Những bác sĩ Hà Nội tuổi 9X tình nguyện ở lại biên cương

Trong số 2 bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký về công tác ở 2 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên lần này, một bác sĩ nam tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, một nữ bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến động viên bác sĩ trẻ Doãn Thanh Hương từ Hà Nội tình nguyện nhận công tác tại Điện Biên

Xuất phát từ Hà Nội vào rạng sáng, rong ruổi hơn 10 tiếng đồng hồ xe chạy, vượt qua hàng loạt những địa danh đẹp mơ mộng và hùng vĩ đã thấm đẫm trong thơ văn, sử sách như Mai Châu, Mộc Châu, đèo Pha Đin, Tuần Giáo… chúng tôi tới Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng (Điện Biên) khi bóng tối đã bắt đầu phủ xuống, sương núi lạnh ướt vai người.

Chín chắn và chân thành

Trong số 2 bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký về công tác ở 2 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên lần này, một bác sĩ nam tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, một nữ bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng.

Cả 2 cùng sinh năm 1990, cùng người Hà Nội, cùng tốt nghiệp chuyên ngành đa khoa với tấm bằng khá và quan trọng hơn là cùng chung lý tưởng cống hiến với trái tim căng tràn nhiệt huyết tuổi trẻ.

Trực tiếp chứng kiến 2 bác sĩ trẻ Doãn Thanh Hương, Nguyễn Văn Hiếu xông xáo bắt tay vào khám chữa bệnh cho bà con nghèo ở Trung tâm Y tế Mường Ảng và Mường Nhé (Điện Biên), tôi thực sự ấn tượng với những thanh niên thế hệ 9X.

Doãn Thanh Hương, quê Phúc Thọ (Hà Nội) là cô gái xinh xắn, dáng người mỏng manh, nhỏ nhắn. Thế nên, quyết định đăng ký tình nguyện lên Mường Ảng, huyện miền núi Tây Bắc và là một trong 62 huyện nghèo của cả nước công tác ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học Y của Hương khiến bạn bè cũng như người thân hết sức ngỡ ngàng. Bố mẹ cô lần đầu nghe nguyện vọng của con mình không thể tin đó là sự thật.

Suốt 6 năm dài đèn sách với học lực luôn ở tốp đầu lớp, Hương mang theo kỳ vọng lớn lao của gia đình về một tương lai tươi sáng. Đó có thể là vị trí công tác tại một bệnh viện hàng đầu hoặc ít ra cũng có thể là một bệnh viện nào đó ở Hà Nội - nơi cô sinh ra và lớn lên. Thế nhưng, cô gái yếu đuối, thường bị say xe và thậm chí chưa bao giờ đi xa nhà quá 100 km lại chọn cho mình một hướng đi hoàn toàn khác.

Trò chuyện với chúng tôi tại trụ sở Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, trong bảng lảng sương chiều giữa núi rừng miền cao Tây Bắc, Doãn Thanh Hương khoác chiếc áo blouse trắng rạng rỡ, nở nụ cười tươi rói nhưng gương mặt thể hiện rõ nét cương nghị, trong ánh mắt ẩn chứa quyết tâm mạnh mẽ.

“Em có thấy quyết định từ biệt thành phố lên vùng núi xa xôi này công tác suốt 2 năm là một sự liều lĩnh? Em có nghĩ đến những thứ mình sẽ phải đánh đổi?”, chúng tôi đặt thẳng vấn đề, dù biết điều này có thể khiến Hương tự ái.

Song ngược lại, Hương bình tĩnh trả lời một cách chín chắn và chân thành: “Khi tham gia hoạt động sinh viên tình nguyện ở trường đại học, biết đến sự thiếu thốn, khó khăn của bà con dân tộc vùng cao, em đã luôn mong muốn có thể đóng góp được trí tuệ, kiến thức của mình để chăm sóc sức khỏe cho bà con tốt hơn.

Và khi dự án đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo của Bộ Y tế được phổ biến về nhà trường, em đã suy nghĩ rất nghiêm túc để rồi quyết định đặt bút đăng ký tình nguyện lên công tác tại Mường Ảng.

