Ngược dòng sự kiện, giai đoạn 2010-2011, Công ty CP Đầu tư Phương Trang cùng các đối tác kinh doanh có giao dịch tín dụng với Ngân hàng Đại Tín – Trust Bank. Tuy nhiên mâu thuẫn nhanh chóng xảy ra khi dư nợ gốc trong sổ sách 2 bên lệch nhau tới…6 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, 39 danh mục tài sản là khế ước đất tại Đà Nẵng (quận Sơn Trà, Liên Chiểu), TP.HCM (quận 1, 2, 3, 7, Thủ Đức), Long An, Bình Định và Quảng Nam, được xác định trị giá 10.661 tỷ đồng. Nhóm tài sản thế chấp là ôtô ghi nhận 211 chiếc, giá trị 239 tỷ đồng. Danh mục tài sản thế chấp cuối cùng trong hồ sơ này là trái phiếu của các dự án (cũng là bất động sản) tại TP.HCM trị giá hơn 3.335 tỷ. Như vậy, theo hồ sơ xử lý thu hồi nợ của Ngân hàng VNCB thực hiện năm 2013, tổng giá trị tài sản thế chấp của Phương Trang ước tính 14.236 tỷ đồng, số tiền vay đảm bảo là 9.469 tỷ đồng.
Trong cuộc gặp gỡ chúng tôi mới đây, đại diện của công ty Phương Trang cho biết, đa phần dự án BĐS của công ty tập trung tại Đà Nẵng, trong đó có những khu đất có diện tích gần 200ha. Trong chiến lược của mình, Phương Trang muốn biến nơi đây thành những dự án nghỉ dưỡng - khu dân cư cao cấp. Tuy nhiên, do môt phần trong số những khu đất này đang vướng tranh chấp với ngân hàng VNCB nên nhiều năm qua vẫn "ngủ đông".
Trong khi Công ty CP Đầu tư Phương Trang và các Đối tác kinh doanh khẳng định chỉ nhận được 3.436,496 tỷ đồng từ VNCB trên tổng số tiền giải ngân 9.469 tỷ đồng của các khoản vay trên . Ngược lại, Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB) khẳng định trên sổ sách giấy tờ, Phương Trang còn nợ 9.437 tỷ đồng trên tổng số tiền giải ngân 9.469 tỷ đồng.
Theo đơn thư cầu cứu của doanh nghiệp gửi lên Chính phủ liên tục từ năm 2012 đến năm 2014, Phương Trang tố Ngân hàng Đại Tín đã không giải ngân hợp đồng mua bán trái phiếu, hợp đồng vay và gian dối ghi dư nợ đối với hợp đồng đã tất toán cho doanh nghiệp. Công ty này cũng tố cáo ngân hàng chiếm giữ trái phép tài sản thế chấp của mình.
Trong bản giải trình về việc đối chiếu công nợ của Ngân hàng VNCB, bà Hứa Thị Phấn (người sở hữu gần 84,92% cổ phần trong nhóm cổ đông Phú Mỹ và là chủ cũ của Trust Bank - tiền thân của VNCB) cho rằng, liên quan đến số tiền mà nhóm Phương Trang còn nợ Trust Bank thì nhóm Phương Trang đã sử dụng hơn 4.900 tỷ đồng trả nợ cho nhóm Phú Mỹ. Theo bà Phấn, các giao dịch vay mượn, hoàn trả và thanh toán giữa hai nhóm Phương Trang và Phú Mỹ là việc riêng của 2 nhóm, không liên quan đến VNCB.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Luận, Chủ tịch HĐQT công ty Phương Trang lại khẳng định họ không có bất cứ mối quan hệ vay mượn hay hợp tác làm ăn nào với cá nhân bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ như bà Phấn đã trình bày với cơ quan điều tra.
