Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, cho biết, năm 2021, Việt Nam đã xảy ra 4.061 trận thiên tai, tai nạn, sự cố, trong đó có 841 trận với 18/22 loại hình thiên tai, làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; thiệt hại về kinh tế khoảng 5.200 tỷ đồng (năm 2020 là 39.000 tỷ đồng).
Trong số các cơn bão năm nay, đáng chú ý nhất là siêu bão số 9 (Rai) gây liên tiếp 6 đợt mưa lớn từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12/2021 ở khu vực miền Trung với tổng lượng phổ biến 2.000-3.500mm; kéo theo lũ gần ở mức lịch sử trên các sông ở Bình Định, Phú Yên và ngập lụt trên diện rộng, sạt lở nhiều nơi.
Nhiều thiên tai bất thường, nguy hiểm ảnh hưởng tới Việt Nam
Về thời tiết năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, năm nay nhiệt độ toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng, có thể cao hơn 1,09 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Với xu thế nóng lên toàn cầu, nguy cơ cao xuất hiện nhiều thiên tai bất thường, nguy hiểm ở các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Thành, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới dự báo ở mức tương đương trung bình nhiều năm (12-14 cơn bão trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 4-6 cơn), nhưng có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới/bão sớm ảnh hưởng tới Bắc Bộ.
Mặt khác, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong tháng 2 và 3, thời tiết ẩm ướt, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù gia tăng so với thời kỳ này hàng năm ở khu vực Bắc Bộ.
Tránh tình trạng "bão đi một đường, dự báo một nẻo"
Trước dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, trong đó, lưu ý không để xảy ra các trường hợp đáng tiếc, “ví dụ, có trận bão nhỏ mà làm chết người”.
Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai; tiếp nhận thông tin, chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố, vụ việc cần cứu hộ, cứu nạn không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, các đơn vị ưu tiên nguồn lực đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, khắc phục sự cố thiên tai, không để tình trạng "bão đi một đường, dự báo một nẻo".
Các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, nhất là thiên tai, sự cố lớn trên diện rộng, trong điều kiện vừa phòng chống thiên tai và dịch bệnh.