Công Lý: Năm 2003 khi Táo quân ra mắt khán giả lần đầu, Công Lý đã đảm nhận vai Bắc Đẩu - nhân vật hầu hạ bên cạnh Ngọc Hoàng và vị trí này không thay đổi trong suốt 16 năm qua. Với giọng nói the thé, chua ngoa, đanh đá, thích "chặt chém" từ Ngọc Hoàng cho tới các Táo nên Bắc Đẩu là quan thiên đình mà các Táo sợ nhất… Nhân vật này cũng là yếu tố "then chốt" tạo nên kịch tính, thậm chí còn là người đảm nhiệm các phân cảnh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" xuyên suốt chương trình. Nhiều người nhận xét rằng sự đa dạng trong lối diễn của Công Lý đã mang lại cho khán giả truyền hình những ấn tượng sâu sắc và thành công của nam nghệ sĩ trong vai diễn Bắc Đẩu là không thể phủ nhận.
Xuân Bắc: Là cặp bài trùng với cô Đẩu (Công Lý), Xuân Bắc cũng tham gia Táo Quân từ năm đầu tiên với vai Nam Tào. Mặc dù không đanh đá, chua ngoa như Bắc Đẩu, nhưng Nam Tào cũng cũng là nhân vật giúp "lật tung" mọi vấn đề xã hội nổi cộm trong năm. Sự kết hợp và tung hứng ăn ý của Nam Tào - Bắc Đẩu góp phần không nhỏ giúp chương trình Táo quân định hình trong lòng công chúng. Khán giả cho rằng Xuân Bắc khiến Nam Tào mang "chất" riêng với những biểu cảm tự nhiên như chính tính cách của anh ở đời thường. Đồng thời việc liên tục "lột xác" trong cách diễn ở Táo quân đã giúp nam nghệ sĩ trở thành tượng đài khó thay thế.
Vân Dung: Đây là nghệ sĩ nữ duy nhất gắn liền Táo Quân trong suốt 16 năm qua. Năm 2003, nữ nghệ sĩ vào vai Táo Xã hội, những năm sau chị vào vai các Táo khác nhau như Táo Y tế, Táo Báo chí, Táo Tiêu Dùng, Táo Dân sinh,…Nhiều năm trở lại đây, nữ nghệ sĩ đóng đinh với nhân vật Táo Y tế. Với tính cách có phần điệu đà, hay nũng nịu nhưng không chua ngoa theo kiểu Bắc Đẩu, Vân Dung được người xem nhận xét rằng có sự "điêu điêu" trong cách nói chuyện nên chỗ nào có Vân Dung thì chỗ đó có tiếng cười.
Tự Long: Trong quá trình đồng hành với Táo quân từ mùa đầu tiên cho đến nay, đây có lẽ là nhân vật được giới trẻ yêu thích nhất bởi những bản nhạc chế gây “sốt” mạng xã hội. Cũng như Vân Dung hay Quang Thắng, Tự Long nhận từng thử sức ở nhiều dạng Táo chứ không cố định, vài năm gần đây, anh thường vào vai Táo Giao thông và Táo Môi trường.
Quang Thắng: Cùng với Công Lý, Xuân Bắc, Vân Dung, Tự Long, nam nghệ sĩ là người tham gia Táo Quân từ năm đầu tiên đến nay. Ở mùa đầu tiên, nhân vật Táo của Quang Thắng không phụ trách ngành cụ thể mà được giới thiệu chung với chức Táo Quân. Những mùa Táo gần đây, Quang Thắng đóng đinh với vai Táo Kinh tế. Một số người cho rằng ở Quang Thắng, lối diễn xuất đều từ bản năng, có "tí nào xào tí nấy". Do đó với "tố chất" ấy cùng vẻ ngoài "lầy lội" của mình, anh đã mang đến chhoTáo Quân một hơi thở mới, một lối diễn độc đáo và duy nhất.
Chí Trung: nam nghệ sĩ lần đầu tham gia chương trình Táo Quân vào năm 2005. Với lối diễn xuất duyên dáng, nam nghệ sĩ tiếp tục tham gia chương trình Táo Quân các năm 2006, 2007 với vai Táo Xây dựng, Táo Quan chức. Từ năm 2008 đến năm 2013, Chí Trung liên tục đảm nhận vai Táo Giao thông và được xem là nghệ sĩ đóng nhân vật này thành công nhất, đây cũng là vai diễn để đời, mang thương hiệu và bản sắc riêng của nam nghệ sĩ.
"Ngọc Hoàng" Quốc Khánh: Anh không phải người đảm nhận vai Ngọc Hoàng trong mùa đầu tiên của Táo quân bởi khi ấy là NSND Quốc Trượng nhưng sau đó vai này được giao cho Quốc Khánh vì anh là người phù hợp nhất. Đây là vai ít thoại nhất nhưng lại quyền lực nhất thiên đình, trong suốt quá trình đồng hành cùng Táo quân, Quốc Khánh luôn khiến khán giả cười không ngớt bằng lối diễn kèm những câu nói để đời như "Thôi...", "Ta biết rồi",...
Gặp nhau cuối năm (hay Táo quân) được Hãng phim Truyền hình Việt Nam (nay là Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam - VFC) bắt đầu sản xuất từ năm 2003. Chương trình ban đầu là số đặc biệt của chương trình hài nổi tiếng Gặp nhau cuối tuần, khi đó Táo quân chỉ là 1 tiểu phẩm của chương trình. Từ năm 2006 đến nay, toàn bộ nội dung của Gặp nhau cuối năm là Táo quân. Đây chương trình truyền hình hài kịch đặc biệt, phát sóng vào lúc 20:00 ngày Tất niên âm lịch hằng năm trên tất cả các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, được đông đảo khán giả yêu thích và được coi là món ăn tinh thần truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán.
Tên chương trình dựa theo truyền thuyết Táo Quân Về Trời, thông qua buổi chầu, nơi các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm được trong suốt 1 năm qua, Gặp nhau cuối năm tập trung vào phản ánh những vấn đề nóng, nổi cộm trong 1 năm thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, giao thông, y tế, thể thao, khoa học kĩ thuật... một cách hài hước. Cách thể hiện là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như tấu nói, hài kịch xen lẫn với các điệu dân ca cải lương, chèo và nhiều bài nhạc chế.
Theo Tổng hợp