Những chương trình truyền hình chia tay khán giả trong tiếc nuối

Hỏi xoáy đáp xoay, Gặp nhau cuối tuần hay Rung chuông vàng đều là những chương trình truyền hình khiến khán giả ngậm ngùi tiếc nuối khi bất ngờ ngừng phát sóng.

Hỏi xoáy đáp xoay: Năm 2010, Thư giãn cuối tuần trở lại phát sóng trên kênh VTV3 với phiên bản mới và cho ra mắt những cặp hài: Bơm (Công Lý) - Phô (Tự Long), GS Xoay (Đinh Tiến Dũng) - TS Xoáy (Xuân Bắc)... và nhận được nhiều tình cảm của người xem. Đặc biệt, không thể phủ nhận sức hút của Hỏi xoáy đáp xoay với khán giả bằng sự tung hứng của danh hài Xuân Bắc và "nhân tố bí ẩn" Đinh Tiến Dũng. Cả hai mang tới cho người hâm mộ những tiếng cười không ngớt bằng cách hỏi và trả lời về những câu chuyện rất đời thường.

Trong khi Xuân Bắc là cái tên quen thuộc và chiếm một vị trí vững chắc trong lòng khán giả, Đinh Tiến Dũng là cái tên khá mới mẻ đối với người xem truyền hình. Dẫu vậy, anh nhanh chóng tạo được dấu ấn cho riêng mình và giành được tình cảm của đông đảo các bạn trẻ.

Khi chương trình Hỏi xoáy đáp xoay đang "lên như diều gặp gió", Tiến Sĩ Trần Xoáy do Xuân Bắc đảm nhận bỗng dưng biến mất, thay vào đó là nữ diễn viên Thu Huyền - người tự giới thiệu là “trợ lý của Tiến Sĩ Trần Xoáy”.

Tiếp theo đó, Giáo Sư Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng - cũng tuyên bố rút khỏi showbiz và dừng vai trò trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay. Danh xưng "Giáo Sư" sau đó cũng "biến mất" vì vấp phải ý kiến trái chiều nơi khán giả. Sau sự ra đi của Cù Trọng Xoay, chuyên gia Xoáy Trọng Chấm xuất hiện và danh hài Xuân Bắc cũng trở lại, tuy nhiên, sức hút của chương trình không còn được như trước.

Cuối cùng, Hỏi xoáy đáp xoay chia tay khán giả trong tiếc nuối. Đinh Tiến Dũng cũng giành thời gian để lập gia đình.

Gặp nhau cuối tuần (GNCT) là chương trình hài kịch và thực tế do trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam thực hiện từ năm 2000, 2001, 2003 đến 2007. Chương trình được phát sóng đều đặn vào 10h sáng ngày thứ bảy mỗi tuần, phát lại lúc 21h ngày thứ tư tuần kế tiếp.

Ngay từ những số đầu tiên khi ra mắt khán giả, chương trình đã nhận được sự yêu mến nơi người hâm mộ. Ban đầu, GNCT được phát sóng 2 tuần một số. Song trước sức hút quá lớn mà các diễn viên hài mang lại, GNCT được sản xuất đều đặn mỗi sáng thứ 7 và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả.

Cũng từ đây ê-kíp thực hiện cho ra mắt Gala cười 6 tháng một lần và cuối cùng là Gặp nhau cuối năm - số đầu tiên ra đời vào năm 2003 - những chương trình cũng nhận được tình cảm đặc biệt nơi khán giả. Gặp nhau cuối tuần giúp những danh hài từ kỳ cựu cho tới những gương mặt trẻ tới gần hơn với khán giả. Những cái tên như nghệ sĩ Phạm Bằng, Quang Thắng, Vân Dung, Giang Còi, Quang Tèo, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Tự Long... ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem truyền hình ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ngay cả người dẫn chương trình - MC Thảo Vân - cũng nhận được những tình cảm yêu mến nơi người hâm mộ.

 

Tuy nhiên, năm 2007, Gặp nhau cuối tuần bất ngờ chia tay khán giả. Trước đó, có không ít ý kiến đánh giá, chương trình đang giảm nhiệt và không còn giữ được sức hút, nhiều tiểu phẩm hài không còn sự dí dỏm, hài hước mà tinh tuý, thay vào đó là sự gượng gạo, nhảm nhí... Dẫu vậy, khi chương trình hài kịch này thực sự khép lại, vẫn có không ít giọt nước mắt luyến tiếc nơi người hâm mộ.

