Những bộ tộc mình trần đóng khố trên thế giới

Không chỉ có lối sống nguyên thủy, những bộ tộc như Himba, Araso hay Yali còn thu hút du khách bởi cách ăn mặc và hóa trang độc đáo.

Himba

Đây là một nhóm dân tộc sinh sống rải rác khắp vùng sông Kunene ở tây bắc Namibia và tây nam Angola. Phụ nữ Himba có nhiệm vụ nấu ăn, chăm sóc con cái, còn đàn ông chăn thả bò, dê. Tất cả đều để ngực trần, chỉ quấn chiếc khố nhỏ bằng da bò để che phần dưới thân thể.

Araso

Sống ở ngoại vi thị trấn Goroka trên vùng cao nguyên của Papua New Guinea và Indonesia, Asaro còn được biết đến là bộ tộc người bùn. Họ dùng bùn trát lên cơ thể và cho rằng có thể xua đuổi được kẻ thù. Ngoài ra, những chiếc mặt nạ kỳ dị hình đầu thú cũng là điểm đặc biệt của bộ tộc này.

Kalam

Bộ tộc Kalam chủ yếu sinh sống ở một ngôi làng nhỏ trên dãy núi Simbai, Papua New Guinea và Indonesia. Nơi đây như một thế giới khác, cách biệt với bên ngoài. Người dân trang trí lên cơ thể bằng các loại lông thú, mai của những con kina (một loại cầu gai) cỡ lớn cùng các loài hoa lá. Họ có nhiều đồ ăn ngon, gia đình có sự gắn bó khăng khít và rất tôn trọng thiên nhiên.

Huli

Bộ tộc này sống rải rác trong những ngôi làng ở Papua New Guinea. Phụ nữ Huli thường mặc váy làm từ cỏ, còn đàn ông chỉ che dương vật bằng một thứ gọi là koteka. Họ dùng các màu vàng, trắng, đỏ để vẽ mặt nhưng nổi tiếng hơn cả là những mẫu tóc giả từ chính tóc thật của mình. Ngoài ra, các loại cá, vỏ, hạt, ngà... cũng được họ dùng để trang trí cơ thể.

Maori

Một điểm dễ nhận dạng bộ tộc ở New Zealand này chính là những hình xăm trên mặt cũng như cơ thể. Xăm hình chính là một phần quan trọng trong văn hóa Maori. Đó là mốc đánh dấu sự trưởng thành và có nhiều nghi lễ liên quan đến sự kiện này.

Samburu

Kenya và Tanzania là nơi sinh sống của bộ tộc Samburu với nhiều phong tục độc đáo, kỳ dị. Nổi tiếng nhất trong số đó là lễ trưởng thành với màn uống máu bò. Tuy nhiên, những người dân trong bộ tộc cũng khá độc lập và bình đẳng. Đàn ông có quyền quyết định trên cơ sở những ý kiến thảo luận của phụ nữ.

Mursi

Mursi còn được biết đến với tên gọi bộ tộc "môi đĩa", sinh sống chủ yếu ở thung lũng Omo, Ethiopia. Với họ, đĩa đeo ở môi hoặc tai như món đồ trang sức và đánh dấu sự trưởng thành của một cô gái. Ngoài ra, bộ tộc này còn nổi tiếng với lễ đấu gậy Donga. Ảnh: pixdaus

Vanuatu

Đây là một đảo quốc ở tây nam Thái Bình Dương. Nhiều tộc người ở đây vẫn có lối sống nguyên thủy, phụ nữ che thân bằng váy cỏ, đàn ông che dương vật bằng vỏ bọc có tên nambas, làm từ vỏ cây và lá dứa dại. Ngoài ra, họ đeo mặt nạ, mũ, trang sức vào các dịp lễ hội khác nhau. Toka là một trong những lễ hội truyền thống có ý nghĩa nhất với người dân Vanuatu.

Yali

Sinh sống chủ yếu ở Indonesia và Papua New Guinea, đàn ông Yali chỉ cao 150 cm nên bộ tộc này còn được gọi là những người lùn. Hiện nay nam giới ở đây vẫn tuân thủ nghiêm ngặt truyền thống ăn mặc, ngay cả khi trời lạnh, họ cũng chỉ che dương vật bằng koteka làm từ quả bầu.

Dani

Khu vực sinh sống ở Indonesia và Papua New Guinea, người dân Dani thường xuyên phải chiến đấu để tranh giành lãnh thổ với các bộ tộc khác. Đàn ông Dani cũng che "chỗ kín" bằng koteka nhưng nhỏ, dài và mảnh hơn so với bộ tộc Yali. Ngoài ra, họ còn đeo khuyên ở mũi bằng răng lợn.

Theo Theo Vnexpress