Bố mẹ em lúc đầu rất buồn, muốn ngăn cản vì cả nhà chỉ có 2 anh em mà em là đứa con út được cưng chiều. Thế nhưng, sau khi nghe em phân tích, hiểu được quyết tâm của em, hiểu được ý nghĩa cao cả của chương trình, bố mẹ đã đồng ý”, bác sĩ trẻ Doãn Thanh Hương tâm sự.

Chỉ lo sức mình không đủ

Cũng giống Hương, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, quê Thanh Lâm (Mê Linh, Hà Nội) bắt đầu nung nấu ý định về công tác tại Tây Bắc từ khi tham gia các hoạt động sinh viên tình nguyện trong trường Đại học Y Hà Nội.

Biết Mường Nhé là huyện biên cương nơi địa đầu Tổ quốc còn đang gặp rất nhiều khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con các dân tộc còn nhiều hạn chế, ngay khi tốt nghiệp, Hiếu muốn tiếp tục kết nối tinh thần tự nguyện cống hiến của tuổi trẻ bằng cách đăng ký về đây công tác.

Càng đáng trân trọng hơn khi biết trong cả khóa tốt nghiệp cùng năm 2014 với Hiếu ở Đại học Y Hà Nội, chỉ có 2-3 bác sĩ người Hà Nội đăng ký lên công tác ở vùng cao. Thế nên, dù đề án đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo của Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ nam phải cam kết công tác tại nơi tình nguyện đăng ký trong thời gian tối thiểu 3 năm liên tục, Hiếu không nghĩ điều này là thách thức ghê gớm.

Vượt chặng đường dài 700 cây số, qua ngút ngàn núi rừng để đến được địa danh xa xôi nhất của Tây Bắc, tận mắt cảm nhận cuộc sống nghèo khó của bà con các dân tộc Thái, Hà Nhì, Mông… thấp thoáng trong những ngôi nhà sàn đơn sơ vắt vẻo lưng chừng núi, ven các con suối heo hút, nhiều bản còn chưa có đường cho xe cơ giới đi vào, quyết tâm trong Hiếu càng trở nên mạnh mẽ.

Được bác sĩ Lò Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Nhé dẫn đi giới thiệu một vòng khắp trung tâm và cơ cấu các khoa phòng, rồi trực tiếp bắt tay ngay vào khám cho 2 cháu nhỏ Lường Thị So (xã Na Cô Sa), Lý Thị Tẹ (bản Nậm Hà, xã Mường Toong, huyện Nậm Pồ), Hiếu chia sẻ sẽ quyết tâm học tiếng Mông, tiếng Thái để sau này có thể tương tác, thăm khám sức khỏe tốt hơn cho bà con dân tộc nơi đây.

Trước đó, Hiếu đã đăng ký theo học bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành Nhi khoa để về công tác tại Mường Nhé được hiệu quả hơn, bởi qua tìm hiểu anh biết tại Mường Nhé phổ biến nhất là bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ.

Tâm sự với chúng tôi, cả bác sĩ Doãn Thanh Hương và Nguyễn Văn Hiếu đều chia sẻ, điều lo lắng nhất không phải là chỗ ăn chỗ ngủ nơi núi rừng xa xôi, cũng không phải chuyện lương bổng, mà chỉ lo mình chưa đủ trình độ, vốn sống hay hiểu biết về văn hóa của vùng đất này để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình công tác, phụ lòng mong mỏi của mọi người.

Hai bác sĩ trẻ cũng cho biết sẽ tiếp tục học tập và cố gắng trau dồi kiến thức thật tốt để quãng thời gian công tác tình nguyện tại Điện Biên thực sự có hiệu quả, ý nghĩa và thậm chí nếu được bà con địa phương tin tưởng, họ có thể sẵn sàng ở lại công tác lâu dài nơi vùng phên giậu Tổ quốc.

Theo Tiến Hưng

Theo An ninh thủ đô