Nhộn nhịp vào mùa thu hoạch cây dược liệu ở Hà Tĩnh

TPO - Những ngày này, người dân xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang vào vụ thu hoạch cây kim tiền thảo. Đây là một loại cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 4 lần trồng hoa màu nên người nông dân phấn khởi.

7 năm nay, hơn 30 hộ dân tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã “biến” những mảnh đất trồng hoa màu trở thành vùng trồng cây dược liệu cho thu nhập cao.

Cây kim tiền thảo là cây dược liệu được trồng ở mảnh đất này. Sau khi thu hoạch sẽ bán cho công ty dược để chế biến làm thuốc.

Sau nhiều năm trồng, đến nay toàn xã có trên 30 hộ trồng phát triển kinh tế chủ lực bằng giống cây dược liệu kim tiền thảo. Những ngày nắng, người dân ra đồng tranh thủ thu hoạch để phơi khô kịp bán cho công ty.

Theo người dân, mỗi năm có 2-3 lần thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch khoảng 1-2 ngày, người dân sử dụng liềm cắt bằng tay, sau đó về nhà phơi nắng khi nào khô thì đóng vào từng bao tải để bán.

Cây kim tiền thảo hợp với đất vùng Cẩm Vịnh, người dân trồng theo quy trình được hướng dẫn, không dùng thuốc diệt cỏ, trừ sâu nên chất lượng cao. Nhìn từ trên cao, một số diện tích đang được người dân thu hoạch.

Người dân sau khi cắt xong sẽ phơi rồi dùng dây buộc từng bó lại đưa về nhà.

"Thu nhập từ trồng cây kim tiền thảo cao gấp 4 lần so với trồng hoa màu. Mỗi năm có 2-3 lần thu hoạch, tổng sản lượng đạt 7 - 8 tạ/sào/năm. Tính ra mỗi năm cho thu trên chục triệu đồng/sào nên dân rất phấn khởi", một người dân cho biết.

Cây kim tiền thảo phát triển dạng thân dây, sau khi thu hoạch người dân có thể sẽ đem phơi khô trên cánh đồng hoặc đưa về sân nhà.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho biết, cây dược liệu kim tiền thảo trồng tại Cẩm Vịnh được liên kết với Công ty CP Dược Hà Tĩnh nên sau khi thu hoạch bà con không phải lo đầu ra. Với mức giá công ty thu mua là 16.000 đồng/kg khô, tính ra mỗi sào người dân thu nhập 9 - 10 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng hoa màu.

Cây kim tiền thảo sau khi thu hoạch sẽ được cắt nhỏ thành từng đoạn 4 - 5cm rồi phơi khô. Sau khi bà con thu hoạch cành, phần gốc còn lại được chăm bón sẽ mọc ra cành mới.