Hôm nay, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT cùng 2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Trong báo cáo tham luận xây dựng chương trình đào tạo dựa trên yêu cầu công nghệ thiết kế và chế tạo chip bán dẫn, Đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra các con số dự báo về thị trường chip bán dẫn từ Deloitte, Nikkei Asia, Time News, KED Global. Trong đó 65% thị phần của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thuộc 5 thị trường: Hoa Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước này tham gia ở 2 công đoạn: thiết kế (chiếm 50% giá trị gia tăng), sản xuất (chiếm 30% giá trị gia tăng).
Về nhân lực, Hoa Kỳ hiện có 277.000 nhân lực làm việc trong: nghiên cứu phát triển, thiết kế, chế tạo, kiểm thử; 77.000 nhân lực trong nhà máy (Cử nhân, Công nhân). SIA (Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ) ước tính cần 42.000 nhân lực mới đến 2027.
Deloitte ước tính hiện có hơn 2 triệu nhân lực trực tiếp trong ngành công nghiệp bán dẫn và sẽ tăng thêm 1 triệu cho tới năm 2030 trên toàn cầu. Trong đó, Nhật Bản cần thêm 35.000 vị trí trong 10 năm tới; Hàn Quốc cần thêm 30.000 vị trí trong 10 năm tới; Đài Loan (Trung Quốc) hiện có 290.000 nhân lực và cần thêm 34.000 vị trí (năm 2022). Đặc biệt về nhân lực thiết kế, thế giới cần 174.000 người. Trong đó, Hoa Kỳ: 94.000 với 90% Cử nhân, Thạc sĩ; 10% Tiến sĩ. Ước tính Hoa Kỳ thiếu 23.000 (năm 2030).
Ở Việt Nam, đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay hiện nay có 5.000 kỹ sư, nhu cầu mỗi năm tăng 10-15%. Trong đó, chủ yếu là kỹ sư thiết kế (vật lý, layout), kiểm thử (DV).
Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở Việt Nam là Amkor Technology Việt Nam (1,6 tỷ USD); Hana Micron Vina đầu tư 600 triệu USD (1 tỷ USD vào năm 2025); Intel Vietnam (hơn 1 tỷ USD); Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD, sắp sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam.
Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Để duy trì một nhà máy sản xuất như TSMC, cần khoảng 60.000 nhân lực. Năm 2023, TSMC cần tuyển thêm 6.000 kỹ sư sản xuất bán dẫn. Samsung đang có khoảng 10.000 kỹ sư làm R&D ( nghiên cứu và phát triển năm 2021). Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm.
Giải quyết điểm nghẽn thiếu hụt nhân lực
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở toang nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống GD-ĐT và thị trường lao động.
Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.
Ông Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.