Những cơ hội cuối

TP - Ở các trường tốp trên, điểm chuẩn nguyện vọng (NV) bổ sung sẽ tăng. Trong khi đó, các trường ĐH địa phương, các trường ĐH ngoài công lập vẫn phải tiếp tục cuộc đua xét tuyển. Thí sinh vẫn còn những cơ hội cuối để vào ĐH năm nay.

> Nhiều trường công bố điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung

Tại trường ĐH Cần Thơ, nhiều ngành hiện số lượng hồ sơ cao gấp nhiều lần chỉ tiêu như: Giáo dục công dân 341 hồ sơ/27 chỉ tiêu, Sư phạm Vật lý 374 hồ sơ/130 chỉ tiêu, Thông tin học 266 hồ sơ/80 chỉ tiêu, Ngôn ngữ Anh: 216 hồ sơ/76 chỉ tiêu, Quản trị kinh doanh 211 hồ sơ/54 chỉ tiêu.

Ngược lại nhiều ngành số lượng hồ sơ ít như: Sư phạm Hóa: 6 hồ sơ/30 chỉ tiêu, Nông học 0 hồ sơ/10 chỉ tiêu, Nuôi trồng thủy sản: 0/80 chỉ tiêu.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhiều ngành dự kiến điểm chuẩn NV bổ sung sẽ tăng hơn điểm sàn xét tuyển như Công nghệ Thông tin: gần 200 hồ sơ/100 chỉ tiêu, Giáo dục chính trị hơn 180 hồ sơ/80 chỉ tiêu, Ngôn ngữ Nga 173 hồ sơ/80 chỉ tiêu, Ngôn ngữ Nhật 359 hồ sơ/ 40 chỉ tiêu… Các ngành Quản lý giáo dục, Quốc tế học, Sư phạm tiếng Nga, Việt Nam học, Văn học, Sư phạm Tin… dự kiến điểm chuẩn sẽ cao hơn nhiều so với điểm sàn xét tuyển.

Những ngành của trường chỉ có vài hồ sơ NV bổ sung là: Sư phạm tiếng Trung Quốc, Tâm lý học, Giáo dục tiểu học.

Tương tự, Trường ĐH Tài chính- Marketing TPHCM nhiều ngành điểm chuẩn sẽ khá cao như: Ngành Kinh doanh bất động sản 621 hồ sơ/70 chỉ tiêu, ngành Hệ thống thông tin quản lý 400 hồ sơ/50 chỉ tiêu, ngành Tài chính công tuyển 80 chỉ tiêu nhưng hơn 700 hồ sơ đăng ký và ngành Tài chính bảo hiểm - đầu tư có gần 629 hồ sơ/80 chỉ tiêu.

Ở hệ CĐ số hồ sơ tham gia xét tuyển của trường còn “bội thu” hơn như: ngành Tiếng Anh kinh doanh hơn 1.200 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ có 40 chỉ tiêu. Ngành Hệ thống thông tin quản lý hơn 800 hồ sơ trong khi chỉ tiêu chỉ có 80. Trường ĐH Sài Gòn, ngành Giáo dục Chính trị chỉ tiêu có 30 nhưng có tới hơn 200 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Ngành Khoa học thư viện chỉ tiêu cũng 30 nhưng tới hơn 70 hồ sơ…

Tại các trường khác như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM)… điểm chuẩn cũng sẽ tăng so với điểm nhận hồ sơ.

Ngay khi các trường ĐH tốp trên công bố điểm chuẩn NV bổ sung thì sẽ có một lượng lớn thí sinh không trúng tuyển phải tiếp tục tham gia xét tuyển ở các trường còn chỉ tiêu.

TS. Kiều Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM chia sẻ: Năm nay số lượng hồ sơ xét tuyển ít hơn. Đa phần, thí sinh dồn vào các trường công lập, nếu không trúng tuyển thì mới nộp vào ngoài công lập. Hiện trường vẫn tiếp tục tuyển NV bổ sung vào các ngành.

TS. Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định cho biết: mới nhận được 250 hồ sơ NV bổ sung và vẫn còn 400 chỉ tiêu nữa. Điểm chuẩn các ngành đều ở mức điểm sàn. Tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM vẫn còn nhiều chỉ tiêu.

Ở các ĐH vùng, ĐH địa phương thông báo tiếp tục xét tuyển NV bổ sung. Trường ĐH Đà Lạt tuyển tiếp đợt 2 với với tổng cộng 363 chỉ tiêu...

Thu lệ phí xét tuyển... trên trời

Nhiều thí sinh sau khi đến Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã cho biết khá bất ngờ với mức lệ phí xét tuyển nguyện vọng bổ sung của trường này. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thông báo lệ phí xét tuyển 100.000 đồng/bộ hồ sơ với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và 525.000 đồng/bộ hồ sơ với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, lệ phí xét tuyển nguyện vọng bổ sung trong kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2012 là 15.000 đồng/hồ sơ.

Theo Báo giấy