Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, đại sứ quán và hơn 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tham dự ngày hội lớn nhất năm của giới khởi nghiệp Việt Nam. Bộ KH&CN cho biết, năm nay, nhiều startup Việt nhận được khoản đầu tư lớn từ nước ngoài.
Tháng 2, Triip.me gọi vốn được 10 tỷ đồng. Tháng 5, GotIt! nhận được 200 tỷ đồng và lọt vào top 2 ứng dụng Apple Store. Tháng 7, Vntrip.vn được đầu tư gần 70 tỷ đồng; HelloMa nhận được khoản đầu tư 90 tỷ đồng. Tháng 3, MoMo nhận được hơn 600 tỷ đồng từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. Lozi, mạng xã hội về ẩm thực và mua bán đồ thời trang, điện tử, có khoảng 400.000 người dùng, doanh thu khoảng 50.000 USD/ tháng. Đầu năm 2016, mạng xã hội này nhận đầu tư từ Nhật Bản và Singapore. Tháng 11, Lozi nhận thêm khoản đầu tư 1 triệu USD từ Hàn Quốc.
Beeketing (cung cấp giải pháp marketing trực tuyến cho doanh nghiệp) đã được quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ 500 Startups đầu tư 150.000 USD và được định giá 2,5 triệu USD. Mới đây, 500 Startups công bố quyết định lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD để rót vốn cho 100-150 startup Việt. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100.000-250.000 USD. Trong 5 năm tới, 500 Startups sẽ tăng vốn lên 100 triệu USD dành cho startup Việt. Bộ KH&CN nhận định, đây là thời điểm thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng nói hộ các startup Việt
Phát biểu tại Techfest 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói hộ các doanh nghiệp khởi nghiệp về những khó khăn và mong muốn của họ. “Anh em (cách Phó Thủ tướng gọi các cá nhân khởi nghiệp-PV) muốn là làm sao thủ tục chứng nhận đầu tư, thành lập quỹ, thủ tục công nhận quỹ được thuận lợi hơn”, Phó Thủ tướng nói. Thứ hai, “anh em” muốn Chính phủ, Trung ương và các cấp dành quỹ đầu tư, giống như quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc có thể song hành với các nhà đầu tư mạo hiểm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Các startup rất sợ giấy phép con, mong muốn môi trường kinh doanh thông thoáng. Về sở hữu trí tuệ, cần có cơ chế để biết nhanh công nghệ nào đã có người làm rồi, “anh em” khỏi mất công vào đấy.
Phó Thủ tướng nói rằng, các starup rất muốn Nhà nước hỗ trợ để sản phẩm có thể vào thị trường và ra nước ngoài. Điều này có thể không cần nhiều tiền nhưng rất cần sự chỉ đạo của các bộ, ngành. Ngoài ra, “anh em” rất muốn được tạo điều kiện có không gian làm việc chung để gặp nhau cũng như gặp các nhà đầu tư, các nhà tư vấn. “Anh em” cũng muốn được hỗ trợ tư vấn về thị trường, luật pháp quốc tế, mong muốn Nhà nước khuyến khích các tập đoàn lớn mua lại các doanh nghiệp khởi nghiệp để “anh em” có vốn tiếp tục cho ý tưởng khởi nghiệp mới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đang thực hiện một số đề án nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để startup phát triển, như triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến 2025, phối hợp Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất một số nội dung liên quan hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ cũng đang phối hợp các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán hỗ trợ xây dựng thể chế pháp luật, kết nối quốc tế và khuyến khích đào tạo nâng cao năng lực cho startup Việt.
Bộ KH&CN ký kết hợp tác với T.Ư Đoàn
Tại lễ khai mạc Techfest 2016, Bộ KH&CN tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cổ vũ, khuyến khích, nâng cao tinh thần và năng lực khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên; tạo động lực hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công. Cũng tại lễ khai mạc, Ban điều hành Đề án hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã ra mắt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát động phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc.