Cúm: Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Người nhiễm bệnh thường có các triệu chứng: Sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, nhức đầu,…
Do đó, với những người sức đề kháng không cao như người già hay trẻ em cần hết sức cẩn thận, giữ ấm khi ra ngoài, các mẹ cần lưu ý đeo khẩu trang và tránh để con tiếp xúc với người lạ, trẻ mắc cúm.
Cúm là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do đó, người bệnh cần tích cực bổ sung nước, dưỡng chất cho cơ thể đặc biệt nghỉ ngơi trong thời gian nhiễm bệnh để sức khỏe được hồi phục nhanh chóng.
Viêm họng: Triệu chứng hay gặp nhất là đau họng, đặc biệt là khi nuốt; cổ họng khô và khó chịu; hôi miệng; ho có đờm; tuyến cổ bị sưng;… Ở trẻ em thường kèm theo biểu hiện sốt nhẹ, ít vận động,… Khi có những dấu hiệu nặng hơn cần phải đến các cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, đưa ra phương pháp điều trị bệnh. Bởi từ viêm họng thông thường, có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi và nhiều biến chứng xấu khác cho sức khỏe.
Viêm mũi dị ứng: Đây là căn bệnh gây nhiều phiền toái, khó chịu cho chính người nhiễm bệnh và những người xung quanh. Người bệnh thường hắt hơi liên tục, không kiểm soát được kèm sổ mũi. Viêm mũi dị ứng nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới mãn tính rất khó chữa.
Bệnh sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết (chảy máu). Sự nguy hiểm của bệnh là giảm lượng tiểu cầu trong máu, nếu lượng tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu không cầm được, nếu chảy máu ở nội tạng người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra sốt xuất huyết còn làm tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương trong máu thoát ra ngoài, gây hiện tượng máu cô, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành, tụt huyết áp và sốc. Nếu không được cấp cứu kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng. Do đó, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Với trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn… Bởi khi trẻ không được ăn đủ chất sẽ khiến bệnh kéo dài; còn kiêng gió, kiêng nước khiến trẻ không đảm bảo vệ sinh làm tăng tỷ lệ viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi (mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi; mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi). Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi, cần có kiến thức tự phòng, chống. Bên cạnh đó, cần tiến hành tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ ở độ tuổi mang thai và những người dân trong cộng đồng chưa có kháng thể chống sởi giúp giảm số người mắc, phòng lây nhiễm bệnh sởi...
Bệnh thường tự phát âm thầm, ban đầu chỉ bị một mắt, sau sẽ lan ra mắt kia ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh. Đặc biệt, ở mức độ nặng có thể gây phù đỏ vùng mắt, xuất huyết dưới kết mạc,… thậm chí gây mù hoàn toàn.
Các bệnh kể trên đều do virus gây ra và đều có triệu chứng đầu tiên là nóng sốt. Vì thế, ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu, cần đưa trẻ đi khám để xác định xem hiện tượng nóng sốt ở trẻ là do loại bệnh lý nào để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Cách chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình, đẩy lùi bệnh giao mùa
Thể dục thể thao thường xuyên
Mỗi ngày, các thành viên trong gia đình hãy dành thời gian tập thể dục và cố gắng duy trì đều đặn nếu có thể hoặc ít nhất 3-4 lần/tuần. Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, từ đó sản sinh kháng thể chống lại virus gây bệnh.
Đảm bảo chế độ ăn đủ chất
Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Các loại trái cây thuộc họ cam quýt như cam, bưởi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Một số loại thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng như rau xanh (súp lơ xanh, nấm..) hoặc các loại thực phẩm như cá, thịt bò, tỏi cũng sẽ giúp cơ thể chống chọi với các nguy cơ gây bệnh tốt hơn.
Uống đủ nước
Trong cơ thể chúng ta, nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể. Do đó cần bổ sung thường xuyên và đều đặn với 2 – 3 lít nước mỗi ngày để loại bỏ chất dư thừa cũng như các độc tố, từ đó hạn chế bệnh tật.
Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
Giữ ấm cơ thể
Ở những ngày giao mùa nóng lạnh thất thường, cơ thể dễ bị cảm lạnh, nhất là ở người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là gan bàn chân. Thời điểm cần chú ý là ban đêm, lúc đi ngủ và khi tắm.
Đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Nên sử dụng khẩu trang để bảo vệ chính mình khi tới bệnh viện, khi ở gần nguồn lây nhiễm, hoặc khi có dịch. Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
Khám sức khỏe định kì
Xã hội ngày càng phát triển đi kèm theo đó là những hiểm họa cho sức khỏe con người cũng gia tăng như ô nhiễm đất, nước, không khí, áp lực công việc dẫn đến stress….
Khám sức khỏe định kì là một giải pháp theo dõi sức khỏe tốt nhất nhằm đảm bảo kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu để có phương pháp điều trị kịp thời, ngăn chặn mầm bệnh phát triển. Đồng thời, các bác sĩ sẽ tư vấn những yếu tố nguy cơ mình có thể mắc phải, từ đó có biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.