàng có công trình khoa học tiêu biểu về "Thích ứng xã hội của người cao tuổi Việt Nam đối với chuyển đổi số xã hội" nhằm cung cấp bằng chứng thực tiễn, khoa học để sớm điều chỉnh, hoàn thiện Luật Người cao tuổi năm 2010 và các chủ trương, chính sách, dự án về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi hiện hành.
Công trình tiêu biểu của TS. Lý Viết Trường đã mở ra những hướng đi mới trong việc hoạch định chính sách liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo tại các vùng dân tộc thiểu số. Việc nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của thầy Tào trong cộng đồng người Nùng Phàn Slình không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, mà còn góp phần tăng cường sự gắn kết xã hội, củng cố sức mạnh cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững tại các khu vực dân tộc thiểu số.
Công trình tiêu biểu của Th.S Hoàng Hữu Phước cung cấp cách nhìn mới về truyền thuyết Hồng Bàng, không chỉ từ góc độ lịch sử và nhân học mà còn thông qua lăng kính văn hóa - nghệ thuật, nhằm khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đã bị mai một. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa - nghệ thuật dân tộc.
Công trình tiêu biểu của TS. Nguyễn Vũ Kỳ: Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Nhật Bản (1965-1973) (tác giả độc lập).

Ảnh: CYTAST