Nhiều quốc gia muốn điều tra nguồn gốc COVID-19

TP - Úc và Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch corona.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cuối tháng 2 Ảnh: Reuters

Dù Mỹ liên tục tung ra những cáo buộc đối với Trung Quốc, như cho rằng virus gây đại dịch bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nhưng EU và Úc dự kiến mới là các bên đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19, khi Hội đồng Y tế thế giới tổ chức kỳ họp thường niên trong 2 ngày, bắt đầu vào chiều tối qua (giờ Việt Nam) tại Geneva, Thụy Sỹ.

Tại cuộc họp đầu tiên của cơ quan chủ quản của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, Trung Quốc dự kiến phải đối mặt với 2 vấn đề nhạy cảm nhất: cách xử lý của nước này khi dịch bệnh xảy ra và sự tham gia của Đài Loan vào WHO.

Nhóm được Mỹ hậu thuẫn cũng ủng hộ Đài Loan, với câu chuyện thành công trong xử lý COVID-19, tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên. Động thái nhằm tăng cường các quan hệ ngoại giao chính thức và không chính thức này của Đài Loan khiến Bắc Kinh nổi giận, vì họ coi hòn đảo là một phần lãnh thổ của mình.

Tình thế căng thẳng đó phản ánh những cạnh tranh địa chính trị căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc, sau khi đại dịch giết chết khoảng 300.000 người và tàn phá nền kinh tế thế giới. Mỹ đã dừng cấp tiền cho WHO, cho rằng cơ quan này thiên vị Trung Quốc, thậm chí còn đề xuất thành lập một tổ chức thay thế.

Giữa những ồn ào đó, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ thuyết phục được các thành viên của WHO rằng, quan hệ tốt với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giúp họ vực dậy tăng trưởng, nên bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay thế WHO cũng khó được ủng hộ mạnh mẽ.

Sự giận dữ ở một số nước đối với cách phản ứng của Trung Quốc với đại dịch không chỉ là vấn đề che giấu thông tin, mà cả cách Bắc Kinh đáp trả chỉ trích. Úc cảm nhận rõ hơn cả sức nóng từ Trung Quốc, sau khi bị Bắc Kinh dọa tẩy chay hàng hóa và dịch vụ, dừng nhập khẩu thịt bò vì các lý do “kỹ thuật”. Canberra gọi lời đe dọa tẩy chay của Bắc Kinh là “cưỡng ép về kinh tế” nhưng không rút lại đề xuất tiến hành điều tra.

Trong khi vẫn đang cân nhắc câu chữ của nghị quyết sẽ trình tại cuộc họp, Ủy ban châu Âu cho biết dự thảo nghị quyết kêu gọi “đánh giá độc lập về những bài học rút ra từ phản ứng y tế quốc tế đối với virus corona”. Dự thảo nhận được sự hậu thuẫn của Úc, Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga, Reuters dẫn tin từ một nhà ngoại giao châu Âu cho biết. Những cái tên trong dự thảo nghị quyết cho thấy 116 trong tổng số 194 quốc gia thành viên WHO ủng hộ.

Nghị quyết kêu gọi Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus triển khai một “đánh giá vô tư, độc lập và toàn diện” về phản ứng toàn cầu do WHO điều phối đối với COVID-19, bao gồm tính hiệu quả của các cơ chế hiện nay. Dự thảo cũng ủng hộ việc tiếp tục công việc, bao gồm cả nghiên cứu thực địa, để xác định nguồn gốc virus và cách nó lây lan sang con người.

Dự thảo không nhắc đến tên Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vẫn quá sớm để điều tra nguồn gốc và sự lây lan của virus. Bộ này cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu qua video tại lễ khai mạc.