Gần đây Mỹ Anh nổi lên như một hiện tượng khi có thể thực hiện gần như từ A đến Z một MV hay tiết mục trình diễn. Trước đó đã xuất hiện một loạt nghệ sĩ đa năng có chỗ đứng trong thị trường như Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Hoàng Dũng, Tiên Tiên, Tạ Quang Thắng, Đinh Mạnh Ninh… Có thể nói họ đã mở ra một giai đoạn mới của nhạc Việt, khi tính cá nhân trong sáng tạo được đề cao.
Trước đó, nhạc Việt đã có những nghệ sĩ đa năng. Không thể không nhắc đến bậc tiền bối Trần Tiến “khuynh loát” thập niên 1980. Sau đó phải kể đến Phương Uyên xuất hiện cùng Ba Con Mèo trong những năm 1990 và kế đó là Hồ Hoài Anh, Nguyễn Đức Cường. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn thị trường âm nhạc phát triển mạnh về bề nổi nên khá thiếu các nhạc sĩ, nhà sản xuất. Với khả năng bao sân của mình, họ đã lui vào đứng sau những gameshow, liveshow, những album của các ca sĩ khác hoặc ngồi ghế nóng giám khảo.
Mới đây các “cựu binh” này đều lục tục trở lại khoe giọng. Phương Uyên công bố loạt sáng tác mới tại Studio Party- chuỗi hòa nhạc truyền trực tuyến do nhạc sĩ Lê Thanh Tâm khởi xướng. Nguyễn Đức Cường và Hồ Hoài Anh đều hé lộ sẽ sớm tung album tự hát bài của mình. Họ đều đang ở độ chín với bề dày sự nghiệp. Và hình ảnh ca sĩ tự hát bài của mình bây giờ đã được bình thường hóa. Nên họ có thể trở lại mà không lo lạc lõng như nhiều năm về trước.
Và tất nhiên cũng do lực lượng nhạc sĩ phối khí và nhà sản xuất giờ đây đã hùng hậu hơn xưa khá nhiều. Khiến các nghệ sĩ đa năng càng yên tâm trở về với vai trò ca sĩ.
VPOP CẦN HUẤN LUYỆN VIÊN?
Mới đây nhóm Oplus làm nên một hiện tượng khi phát hành album Bay đi trong ban mai trong đó các thành viên tự làm tất cả các khâu. Tất cả các bài trong đĩa đều do họ tự sáng tác, tự phối khí và tham gia chơi nhạc. Đĩa do thành viên Phạm Tùng Lâm thu và mix tại phòng thu của nhóm.
Đứng sau sự lột xác này là một cái tên không xa lạ với cộng đồng chơi bass quốc tế, nghệ sĩ Úc Tass Petridis - từng tham gia trình diễn tại lễ hội âm nhạc Hò Zô 2019. Ở Việt Nam ông được biết tới như “gia sư” của nhạc sĩ Huy Tuấn, ca-nhạc sĩ Vũ Cát Tường, ca sĩ Đinh Hương… Tình cờ lúc mới sang làm rể Việt Nam, ông ở cùng khu chung cư với Huy Tuấn. Nên cứ rảnh là anh lại sang, hai người hòa đàn cùng nhau. Đến giờ Huy Tuấn vẫn muốn được trao đổi chuyên môn kiểu đó, tiếc là ông đã chuyển ra Đà Nẵng.
Trên thế giới tất nhiên không hiếm những nghệ sĩ đa năng như hoặc hơn các thành viên Oplus nhưng sự hiếm ở đây là họ lại cùng tập hợp với nhau trong một nhóm nhạc. Thành viên Quang Minh cho hay: “Về tài năng thì ai cũng như nhau. Quan trọng là mình dành bao nhiều thời gian công sức để đạt được mục tiêu đề ra. Bọn tôi không phải ghê gớm gì về kỹ năng nhưng đã tiến bộ trong thời gian ngắn chính là nhờ thầy chỉ cho đường tắt”.
“Về bề nổi với showbiz, Tass Petridis có thể chả có ý nghĩa gì nhưng ông ấy là một học giả, một nhạc công tầm cỡ thế giới. Để mời một người như vậy về Việt Nam giảng dạy hay làm bất cứ thứ gì là rất khó. Việc ông ấy cưới vợ Việt Nam và về đây sống là một may mắn cho những người làm âm nhạc đích thực, muốn trau dồi học hành đàng hoàng tử tế. Ở Việt Nam ông đào tạo khá nhiều nhạc công trẻ, trong đó 4-5 người đã thi đỗ vào Berkeley (trường nhạc lừng danh của Mỹ- PV)… Cũng do Oplus có ý chí cầu tiến, chứ đầy người có điều kiện cũng chỉ đi hát là xong, không có nhu cầu học thêm”. Nhạc sĩ Huy Tuấn
Vai trò quan trọng của Tass là giúp những nghệ sĩ như Oplus có thể chinh phục mục tiêu trong thời gian khá ngắn. Từ xuất phát điểm biết chơi nhạc cụ đủ để “vỡ” bài và duy nhất Tùng đã sáng tác, chỉ sau hai năm rưỡi tất cả các thành viên đều chẳng ngại làm tất cả mọi việc. Điều này không chỉ giúp Oplus rút gọn thời gian làm sản phẩm, tiết kiệm chi phí mà quan trọng là nhóm hoàn toàn tự quyết định về phong cách âm nhạc.
Một trong những bài học quan trọng mà Oplus học được từ Tass là định nghĩa bản thân. Ông yêu cầu nhóm đưa ra những ví dụ về những loại nhạc mà họ thích và ghét. “Ghét không phải nó chán mà nó không phải là các bạn”, ông nói. Khi bật bất kỳ một bài hát của những nghệ sĩ mà nhóm yêu thích thì đó đều là thứ nhạc giàu tiết tấu và đầy năng lượng. “Các bạn nghe một thể loại hoàn toàn khác thứ các bạn làm. Không ăn nhập tí nào”, ông kết luận sau khi nghe các album cũ của Oplus. Và kết quả là Bay đi trong ban mai đúng là những gì Oplus hình dung về chính mình. Album tập hợp những ca khúc chính là những bài thi xuất sắc nhất mà nhóm phải nộp cho thầy Tass. “Tuần nào mà chúng tôi không kịp nộp bài sẽ bị nói nguyên một buổi muối mặt luôn”, Đức Tùng chia sẻ. Việc chưa qua trường lớp chuyên nghiệp của Oplus lại là một lợi thế khi nhóm đến với thầy Tass qua sự giới thiệu của Lê Thanh Tâm- giám đốc âm nhạc trước đây của nhóm. Thêm nữa nhóm đủ tiếng Anh để nghe giảng.
Đến giờ họ khẳng định vẫn chưa tốt nghiệp nhưng đã biến thầy thành đồng sự. Ông trở thành cố vấn chuyên môn và đồng hành trong các dự án của nhóm. Cụ thể là ông tham gia ban nhạc của nhóm và rủ các đồng nghiệp nước ngoài cùng chơi luôn. Như vậy có thể nói Tass chính là người đưa khái niệm huấn luyện viên vào Vpop. “Ngay những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới vẫn cần phải có HLV thì tại sao nghệ sĩ lại không”, Tass nói với các học sinh của mình. Theo ông Việt Nam không thiếu tài năng, vấn đề là tư duy định hướng và tìm ra phương cách đúng để khai phá hết những tiềm năng đó.
Quang Minh chia sẻ: “Chúng tôi mới nhập môn (trong lĩnh vực sản xuất) không biết các anh em nghệ sĩ, nhà sản xuất đang làm việc nào nhưng quy trình Tass đưa ra tôi thấy nhiều ưu việt. Trong đó các thành phần tham gia đều giữ được sáng tạo riêng của mình. Quy trình đấy làm cho âm nhạc Việt Nam phát triển đa dạng”. Phổ biến ở Việt Nam kiểu một nhạc sĩ phối khí làm toàn bộ nhạc nền (thường là bằng âm thanh điện tử) cho một album, ca sĩ chỉ việc hát vào nữa là xong. Nhưng với cách làm Tass truyền cho Oplus thì bản phối chỉ là cái khung, các nhạc công khách mời sẽ tiếp tục đóng góp phần sáng tạo của mình vào chứ không phải chơi một câu nhạc cố định.