Chia sẻ về quyết định ngừng sản xuất Gặp nhau cuối tuần, đạo diễn Khải Hưng từng nói: "Đến khi cảm thấy sức sáng tạo của mình không còn nữa, chúng tôi cho dừng lại Gặp nhau cuối tuần, mặc dù mọi người rất luyến tiếc. Chúng tôi đã tổ chức một chương trình chia tay khán giả Gặp nhau cuối tuần rất hoành tráng, với hình ảnh con tàu Titanic bị chìm. Tôi quan niệm, thà chia tay trong tiếc nuối, ngay cả khi nó đang ở thời kỳ rực rỡ nhất, còn hơn tiếp tục kéo dài mà không còn sức sáng tạo mới mẻ cho khán giả". Hiện tại, khán giả truyền hình tập trung mọi sự quan tâm, chú ý và tình cảm cho chương trình Gặp nhau cuối năm hay còn được gọi là Táo Quân phát sóng vào 20 giờ ngày cuối năm (âm lịch) với sự tham gia của đông đảo những tên tuổi từng gắn bó với Gặp nhau cuối tuần.

Ở nhà chủ nhật là một trong những trò chơi truyền hình có tuổi đời "già" nhất trên kênh VTV3 khi có gần một thập kỷ gắn bó với khán giả màn ảnh nhỏ. Đây cũng là chương trình chinh phục được người xem khi không chỉ mang lại những giây phút thư giãn cuối tuần mà còn cung cấp những kiến thức bổ ích, những mẹo vặt không thể không biết cho các gia đình, đặc biệt là các bà nội trợ.

Những năm đầu, chương trình do nhà báo Bùi Thu Thủy làm MC. Đến năm 2005, nhà báo Thu Hường là người dẫn chương trình này. Cả hai người dẫn dắt thông minh, sắc sảo nhưng không kém phần duyên dáng và dí dỏm này đều nhận được nhiều tình cảm nơi người xem. Vào ngày 30/12/2007, Ở nhà chủ nhật đã kết thúc sau 9 năm phát sóng trong sự tiếc nuối của khán giả.

Hành trình văn hóa (HTVH) là chương trình truyền hình giúp người chơi và khán giả tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và thế giới, từng được phát sóng trên kênh VTV3 vào 20h thứ năm hàng tuần. HTVH đã góp phần tạo thói quen tìm tỏi, khám phá và ham thích du lịch cho người xem truyền hình và là một trong những chương trình có lượng khán giả khá trung thành. Từ khi ra mắt tới lúc chia tay khán giả, chương trình có khoảng 4 MC là Bạch Dương, Hoa Thanh Tùng, Hồng Phúc, Lam Kiều. Hai người để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong khán giả là Bạch Dương và Hoa Thanh Tùng.

Tháng 5/2007, Hành trình văn hoá chia tay khán giả sau gần 6 năm gắn bó. Cho tới nay, nhiều khán giả vẫn nhận định, chưa có một gameshow truyền hình về du lịch nào "qua mặt" được HTVH.

Rung chuông vàng (RCV) là một cuộc thi kiến thức dành cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam do VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam. Là sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ và là một trong những gameshow được yêu mến nhất nhì trên VTV3 song sau 5 năm là người bạn của sinh viên và người xem truyền hình, RCV chia tay khán giả trong tiếc nuối.

Ban đầu cuộc thi này dành cho các sinh viên trong cùng một trường đại học thi đấu loại với nhau. Sau này, ban tổ chức đã tổ chức thi đấu giữa 2 trường đại học, vẫn với hình thức trả lời câu hỏi đấu loại để tìm ra người trụ lại cuối cùng. Sang năm 3, phần thi lại diễn ra trong một trường đại học nhưng mỗi trường sẽ có ít nhất 2 người vào chung kết năm. Ở mỗi trường, chương trình sẽ cho một chủ đề khác nhau trong 10 câu đầu, từ câu 11 trở đi sẽ là kiến thức chung chung dưới dạng câu hỏi dữ liệu, hình, clip.

Sau lần phát sóng cuối cùng trên VTV3 vào ngày 6/11/2011, bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi, chương trình đã được chuyển đối tượng xuống học sinh Trung học phổ thông, với kênh phát là VTV9. Thay thế RCV, chương trình SV2012 trở lại phục vụ các khán giả đang ngồi trên ghế giảng đường đại học.