> Điêu đứng vì ủy quyền cho kẻ lừa đảo
PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư - thạc sỹ Phạm Văn Phất (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) về những nguyên nhân và giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Thưa luật sư, đâu là nguyên nhân nở rộ nạn lừa đảo “mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng”?
Theo tôi, trước hết là sự thiếu hiểu biết pháp luật và quá chủ quan của các nạn nhân, khi họ trao, ký những văn bản, giấy tờ liên quan đến tài sản lớn nhất mà họ có.
Tiếp đến, là sự tắc trách của một số công chứng viên và cán bộ tín dụng. Tiếp nữa, kết quả phá những vụ án kiểu này không cao, cơ quan tư pháp không buộc được các đối tượng lừa đảo hoàn trả đầy đủ số tài sản họ đã chiếm đoạt cho các nạn nhân, cũng như những đối tượng liên quan thường không bị xử lý.
Theo luật sư, đâu là trách nhiệm của công chứng viên, khi họ công chứng hợp đồng uỷ quyền giao dịch bất động sản, mà phía nhận ủy quyền là đối tượng lừa đảo?
Về hình thức văn bản, dường như công chứng viên làm đúng pháp luật. Tuy nhiên, nhiều vụ việc thực tế tôi tìm hiểu, công chứng viên đã không làm hết trách nhiệm của mình.
Họ không giải thích cho các bên rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích phát sinh khi giao kết hợp đồng ủy quyền, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến ủy quyền giao dịch bất động sản.
Một số trường hợp, công chứng viên không giao cho bên có tài sản một bản hợp đồng ủy quyền, người có tài sản không biết nội dung văn bản vừa ký gồm những gì.
Những trường hợp đó, công chứng viên có liên đới trách nhiệm với đối tượng lừa đảo không, thưa ông?
Nếu có đủ chứng cứ để chứng minh họ không làm đúng, đủ các quy định pháp luật khi công chứng hợp đồng ủy quyền, họ sẽ phải liên đới trách nhiệm, ít nhất là về mặt dân sự.
Song theo tôi, trong những vụ việc kiểu này, nạn nhân thường không thể có chứng cứ để chứng minh sai phạm của công chứng viên, bởi như đã nói, họ thường là những người thiếu hiểu biết pháp luật và chủ quan.
Các vụ việc Tiền Phong đã nêu cho thấy, khi nhận tài sản thế chấp, cán bộ tín dụng không xác minh, thẩm định tài sản của người bảo lãnh, dẫn đến nhận thế chấp cả điện thờ như trường hợp ở 122 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Luật sư có cho rằng để xảy ra hậu quả người dân mất nhà, mất đất, còn có trách nhiệm của cán bộ tín dụng?
Chắc chắn có trách nhiệm của một số cán bộ trong các tổ chức tín dụng, không chỉ trong việc thẩm định tài sản thế chấp, mà còn trong việc giám sát nguồn vốn vay có được sử dụng đúng mục đích không. Những vấn đề này đã được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tôi tin rằng nếu các cán bộ tín dụng làm đúng quy định pháp luật, rất nhiều tài sản sẽ không được chấp nhận là tài sản thế chấp, cũng như rất nhiều khoản vay sẽ không thể rơi vào tay kẻ lừa đảo.
Việc chứng minh sai phạm của cán bộ ngân hàng không khó như trường hợp công chứng viên, chỉ cần mổ sẻ hồ sơ tín dụng là thấy rõ.
CQĐT đã bắt 11 đối tượng gây ra các vụ lừa đảo tương tự. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân vẫn có nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ. Theo luật sư, cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại trong vụ án này?
Người bị hại cũng phải chịu một phần trách nhiệm, do họ đã ký vào các văn bản cho phép người khác toàn quyền định đoạt tài sản của họ. Tuy nhiên, tôi rất mong các cơ quan tư pháp sẽ làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên đới như vừa nêu, buộc họ cũng phải chịu một phần trách nhiệm, như thế mới công bằng.
Lê Anh - Hoàng Long
Thực hiện