Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao giá trị của Cụm di tích Tiên Lục

Tại tọa đàm về phát huy và bảo tồn giá trị Cụm di tích Tiên Lục (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cụm di tích này xứng đáng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Cây dã hương trong Cụm di tích Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang)

Tại buổi tọa đàm, theo ông Nguyễn Sỹ Cầm – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, Cụm di tích Tiên Lục bao gồm: Chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và cây dã hương. Đây là một quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật nổi bật với các ngôi đình, đền, chùa, cây dã hương cổ kính, linh thiêng, có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được trùng tu, tôn tạo thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII).

Theo Thần tích, Thần sắc làng Tiên Lục ghi rõ Tiên Lục thờ 4 vị thành hoàng. Đặc biệt, trong 4 vị Thành hoàng thì có 1 vị thành hoàng là đặc biệt hơn cả, đó là cây dã hương cổ thụ đã được nhà vua phong sắc và cho phép thờ tại đình Viễn Sơn. Dưới thời Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), khi nhà vua đi ngang qua vùng này, thấy cây dã hương to đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”, nghĩa là cây dã hương to đẹp nhất nước.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Dưới thời Pháp thuộc, cây dã hương đã được người Pháp liệt vào loại cây cổ thụ lâu đời có hạng ở vùng Đông Dương. Trong lịch sử, cây dã hương được nhắc đến từ khi cái tên Bắc Giang được nêu trong cuốn “Việt Sử Lược” cổ nhất của nước Việt, đó cũng là thời kỳ nước ta còn mang tên Đại Việt. Từ đó, nhân dân Tiên Lục vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ cây dã hương như một báu vật của quê hương. Đây là yếu tố văn hóa mang tín ngưỡng dân gian vô cùng đặc biệt duy nhất chỉ có tại tỉnh Bắc Giang, cũng như Việt Nam.

Ông Trần Văn Lạng – Nguyên Giám đốc Bảo Tàng tỉnh Bắc Giang cho biết, việc xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt là xứng đáng đối với Cụm di tích Tiên Lục. Ông Lạng nhấn mạnh, cần xem có gì đặc biệt ở Cụm di tích Tiên Lục, cái gì là sinh khí hút người dân đến cụm di tích. Cái linh khí ở cây dã hương.

Theo ông Lạng cần tìm được mối quan hệ cây dã hương với các di tích trong cụm di tích. Cây dã hương là cây di sản văn hóa của thế giới. Cây quý, linh thiêng phải giữ gìn. Cây dã hương ở xã Tiên Lục còn là biểu tượng kính trọng người già, đạo lý trọng lão, cây cao bóng cả. Ngày xưa, triều đình và người dân đều trân trọng cây dã hương. Cây dã hương là trung tâm, điểm hẹn của Cụm di tích Tiên Lục.

Ông Nguyễn Như Phương – Trưởng phòng Quản lý văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho hay, Cụm di tích Tiên Lục được công nhận quốc gia cách đây 35 năm. Cụm di tích đủ được điều kiện xếp hạng quốc gia đặc biệt, để hồ sơ chặt chẽ hơn thì cơ quan chuyên môn có sự phân tích sâu hơn kiến trúc nghệ thuật của cụm di tích này. Hồ sơ về Cụm di tích Tiên Lục có ảnh cần gia cố thêm góc chụp, điểm nhấn, chạm khắc tiêu biểu.

PGS. TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo đánh giá Cụm di tích Tiên Lục xứng đáng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, hồ sơ phải nêu được giá trị nổi bật, chỉ ra được mối quan hệ các đền, chùa, đình và các loại hình tín ngưỡng trong cụm di tích. Hồ sơ nhấn mạnh loại hình thờ cúng, thờ cây, đây là tín ngưỡng cổ. Thờ cây và đá là rất cổ và Cụm di tích Tiên Lục có cây dã hương được phong làm thần từ lâu đời, rất giá trị và được thờ trong đình của làng. Cây được sắc phong và thờ thành hoàng làng ở hai đình nên thu hút người dân quan tâm. Trong tâm linh cây rất thiêng, tâm thức cây càng to càng có thần linh.

PGS. TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng nên gọi Quần thể di tích thay cho Cụm di tích Tiên Lục. Cụm di tích Tiên Lục đã được xếp hạng di tích quốc gia. Lễ hội Tiên Lục được ghi danh, cụm di tích sống trong cộng đồng và nhân dân. Đó là 3 tiêu chí rất quan trọng để trình hồ sơ xếp hạng Cụm di tích Tiên Lục là di tích quốc gia đặc biệt.

Ông Kim góp ý, hồ sơ về Cụm di tích Tiên Lục bổ sung thêm lịch sử văn hóa, mang giá trị vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Trong Cụm di tích Tiên Lục, cây đại thụ dã hương được thần linh hóa, biểu tượng văn hóa độc đáo. Đây là tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thể hiện mối giao kết con người với tự nhiên là nét độc đáo nên làm hồ sơ cần phân tích sâu yếu tố này. Địa phương cần phát triển thêm đồi, rừng dã hương.

PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết thêm, ở Việt Nam, ông chưa thấy cây nào có sắc phong, có bài vị thờ như cây dã hương trong Cụm di tích Tiên Lục. Có lẽ đây là yếu tố nổi trội nhất của Cụm di tích Tiên Lục.