Âm nhạc có chất riêng
Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời 5h57 ngày 21/3 tại Bệnh viện Hữu Nghị sau một thời gian dài sức khỏe suy yếu, hưởng thọ 86 tuổi. Ông chỉ nhập viện vài ngày trước khi tắt nghỉ.
Tình yêu đẹp đến phút cuối
Nhiều người ngưỡng mộ Hồng Đăng còn ở cuộc đời riêng viên mãn cho tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Người vợ thứ ba-kỹ sư xây dựng gắn bó với ông suốt quãng đời ba chục năm cuối- kém ông 26 tuổi, cực yêu, đồng cảm và chăm chồng.
Giáng Son kể, vài năm trước gặp hai vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng, chị rất mừng vì thấy hai người lúc nào cũng vui khi bên nhau. Vợ chăm sóc Hồng Đăng cực chu đáo.
Ca sĩ Quỳnh Hoa khẳng định, nếu không có chị Anh Thúy, nhạc sĩ Hoa sữa không sống lâu đến vậy. Ông tuổi cao và chịu không ít bệnh nền. “Ông cứ nằm ở cái đi-văng nhưng thần thái rất tinh. Người khác ốm thì trông thảm hại, mà ông thì đẹp lắm, mặt như ông tiên ấy. Môi dày, cười hiền lành, mặt vuông như ông tiên. Còn vợ thì đảm đang vô cùng: nấu xôi chè, pha cà phê, pha nước các thứ. Tuyệt vời lắm”, chị nói.
Hồng Đăng nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Khán giả biết nhiều tới Hồng Đăng qua Hoa sữa, Biển hát chiều nay, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ… Đấy chỉ là bề nổi khi công chúng nhìn vào ca khúc. Ông còn cả mảng khí nhạc ít được công chúng biết đến. Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936, quê gốc Yên Thành, Nghệ An, sau ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Ông sáng tác hơn 700 tác phẩm gồm ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu. Hồng Đăng sáng tác từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước khi còn đang là học sinh kháng chiến. Ông sáng tác nhiều tác phẩm quy mô khá sớm, trong đó có hợp xướng Lửa rực cháy (phỏng thơ Tố Hữu, 1960).
Nhạc sĩ Đức Trịnh:
Một Hồng Đăng khôi hài, quyến rũ
Nhạc sĩ Hồng Đăng, nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bốn khóa trong đó có hai khóa ở vị trí Thường trực. Ông là một người lãnh đạo hội năng động và đặc biệt là có sức cuốn hút, lôi kéo anh em nhạc sĩ rất lớn. Tính ông khôi hài, rất quyến rũ.
Hồng Đăng là người đa tài. Nhạc sĩ thường nếu thiên về ca khúc thì sẽ không hay về nhạc khí, hoặc ngược lại. Nhưng Hồng Đăng cả hai mảng song hành. Ông cũng giỏi cả phần giáo trình, viết sách, giảng dạy trong trường nhạc, sách chuyên ngành về phụ trợ sáng tác như tính năng nhạc cụ, phối khí... Mảng nhạc phim với những ca khúc rất hoành tráng như Hoa sữa, Biển hát chiều nay.
Ông là người có trải nghiệm cuộc đời phong phú, phông văn hóa cao kết hợp với bản năng “nhả ra” nhiều sợi tơ óng ánh. Trong cuộc sống, ông được anh em yêu quý. Khi tôi nhậm chức Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tới thăm chào ông, ông không khỏe nhưng vẫn biết. Đúng ra tôi phải gọi Hồng Đăng bằng chú, vì ông chơi với bố vợ tôi. Nhưng ông trẻ nên tôi cứ gọi bằng anh. Ông đa tài, trong cuộc sống được yêu mến.
N.M.HÀ (ghi)
Hồng Đăng viết khá nhiều ca khúc, nhưng ông có duyên gắn bó với Thủ đô, được xem là nhạc sĩ của Hà Nội với Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ. “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ có tính nhạc nhẹ rất cao vào thời điểm bác Đăng sáng tác, phải nói là một sự đột phá và rất có ảnh hưởng đến những thế hệ sau. Ca từ rất trong sáng, tính nhạc nhẹ rất rõ nét, trẻ trung. Nhóm 5 dòng kẻ hát bài này trong đêm nhạc của bác ở Nhà hát Lớn. Hồi đấy tôi vẫn còn trong nhóm”, Giáng Son nhận định.
Biển hát chiều nay thật ra là nhạc đỏ nhưng lại rất trữ tình, rất đẹp. “Thế hệ của bác viết những ca khúc nhạc nhẹ, trữ tình đều có sự đồng bộ bởi rất Việt Nam, đề cao bản sắc Việt Nam. Thời ấy, tất cả các nhạc sĩ đều làm được điều đấy. Dù viết dòng nhạc nào thì khi hát lên vẫn rất Việt Nam. Điều này đặt một nền móng cho các thế hệ sau này”, nhạc sĩ Giáng Son nói.
NSND Thanh Hoa có nhiều kỷ niệm với Hồng Đăng. Chị buồn khi nhận tin Hồng Đăng mất. Tin buồn liên tiếp đến với giới âm nhạc, bởi chỉ vài ngày trước nhạc sĩ tài hoa Ngọc Châu rời cõi tạm. “Tôi rất trân trọng Hồng Đăng. Tôi hát mấy bài của anh đều nổi tiếng cả, như Hoa sữa, Người sông Hương, Biển hát chiều nay. Người sông Hương là một trong những ca khúc về Huế mà tôi rất thích. Nó không đậm chất Huế nhưng lại hợp với tất cả những người đã đến và yêu Huế”, Thanh Hoa kể.
“Nói chuyện với anh tôi nhận thấy một con người nho nhã, có kiến thức rộng. Về cuộc sống thì có những góc không ai hiểu hết, nhưng trong nghề nghiệp, về nhân cách thì đây là người nghệ sĩ xứng đáng để tôn trọng. Anh ấy đầy nhiệt huyết với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có công và cũng tạo ra những phong trào sáng tác, những phương hướng cho Hội hoạt động. Sáng tác của Hồng Đăng chắt lọc, không nhiều nhưng ấn tượng với khán giả và ca sĩ. Tất cả bài hát của ông đều có cái riêng, sáng tạo, tìm tòi, đều rất tình. Hoa sữa viết cho phim (Hà Nội mùa chim làm tổ) thôi nhưng có đời sống âm nhạc rất dài, đi vào trong cuộc sống và rõ ràng có sự khắc khoải, có sự chờ đợi khi nói về tình yêu”, NSND Thanh Hoa nói.
Tài “tiên tri”
Người trong giới hầu như ai cũng nghe và rỉ tai nhau về tài xem tử vi của Hồng Đăng. Nhạc sĩ Giáng Son chỉ mới được Hồng Đăng xem tay trong một chuyến đi cùng hội nhạc sĩ. “Bác nói vài vấn đề từ gần 20 năm trước, đến bây giờ nhiều chuyện vẫn đúng”, Giáng Son nói. Chị nhìn thấy ở Hồng Đăng sự nhẹ nhàng, tinh tế nhưng rất hóm hỉnh, lúc nào tiếng nói cũng rủ rỉ.
NSND Thanh Hoa cũng từng “khiếp” vì Hồng Đăng nói trúng quá nên về sau không dám nhắc gì đến tử vi mỗi khi gặp ông. Còn nhạc sĩ Đức Trịnh khẳng định Hồng Đăng thường sớm dự đoán về mọi sự, bởi theo tử vi tháng 2 âm lịch này rất “không may”.
Ca sĩ Quỳnh Hoa có nhiều kỷ niệm riêng quý giá nhưng muốn giữ cho riêng mình. Chị coi nhạc sĩ Hồng Đăng là người thầy lớn trong sự nghiệp ca hát. “Cái tài của Hồng Đăng ở đây là ông biết nhìn người, biết dùng người, để người ấy giỏi lên. Từ một người không ai biết đến trở thành người hát được, được nhiều người yêu mến. Đấy là cái công của ông”, chị nói. Quỳnh Hoa là người hát Hoa sữa trước Thanh Lam, được nhạc sĩ đánh giá “hiệu quả” vì truyền được sức nặng, bề dày cảm xúc mà vẫn mềm mại, tự nhiên không khiên cưỡng.
Những năm 90 của thế kỷ trước Quỳnh Hoa cùng một số anh chị em nghệ sĩ đi biểu diễn báo cáo tác phẩm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam do nhạc sĩ Hồng Đăng và một số nhạc sĩ khác sáng tác. “Mỗi chuyến đi có nhạc sĩ Hồng Đăng thì trời ơi vui vô kể, vì ông nói chuyện rồi pha trò cười hóm hỉnh, rồi đặt lời bài hát, rồi nói chuyện nọ chuyện kia, duyên dáng lắm. Các tác phẩm của ông nổi tiếng, bài nào cũng đậm chất trữ tình, lãng mạn, thương yêu con người như chính tâm hồn ông”, Quỳnh Hoa nhớ lại.
Ấy thế nhưng Hồng Đăng cũng từng bắt Quỳnh Hoa sửa lại cả album. “Bình thường ông khiêm nhường và hay cười vậy mà khi nghe mấy bài tôi thu ông không ưng một chút nào. Ông bắt tôi thu lại, làm lại tất. Trừ bài Hoa sữa ông không đả động đến, còn 8 bài khác của những nhạc sĩ khác trong album, ông phê bình và bắt tôi làm lại tất. Đến giờ phút này vẫn chưa xong, vì ông chưa hài lòng. Thế mới biết ông khó tính và kĩ tính thế nào”, chị kể.
Quỳnh Hoa khẳng định Hồng Đăng biết xem tử vi, nhiều người mê “vụ xem tử vi” của ông lắm. “Ông là đại gia trong làng tử vi”, Quỳnh Hoa mạnh dạn khẳng định. Nhưng với riêng chị, nhạc sĩ Hồng Đăng không bao giờ xem cho. Ngoài ra, Hồng Đăng còn được nhắc đến là người thích…cho quà. “Trong ngăn kéo của ông lúc nào cũng có những đồ lưu niệm rất xinh xắn, chắc chắn là ông đã mua rất nhiều. Ai đến ông cũng tìm cách để tặng. Hôm nào có ai ra về mà không cầm trên tay một món đồ nào đó thì cảm giác như ông thấy có lỗi lắm”, Quỳnh Hoa miêu tả.
Đức Trịnh bảo, có người cả đời không cho ai được cái gì, còn Hồng Đăng là người nhất định cứ phải cho đi. Từ bút máy, bật lửa, kẹo cao su, bánh trái… “Không cho ai được cái gì là ông không chịu được. Có những lúc không chỉ tặng quà nho nhỏ, Hồng Đăng còn lấy cả tiền ra để cho người ta. Cảm giác như ông là người phải cho đi thật nhiều, mỗi lần cho đi là có thêm một thứ “nhập” vào người”, Đức Trịnh nói.