Lý giải điều này, ông Luận cũng cho biết, bà Hứa Thị Phấn và ông Hoàng Văn Toàn (“trợ thủ" đắc lực của bà Phấn) đều đã thừa nhận với cơ quan điều tra là các ông Phạm Đăng Quan và Nguyễn Hữu Luận (đều là người của Công ty Phương Trang) đến Trust Bank chỉ để vay tiền và xác lập quan hệ tín dụng. Hơn thế nữa, những đại diện này bắt đầu thiết lập quan hệ và vay mượn của Trust Bank từ khoảng tháng 5 - 6/2010. Thế nhưng đến tháng 2/2011, ông Luận mới lần đầu đến Trust Bank để chào hỏi, biết mặt bà Hứa Thị Phấn và ông Hoàng Văn Toàn.
Ngoài ra, về khoản tiền hơn 4.900 tỷ đồng nêu trên, ông Luận khẳng định, bà Phấn cùng với các “chân rết” đắc lực đã chiếm hữu số tiền này rồi vu khống cho nhóm Phương Trang. Theo đó, bà Hứa Thị Phấn cùng với Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ và một số cán bộ chủ chốt của Trust Bank đã dùng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán để ngụy tạo hồ sơ và ghi thêm thành dư nợ khống số tiền lên thêm hàng ngàn tỷ đồng cho Công ty Phương Trang.
Sự vu khống ấy còn được thể hiện rõ hơn khi bà Phấn không đưa ra được bằng chứng chứng minh nhóm Phương Trang đã vay số tiền đó. Chưa kể trong các khoảng thời gian 2010 - 2011 đó thì Trust Bank rất khó khăn về thanh khoản, không có tiền mặt thì tiền đâu cho nhóm Phương Trang vay rồi ghi nợ số lượng lớn như vậy?
Theo kết quả điều tra, trong tổng số dư nợ tín dụng 9.434 tỷ đồng mà VNCB nói là của Công ty Phương Trang thì Hứa Thị Phấn thừa nhận đã chiếm đoạt và sử dụng trái phép số tiền hơn 4.900 tỷ đồng (chưa kể còn khoảng hơn 1.100 tỷ đồng đang được cơ quan công an điều tra để làm rõ).
Chính vì lẽ đó, đại diện nhóm Phương Trang đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ các hành vi cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của bà Phấn, ông Toàn, ông Nam và các nhân viên của Trust Bank có liên quan.
Một vấn đề khác, trình bày với cơ quan chức năng, bà Phấn nói là cho Phương Trang mượn 2 ha đất ở quận 2 làm tài sản thế chấp cho khoản vay 200 tỷ đồng của ông Trần Đăng Quang (nhân viên của Công ty Phương Trang, không phải Phạm Đăng Quan). Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm Phương Trang không hề mượn tài sản như bà Phấn trình bày. Thay vào đó, bà Phấn chỉ đạo Trust Bank tự đưa tài sản đó vào để thế chấp cho khoản vay 200 tỷ đồng đứng tên Trần Đăng Quang. Ngay sau khi tạo dựng hồ sơ giả, bà Phấn cùng với “chân rết” câu kết với Trust Bank rút 200 tỷ đồng này ra sử dụng và ghi nợ khống cho ông Trần Đăng Quang.
Ngoài ra, nhóm Phương Trang cũng quả quyết, họ không cho bà Phấn mượn tiền từ 3 khoản vay của các công ty: Ngôi Sao Tương Lai, Đại Việt Thị và An Hòa (thuộc Nhóm Phương Trang) để tăng vốn điều lệ của Trust Bank như bà đã trình bày trước toà. Thực tế đây là khoản vay mà 3 công ty nói trên vay của Trust Bank để sản xuất kinh doanh. Đáng nói nhất là số tiền đó không được giải ngân cho người vay mà lại bị nhóm bà Phấn chiếm hữu sử dụng trái phép và ghi nợ khống cho các công ty nói trên.
"Chúng tôi trước giờ chỉ biết đi vay từ một chủ thể cho vay duy nhất là ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, số tiền được giải ngân cho chúng tôi bao nhiêu đã được các cơ quan liên quan của Bộ Công an xác nhận, đúng theo lời khai của bà Phấn. Chính việc vu khống này đã làm cho chúng tôi điêu đứng suốt nhiều năm qua, không lấy được tài sản là đất đai ra khỏi ngân hàng để đầu tư phát triển", đại diện nhóm Phương Trang nói thêm.